Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 1
GIỚI LUẬT
ĐỨC HẠNH VÀ THẾ GIỚI CỦA LỤC CĂN
CHƯƠNG 7
DUY TRÌ NHỮNG TIÊU CHUẨN TU HÀNH
Đây là những gì tôi bảo chư tăng:
Đừng bỏ những sự tu hành căn bản của
bạn;
ăn ít, nói ít, ngủ ít, kiềm thúc,
điềm tĩnh và tách biệt;
kinh hành và ngồi thiền đều đặn;
họp mặt thường xuyên vào những giờ
nhất định.
Hãy nỗ lực thực hành những điều này.
Trong buổi họp hằng năm sau kỳ thi Phật Pháp, chúng
tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc hoàn tất những bổn phận trong tu viện,
những bổn phận đối với các vị thầy. Những bổn phận này giúp chúng ta đoàn kết,
cho phép chúng ta sống hòa thuận với nhau. Chúng cũng giúp cho chúng ta biết
tôn trọng lẫn nhau, và như thế sẽ lợi ích cho cả cộng đồng.
Trong tất cả những đoàn thể, từ thời Đức Phật cho
đến ngày nay, bất kể là dưới hình thức nào, nếu các thành viên không tôn trọng
lẫn nhau, họ không thể thành công. Dầu đó là đoàn thể của người xuất gia hay tại
gia, nếu họ thiếu lòng tôn trọng đối với nhau, họ sẽ không đoàn kết. Sự phóng
túng sẽ phát sinh, và sự tu hành sẽ thoái hóa dần.
Đoàn thể những người tu hành của chúng ta đã sống ở
đây gần 25 năm rồi. Nó vẫn tiếp tục phát triển, nhưng nó cũng có thể suy đồi.
Chúng ta phải hiểu điều này. Nhưng nếu chúng ta đều tỉnh giác, tôn trọng lẫn
nhau, và tiếp tục duy trì những quy định trong sự tu hành, tôi nghĩ rằng chúng
ta sẽ sống rất hài hòa. Sự tu hành của chúng ta sẽ đẩy mạnh sự phát triển Phật
pháp trong một thời gian rất lâu.
Học và hành phải đi đôi với nhau. Đạo Phật đã phát
triển rộng lớn bởi vì sự nghiên cứu và thực hành đi đôi với nhau. Nếu chúng ta
chỉ nghiên cứu kinh điển một cách qua loa, sự buông lung sẽ nảy sinh. Năm đầu
tiên ở đây, chẳng hạn, chúng ta có bảy vị tăng tham dự kỳ an cư kiết hạ. Vào
lúc đó, tôi nghĩ, “Mỗi khi chư tăng bắt đầu học hỏi Phật pháp để chuẩn bị cho
kỳ thi, thì sự tu hành của họ xuống dốc”. Tôi cố tìm hiểu lý do. Tôi bắt đầu
giảng dạy những vị tăng tham gia kỳ ăn cư kiết hạ - tất cả bảy người. Tôi
thuyết giảng khoảng 40 ngày, từ sau bữa ăn sáng cho đến sáu giờ chiều, mỗi
ngày. Các vị tăng dự thi, và kết quả rất khả quan: tất cả đều thi đậu.
Như thế là quá tốt, nhưng có một vấn đề liên quan
đến những người thiếu thận trọng. Để học tập, các vị tăng cần phải tụng đọc kinh
điển rất nhiều, tôi nhận thấy một sự thay đổi trong cách ứng xử của họ. Họ
không đi kinh hành nữa, mà chỉ ngồi thiền một chút, và bắt đầu giao tiếp nhiều
hơn. Mức độ kiềm chế và điềm tĩnh cũng giảm sút nhiều.
Thật ra, trong sự tu hành của chúng ta, khi bạn đi
kinh hành, bạn nên thật sự đi; khi ngồi thiền, bạn phải tập trung vào việc
thiền quán. Bất kể là bạn đi, đứng, nằm, hay ngồi, bạn đều phải cố duy trì sự
điềm tĩnh. Nhưng khi các sư dành nhiều thời gian để nghiên cứu kinh điển, đầu
óc họ đầy ắp chữ nghĩa, họ say mê sách vở và quên mất chính mình. Điều này chỉ
xảy ra với những người không có trí tuệ, những người không tự kiềm chế và những
người không có sự cảnh giác liên tục.
Họ ngày càng trở
nên lơ đãng. Những cuộc trò chuyện và giao tiếp bâng quơ trở nên thường xuyên
hơn. Đó không phải do bởi sự nghiên cứu kinh điển, mà do họ không nổ lực, họ
quên mất chính mình.
Thật ra, kinh điển
là sự chỉ dẫn trên con đường tu hành. Nếu chúng ta thực sự hiểu biết, thì
nghiên cứu kinh điển sẽ trợ giúp cho việc hành thiền. Nhưng nếu chúng ta quên
mất chính mình, thì sự nghiên cứu kinh điển chỉ dẫn tới cuộc thảo luận vô bổ.
Không phải sự học hỏi là sai cách, nhưng những người đó không thực hành tu tập,
họ không xem xét lại hành vi.
Trong kỳ an cư kiết
hạ kế tiếp, tôi không thuyết giảng nữa. Nhiều năm sau đó, nhiều người trẻ đến
xin xuất gia. Có người không biết gì về luật tạng và không hiểu gì về giới
luật, nên tôi quyết định thay đổi đường lối của mình. Tôi yêu cầu các vị sư
thâm niên làm công việc giảng dạy. Họ là những người đã từng nghiên cứu kinh
điển và vẫn tiếp tục làm thế. Đây là lý do chúng ta có sự học hỏi giáo pháp ở
đây.
Tuy nhiên, khi kỳ
thi kết thúc, tôi yêu cầu chư tăng củng cố lại sự tu hành của họ. Tất cả những
kinh điển nào không liên quan đến việc tu hành, chúng tôi cất qua một bên.
Chúng tôi củng cố lại chính mình, chúng tôi trở lại với những tiêu chuẩn thường
lệ, chẳng hạn như việc tụng kinh hằng ngày. Đây là tiêu chuẩn của chúng tôi.
Chúng tôi làm thế chỉ để rèn luyện chuyên cần, chống lại sự lười biếng và hay
chán nản của mình.
Đây là những gì tôi bảo chư tăng:
Đừng bỏ những sự tu hành căn bản của bạn: ăn ít, nói ít, ngủ ít, kiềm thúc,
điềm tĩnh và tách biệt; kinh hành và ngồi thiền đều đặn; họp mặt thường xuyên
vào những giờ nhất định. Hãy nỗ lực thực hành những điều này. Đừng lãng phí cơ hội tuyệt vời này.
Hãy tu hành. Bạn có cơ hội để tu hành ở đây, bởi vì bạn sống dưới sự chỉ dẫn
của người thầy. Vị thầy sẽ bảo vệ bạn ở một mức độ nào đó, vì vậy, bạn nên dồn
hết tâm trí vào sự tu hành. Kinh hành, ngồi thiền, tụng kinh sáng và tối - đây
là bổn phận của bạn. Hãy nổ lực và chuyên cần.
Những
người mặc áo tu đừng lãng phí thời gian. Chúng ta không thể cứ mãi ngồi lên nằm
xuống ở nơi này. Là người xuất gia học Phật, chúng ta sống và ăn uống đầy đủ.
Chúng ta không nên xem thường điều đó. Sự buông thả trong khoái lạc và thoải
mái - là một điều nguy hiểm. Chúng ta nên trưởng thành và bồi dưỡng sự tu hành
của mình, nổ lực nhiều hơn, sửa đổi những gì sai lầm, và đừng chìm đắm vào thế
giới bên ngoài.
Một người thành tâm không bao giờ lơ
là việc kinh hành và ngồi thiền, không bao giờ ngừng nghĩ trong việc duy trì
chánh niệm và sự điềm tĩnh.
Một vị tăng, sau khi dùng bữa, treo chiếc áo tràng lên và chăm sóc nhu cầu cần
thiết, rồi đi kinh hành - và con đường ông đi đã mòn hẳn - vị tăng này là người
có sự nổ lực, là người nhiệt tâm với sự tu hành của mình.
Nếu
tất cả chúng ta đều tinh cần như thế đối với sự tu hành, thì không có vấn để gì
xảy ra cả. Nếu không chuyên tâm tu hành, thì bạn tới đâu cũng như đang đi du hí
mà thôi. Không thích nơi này, bạn đi nơi khác, rồi không thích chỗ đó, bạn quay
về chỗ này. Chỉ bấy nhiêu thôi, chạy khắp nơi theo cái lỗ mũi của bạn. Bạn
không cần phải đi quá nhiều nơi; chỉ
việc ở lại đây - tu hành và học hỏi đến nơi đến chốn.
Tiến
bộ và thoái hóa cũng là đây. Tu hành đúng
cách là quân bình sự học hỏi giáo pháp và thực hành giáo pháp. Nếu tâm an
ổn và thân thể khỏe mạnh, bạn trở nên điềm tĩnh. Còn nếu tâm rối loạn, thì dẫu
thân thể có mạnh mẽ, bạn cũng gặp chướng ngại.
Hành thiền là học
cách rèn luyện xả bỏ. Ở đây tôi nói học
có nghĩa là: Mỗi khi tâm cảm nhận một điều gì, chúng ta có bám víu vào đó
không? Chúng ta có làm cho nó trở thành vấn đề không? Chúng ta có cảm thấy
thích thú hay chán ghét không? Thường thì chúng ta thường chìm đắm vào tư tưởng
của mình. Nếu chúng ta không thích một điều gì, chúng ta sẽ tỏ thái độ bực bội.
Nếu chúng ta thích một điều gì, chúng ta sung sướng. Tâm trở nên ô nhiễm và
phiền não. Nếu chúng ta làm thế, chúng ta phải biết rằng mình vẫn còn có vấn
đề, chúng ta bị mắc kẹt vào đó, chúng ta vẫn còn có công việc để làm, đó là: xả
bỏ nhiều hơn, tu hành tinh tấn hơn. Ý tôi học hỏi là như vậy. Nếu chúng ta còn
dính mắc ở nơi nào, chúng ta biết rằng mình còn bị kẹt. Chúng ta biết rõ tình
trạng của mình, và chúng ta nổ lực sửa đổi. Bạn phải canh phòng chính mình,
đừng để sai lầm phát sinh từ thân, khẩu, ý. Bạn phải nhanh chóng cải thiện
mình. Đây là cái mà tôi gọi là tu học. Hãy suy ngẫm điều này cho đến khi bạn
nhận biết nó rõ ràng.
Nếu đã chứng đắc, thì bất kỳ những gì là sai trái, chúng ta
đã buông bỏ, hết rồi, Bất kỳ điều gì là lợi ích, chúng ta đều phát huy. Một khi
chứng đắc, chúng ta kinh nghiệm một cảm giác an lạc. Bất kể người khác
nói gì, bạn biết mình, chúng ta bình thản. Ở đâu, chúng ta cũng tự tại.
Những vị tăng trẻ
mới tu có thể nghĩ rằng dường như vị cao tăng không đi kinh hành, hay ngồi
thiền nhiều cho lắm. Đừng bắt chước ông ta về điều này. Bạn nên noi gương chứ
đừng bắt chước. Vị cao tăng an trụ trong trú xứ an lạc của tâm ông ấy. Dầu bề
ngoài ông có vẻ không tu hành gì cả, ông tu hành ở bên trong.
Cho nên vị thầy đã
tu hành lâu năm, đã đi xa trên con đường Đạo pháp, có thể sẽ phóng túng trong
hành động và khôi hài trong lời nói của mình, nhưng ông luôn cảnh giác. Ông
bình thản. Nếu bạn chỉ đang tu tập, cố bắt chước hành động như thế, nó sẽ không
thể giống nhau. Bạn không cùng đẳng cấp với ông ấy. Ông ấy sống trong thế gian
nhưng không bị khuấy động bởi nó. Chúng ta chưa thể nhìn thấy được điểm này,
cho nên đừng phán xét dựa vào dáng vẻ bề ngoài. Một người đã tu hành đắc đạo có thể làm hay nói một điều gì, một cách
nào đó, nhưng tâm của họ thì tĩnh lặng, bởi vì họ sống trong Phật pháp và giới
luật.
Hãy làm theo chỉ
dẫn của Đức Phật, “Chánh niệm là con đường dẫn đến sự sống vĩnh hằng”. Hãy suy ngẫm
điều này. Bất cứ những gì người khác làm không phải là quan trọng, chỉ nhớ đừng
buông lung. Hãy hiểu rằng chữ tỳ kheo, theo định nghĩa của Đức Phật, là “người
nhìn thấy hiểm họa của sự luân hồi”. Kẻ nhìn thấy hiểm họa của sự luân hồi là
kẻ nhìn thấy những sai lầm, bản chất của thế gian. Thế giới này có quá nhiều
hiểm họa, nhưng đa số người không nhìn thấy nó, họ chỉ thấy sự khoái lạc và ham
muốn.
Luân hồi là gì? Sự
lập đi lập lại vô cùng vô tận. Nổi khổ của sự luân hồi là khôn tả xiết, không
thể tưởng tượng được. Hạnh phúc cũng là luân hồi. Nếu chúng ta không nhìn thấy
hiểm họa của sự luân hồi, chúng ta sẽ bám chặt vào khoái lạc và quên đi rằng
nổi khổ sẽ quay trở lại, mọi thứ đều vô thường và xoay vần mãi. Chúng ta sẽ như
đứa trẻ, không biết lửa là gì.
Nếu chúng ta hiểu
sự tu hành là như vầy: “Tỳ kheo là người nhìn thấy hiểm họa của luân hồi” - nếu
sự hiểu biết này được khắc sâu, thì dù là đi, đứng, nằm và ngồi, ở bất cứ nơi
nào, chúng ta đều thản nhiên. Chúng ta luôn xem xét chính mình. Sự cảnh giác
luôn luôn ở đó. Ngay cả khi đang ngồi yên thoải mái, chúng cũng cảnh giác như
thế. Bất kể làm gì, chúng ta cũng nhìn thấy được hiểm họa này, cho nên chúng ta
luôn ở trong trạng thái tâm khác hẳn - tâm tỉnh thức.
Về phần tôi, bởi
thân thể tôi không khỏe cho lắm, tôi sẽ để những vị tăng khác chăm sóc một vài
việc cho tôi. Có lẽ tôi sẽ nghĩ ngơi một thời gian. Từ trước đến nay đã là như
vậy rồi: Chừng nào cha mẹ còn sống, con cái đều khỏe mạnh và tốt đẹp. Khi cha
mẹ chết, con cái chia lìa. Lúc trước chúng giàu có, nay thì nghèo. Điều này
thường xảy ra trong đời sống thế tục và nó cũng xảy ra ở đây. Trong đời sống xuất gia, nếu vị thầy không
còn ở đây nữa, điều gần như luôn luôn xảy ra là các vị tăng sẽ giao tiếp nhiều
hơn, chia phe phái, và suy thoái dần. Sống dựa vào công đức của vị thầy, mọi
việc đều trôi chảy. Khi vị thầy qua đời, các đệ tử thường chia rẽ. Quan điểm
xung đột. Những người nghĩ sai lầm sống ở một nơi, những người nghĩ đúng sống ở
một nơi khác. Những người cảm thấy bất an rời bỏ đoàn thể, dựng lên tu viện
mới, và thiết lập tông phái mới với nhóm đệ tử riêng của họ. Nó là như vậy đó.
Lỗi là ở chúng ta. Khi vị thầy còn sống, chúng ta lơ là cảnh giác, chúng ta
không đem tiêu chuẩn tu hành mà vị thầy dạy dỗ ghi khắc chúng vào tâm của mình.
Sự tu hành của
chúng ta là vậy. Chẳng hạn, nếu trong số những người xuất gia ở đây, chỉ có
mười người tu hành tốt, thì Wat Pah Pong sẽ hưng thịnh. Giống như trong một
ngôi làng có một trăm căn nhà, dầu chỉ có 50 người tốt thôi, ngôi làng đó cũng
sẽ thịnh vượng. Thật ra, tìm được một người tốt thôi cũng đã khó lắm rồi. Còn
với một tu viện như thế này, khó mà tìm được năm hay sáu vị tăng thật sự thành
tâm, thật sự tu hành.
Dầu sao đi nữa, bổn
phận duy nhất của chúng ta bây giờ là tu hành cho tốt. Thử nghĩ đi, chúng ta có
được gì ở đây? Chúng ta không có của cải, tài sản, và gia đình nữa. Ngay cả
thức ăn, chúng ta cũng chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Là một người xuất gia, chúng ta
xả bỏ mọi thứ. Chúng ta không nắm giữ một thứ gì. Tất cả những thứ người đời
hưởng thụ chúng ta đều dứt bỏ. Chúng ta xuất gia để tu hành. Vậy thì tại sao
chúng ta lại thèm muốn những thứ khác, dính mắc vào tham lam, oán thù hay tà
kiến?
Nếu chúng ta không
tu hành, thì còn tệ hơn người tại gia, bởi chúng ta không làm được gì cả. Nếu
chúng ta không làm công việc gì hay nhận lãnh trách nhiệm của mình, thì đó là
sự lãng phí một đời sống sa môn.
Sống mà không tỉnh
giác thì cũng như chết. Hãy tự hỏi mình, “Tôi có thời gian để tu hành khi tôi
chết không?” Hãy luôn tự hỏi, “Khi nào mình chết?” Nếu chúng ta nghĩ như thế
mãi, tâm chúng ta sẽ luôn tỉnh giác. Khi có sự tỉnh giác liên tục, chánh niệm
sẽ tự động theo sau. Trí huệ sẽ sáng tỏ, và chúng ta nhìn thấy bản chất thật
của mọi vật. Sự tỉnh giác sẽ như người canh gác tâm, nhận biết sự nảy sinh của
cảm xúc vào mọi lúc, ngày lẫn đêm. Đó gọi là Chánh Niệm. Có chánh niệm là có sự tỉnh giác liên tục. Một người luôn tỉnh giác là
người tu hành đúng cách. Đây là bổn phận của chúng ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét