Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 1
GIỚI LUẬT
ĐỨC HẠNH VÀ THẾ GIỚI CỦA LỤC CĂN
CHƯƠNG 4
TÂM THIỆN LÀNH
Buông bỏ mọi điều ác, lớn và nhỏ,
từ thân, khẩu, ý.
Đây là giáo lý của Phật.
Thời nay, người ta
đi khắp nơi để cầu phước báu, và họ thường ghé ngang tu viện Wat Pah Pong này.
Nếu họ không ghé ngang trên đường đi, thì họ ghé ngang trên đường trở về. Có
người vội vã đến độ tôi không có cơ hội để nhìn hay nói chuyện với họ. Đa số
mọi người đi tìm kiếm phước báu. Tôi không thấy nhiều người muốn tìm cách sửa
đổi lối sống sai trái của họ. Họ lo kiếm phước báu đến độ họ không biết họ sẽ
để nó ở đâu! Nó cũng giống như việc nhuộm một miếng vải bẩn, chưa giặt.
Các tăng sĩ giảng
dạy thẳng thắn, nhưng không bao nhiêu người thực hành. Phần lớn là bởi vì họ
không hiểu. Nếu họ hiểu thì dễ hơn nhiều. Giả sử có một cái lỗ, và có một thứ
gì ở dưới đáy. Nếu có người thò tay vào cái lỗ mà không thể chạm đến đáy, họ
nói rằng cái lỗ đó quá sâu. Hàng trăm, hàng ngàn người có thể thò tay xuống cái
lỗ đó, và đều nói rằng cái lỗ đó quá sâu. Không ai nói rằng cánh tay của họ quá
ngắn cả!
Sớm muộn rồi, những
người tìm kiếm phước báu này sẽ phải bắt đầu tìm cách xa rời những việc làm sai
lầm của họ. Nhưng không bao nhiêu người muốn làm thế. Giáo lý của Đức Phật quá
ngắn gọn, thế mà đa số người cứ lờ đi, giống như cách họ ghé Wat Pah Pong. Đối
với đa số người, Phật pháp là vậy đó, là chỗ để đỗ lại một chút.
Chỉ có vài hàng chữ
thôi, không có gì phức tạp cả. Thứ nhất là, tránh
làm mọi điều ác. Đó là giáo lý của Phật. Đây là cốt tủy của Phật pháp.
Nhưng người ta cứ lờ đi, bởi họ không muốn điều này. Buông bỏ mọi điều ác, lớn và nhỏ, từ thân, khẩu, ý - đây là giáo lý của
Phật.
Nếu muốn nhuộm một
mảnh vải, chúng ta cần giặt sạch nó trước. Nhưng nhiều người không làm như vậy.
Họ không xem xét miếng vải trước mà chỉ việc nhúng nó ngay vào thau thuốc
nhuộm. Nếu miếng vải dơ bẩn, nhuộm màu khiến cho nó xấu xí hơn. Thử nghĩ đi.
Nhuộm một cái giẻ củ bẩn thỉu có làm cho nó sạch đẹp hơn không?
Bạn thấy không? Đây
là cách mà Phật pháp được giảng dạy, nhưng đa số con người cứ lờ đi. Họ muốn
làm việc thiện, nhưng không muốn buông bỏ thói quen xấu của họ. Cũng giống như
nói là cái lỗ quá sâu trong khi đó là bởi vì cánh tay quá ngắn. Chúng ta phải
quay lại với chính mình. Với sự giảng dạy này, bạn phải bước lùi lại, và nhìn
vào chính mình. Đôi lúc, người kiếm phước báu đi đầy cả một chuyến xe buýt. Đôi
lúc họ còn cãi vã nhau trên xe, hay uống rượu say mèm. Nếu bạn hỏi họ đi đâu,
thì họ bảo là họ đi kiếm phước báu. Họ muốn phước báu nhưng họ không muốn buông
bỏ điều ác. Họ sẽ chẳng bao giờ tìm được phước báu bằng cách đó.
Con người là như
thế. Bạn phải nhìn vào chính mình. Nhìn thật kỹ. Đức Phật dạy về chánh niệm và
sự nhận biết chính mình trong mọi tình huống. Điều ác phát sinh từ thân, khẩu,
ý. Nguồn gốc của mọi điều thiện và điều ác nằm trong hành động, lời nói, tư
tưởng. Đây là nơi bạn cần phải nhìn. Nhìn xem hành vi của bạn có sai trái hay
không.
Người ta không thật
sự nhìn vào những thứ này. Giống như một người đang rửa chén với vẻ mặt cau có.
Bà ta chỉ chú tâm vào việc chùi sạch đống chén, mà không nhận biết sự dơ bẩn
trong tâm của chính mình! Bà ta đang nhìn quá xa, không phải sao? Người ta
thường tập trung vào việc chùi rửa những món đồ đến độ quên mất tâm mình dơ
bẩn. Như vậy là không tốt. Họ quên mất chính mình.
Bởi vì họ không
thấy chính họ, con người có thể làm đủ thứ điều xấu. Khi người ta dự định làm
một điều gì xấu, họ nhìn quanh xem có ai thấy họ không. Mẹ mình có thấy không
nhỉ? Còn chồng mình? Con mình? Vợ mình? Hàng xóm mình? Họ đang sỉ nhục chính
mình: Họ nghĩ rằng không ai nhìn thấy, nên họ nhanh chóng hoàn tất ý đồ của họ
trước khi có người nhìn thấy. Nhưng còn chính họ thì sao? Họ không phải là một con
người nào đó sao?
Bạn thấy không? Bởi
vì họ quên mất chính mình như thế, nên con người không bao giờ biết được điều
gì là thật sự quan trọng. Họ không biết được chánh pháp. Nếu bạn nhìn vào chính
mình, bạn sẽ thấy chính mình. Bất cứ khi nào bạn sắp làm một điều ác, nếu bạn
nhìn thấy chính mình đúng lúc, bạn có thể dừng lại. Nếu bạn muốn làm một điều
thiện, hãy nhìn vào chính mình. Nếu bạn
biết cách nhìn vào chính mình, bạn sẽ biết phân biệt giữa điều thiện và điều
ác, cái lợi và cái hại, đức hạnh và nết xấu.
Nếu tôi không nói
về điều này, bạn sẽ không biết gì về chúng. Tâm bạn sẽ chứa đầy lòng tham và ảo
tưởng, nhưng bạn vẫn không biết. Bạn sẽ không biết điều gì cả, nếu bạn cứ nhìn
ở bên ngoài. Đó là vấn đề với những người không nhìn vào chính mình. Nhìn vào
bên trong, bạn sẽ thấy điều thiện và điều ác, ở ngay bên trong mình. Nhìn thấy
sự thiện lành, chúng ta có thể nhớ mà làm theo như vậy.
Buông bỏ điều ác, thực hành điều thiện - đây là cốt lõi của
Phật pháp.
Thân, khẩu, ý không làm bất cứ điều ác nào. Đó là chánh pháp, là sự tu hành
đúng đắn, là giáo lý của Đức Phật. Rồi miếng vải của chúng ta sẽ trở nên sạch
sẽ.
Và rồi chúng ta sẽ
có được tất cả sự thiện lành và đức hạnh. Nếu tâm đã thiện lành và đức hạnh,
chúng ta không phải đáp xe buýt đi khắp nơi tìm kiếm phước báu. Ngay cả ngồi ở
nhà, chúng ta cũng có thể đạt được phước báu. Nhưng đa số người cứ đi khắp nơi để kiếm phước báu mà
không buông bỏ thói ác của họ. Họ trở về nhà tay không, và rồi, họ lại chùi rửa
chén bát với vẻ mặt cau có, bực bội. Nhìn vào bên trong là điều mà người ta
không muốn làm, cho nên họ càng cách xa phước báu rất nhiều.
Dầu chúng ta có
biết tất cả những điều này, nhưng nếu chúng ta không thật sự biết nó từ bên
trong, Phật pháp không đi vào tâm của chúng ta. Nếu tâm chúng ta thiện lành và
đức hạnh, nó sẽ bình an và hạnh phúc. Có một nụ cười trong tâm chúng ta. Nhưng
phần lớn chúng ta không có thời giờ để mỉm cười. Chúng ta chỉ có thể miễn cưỡng
mỉm cười khi cuộc đời trôi chảy. Đối với đa số người, hạnh phúc là khi mọi sự
việc diễn ra như cách họ muốn, là khi mọi người trên thế giới chỉ nói những
điều tốt đẹp với họ. Nếu đây là điều bạn muốn, làm sao bạn có thể hạnh phúc?
Làm sao chúng ta có thể khiến cho người khác chỉ nói những điều chúng ta thích
nghe mỗi ngày? Có thể nào không? Ngay cả con cái của bạn, chúng có bao giờ làm
phiền lòng bạn không? Bạn có khi nào làm cho cha mẹ mình nổi giận không? Không
chỉ người khác, ngay cả chính đầu óc của chúng ta có thể khiến chúng ta bực
tức. Đôi lúc chúng ta nghĩ đến những chuyện buồn. Bạn có thể làm gì được chứ?
Bạn có thể đang đi và bổng nhiên vấp té. Ái da! Đau quá! Vấn đề là gì thế? Ai
làm ai trượt té vậy? Bạn đổ lỗi cho ai đây? Nó là lỗi của bạn. Ngay cả đầu óc
của chúng ta cũng có thể làm phiền chúng ta.
Đôi lúc chúng ta
làm những việc mà ngay cả chúng ta cũng không thích. Nhiều lắm là bạn la lên,
“Đồ chó!” Đâu có ai khác để trách mắng.
Chúng ta phải dựa
vào Phật pháp để tìm hạnh phúc. Bất kể đó
là gì, bất kể điều gì đúng hay sai, đừng bám chặt vào đó một cách mù quáng. Chỉ
việc nhận biết nó và rồi buông bỏ nó. Khi tâm thanh thản, bạn có thể mỉm
cười. Giây phút mà bạn bực tức một điều gì, tâm bạn sẽ rối ren. Và rồi không
còn gì là tốt nữa cả.
Một khi dứt sạch
các phiền não, tâm sẽ không còn lo âu - chỉ có sự bình an, thiện lành, và đức
hạnh. Khi tâm tỏ sáng và không còn điều ác, nó thanh thản. Tâm tĩnh lặng và
bình an là thành quả to lớn nhất của con người.
Trong Phật pháp, phước báu là buông bỏ điều ác. Khi không
còn điều ác, tâm không còn chỗ cho bất cứ sự lo lắng nào. Khi không còn lo
lắng, tâm sẽ tĩnh lặng. Tâm tĩnh lặng là
tâm thanh tịnh, trở về với bản chất nguyên thủy của nó, không còn một tư tưởng
bất an nào nữa.
Làm sao để tâm
trong sáng? Chỉ bằng cách nhận biết nó. Chẳng hạn, hôm nay bạn cảm thấy bực
bội, nhìn mọi thứ đều chướng mắt - bạn ghét tất cả. Ngay cả khi nhìn vào tâm
mình bạn cũng thấy bất mãn. Vậy thì bạn đang làm gì trong trường hợp như thế? Cảm
giác đau khổ đến từ đâu vậy? Điều này được gọi là “không có phước báu”.
Hiện nay, tại Thái
Lan, người ta tin rằng, một người chết, phước báu của họ sẽ mất theo. Nhưng sự
thật thì không phải vậy. Có rất nhiều người còn sống mà đã mất hết phước báu
rồi. Đi trên những chuyến xe kiếm tìm phước báu này cũng giống như xây cất một căn
nhà xinh đẹp mà không chuẩn bị nền móng vững chắc. Không bao lâu, căn nhà sụp
đổ. Bạn phải làm lại từ đầu với phương pháp khác.
Bạn phải nhìn vào
chính mình, nhìn vào những tật hư xấu nơi thân, khẩu, ý của bạn. Còn nơi nào
khác để bạn tu hành nữa chứ? Trong rừng tại Wat Pah Pong sao? Nhưng Wat Pah
Pong có phải là nơi bình an không? Không, không thật sự bình an đâu. Nơi thật
sự bình an là trong căn nhà của chính bạn. Nếu
có trí huệ, ở bất cứ nơi nào bạn cũng đều cảm thấy tự tại. Thế giới vô sự cả.
Cây cối trong rừng có đủ loại, chúng
cũng vô sự, những cây cối chỉ giãn dị là cây cối thôi. Nhưng vì chúng
ta, không biết bản chất thật của chúng nên mới sinh ra phiền não. Hãy để cây
cối dạy dỗ cho bạn. Bạn nên cố học hỏi ít nhất một điều từ chúng. Phật pháp hiện
hữu khắp mọi nơi, trong khắp cả thiên nhiên. Bạn nên biết điều này. Đừng ở đó
mà than phiền là có cái lỗ quá sâu. Hãy nhìn cánh tay bạn đi! Nếu bạn nhìn thấy
điều này, bạn sẽ hạnh phúc.
Nếu bạn kiếm được
phước báu hay giữ được giới hạnh, hãy để nó trong tâm bạn. Đó là nơi tốt nhất
để bảo tồn nó. Kiếm phước báu theo cách bạn đang làm hôm nay vẫn được, nhưng đó
không phải là cách tốt nhất. Đóng góp vào quỹ xây dựng tu viện cũng có phước
báu, nhưng đó cũng không phải là điều tốt nhất. Làm cho tâm bạn thiện lành
chính là điều tốt nhất. Bằng cách đó, bạn sẽ tìm thấy sự thiện lành bất kỳ bạn
đến đây hay ở nhà. Nếu bạn có trí huệ,
bất cứ ở đâu, bạn cũng nhìn thấy Phật pháp. Nếu bạn thiếu trí huệ, thì ngay cả
những điều tốt cũng trở thành xấu. Cho nên để buông bỏ điều ác và trau dồi
điều thiện, bạn không cần tìm kiếm một nơi nào khác. Hãy trở về với tâm bạn.
Nếu tâm bạn đang
trở nên xấu, đừng nhìn vào người khác. Chỉ nhìn vào chính tâm của mình và tìm
xem những tư tưởng này từ đâu đến. Tại sao đầu óc lại nghĩ những thứ như thế?
Hãy biết rằng tất cả mọi thứ đều tạm bợ. Bạn yêu thương con cái của mình không?
Dĩ nhiên là có. Nếu con cái ngoan hiền, cha mẹ nhận lấy sự ngoan hiền đó. Nếu
con cái hư đốn, cha mẹ nhận lấy sự hư đốn đó. Bạn có thể cho rằng con cái là nghiệp
quả của bạn. Có nghiệp tốt mà cũng có nghiệp xấu. Cả hai thứ tốt xấu đều ở nơi
con cái của bạn. Nhưng ngay cả những đứa xấu cũng quý giá. Đôi lúc bạn thương
nó hơn những đứa khác.
Chúng là nghiệp
chướng của bạn, nên bạn phải có bổn phận với chúng. Nếu chúng thật sự làm cho
bạn đau khổ, hãy tự nhắc nhở mình, “Đó là nghiệp quả của mình”. Nếu chúng làm
bạn vui vẻ, hãy tự nhắc nhở, “Đó là nghiệp quả của mình”. Chúng ta phải chấp
nhận sự thật. Đừng làm những điều dại dột, rồi bạn sẽ có thể nhìn thấy chính mình
rõ ràng hơn mỗi ngày.
Đây là lý do tại
sao bạn cần tập quán xét mọi sự việc khi hành thiền, bạn có thể sử dụng một đối
tượng như chữ Bud-dho, hay một câu nói khác. Trong những lúc như thế, chẳng hạn
khi bạn cảm thấy bức rức, đầu óc nghĩ ngợi lung tung, chỉ việc nói, “Thì sao
chứ!” Khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn, chỉ việc nói, “Thì sao chứ!” Bạn có hiểu
không? Bạn không phải nghiên cứu tam tạng kinh điển để biết phải làm sao với
những cảm giác đó.
Chỉ việc nói, “Thì
sao chứ!” Điều này có ý nghĩa là “nó chỉ tạm bợ thôi”. Sự khó chịu tạm bợ. Sự
thù ghét tạm bợ. Sự thoải mái tạm bợ. Yêu thích tạm bợ. Làm sao chúng có thể
thường hằng được? Có sự thường hằng vĩnh cữu nào ở trong chúng không? Phút giây
này thì yêu thương, phút giây sau thì thù ghét. Là như thế đó. Đấy là tại sao
tôi nói rằng mỗi khi tình yêu phát sinh, chỉ việc nói với nó, “Thì sao chứ!” Nó
sẽ tiết kiệm cho bạn rất nhiều thời giờ. Bạn không phải nói “vô thường”, “vô
ngã”. Bạn chỉ sử dụng câu nói giản dị này. Thế là đủ.
Mọi thứ đều vô
thường. Chỉ thấy bấy nhiêu thôi là nhìn thấy cốt tủy của Phật pháp.
Bây giờ, nếu mọi người nói, “Thì sao chứ!” thường xuyên hơn,
và huấn luyện chính mình theo cách này, thì mọi ràng buộc sẽ tiêu tan dần. Con
người sẽ không dính mắc vào yêu thích và thù ghét. Họ không bám víu vào việc gì
nữa. Không có gì quan trọng đối với họ nữa. Họ đặt niềm tin của mình vào chân lý,
không vào những thứ khác. Chỉ bấy nhiêu là đủ rồi. Bạn còn muốn biết gì khác
nữa?
Sau khi nghe pháp,
hãy ráng nhớ những lời giảng dạy. Bạn nên nhớ điều gì? Thiền định. Có hiểu
không? Nếu bạn hiểu, và tin tưởng Phật pháp, đầu óc sẽ ngừng quấy nhiễu bạn.
Nếu tâm bất an, chỉ việc nói, “Thì sao chứ!” Nó là vô thường, và thế là đủ. Nó
ngừng ngay tại đó. Nếu bạn vẫn chưa hiểu, hãy suy ngẫm thêm một chút và thực
hành nó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét