12 thg 6, 2022

SUỐI NGUỒN TÂM LINH - PHẦN 1 - CHƯƠNG 10

Thiền sư Ajahn Chah

Minh Vy dịch Việt ngữ

PHẦN 1

GIỚI LUẬT

ĐỨC HẠNH VÀ THẾ GIỚI CỦA LỤC CĂN

CHƯƠNG 10

HAI MẶT CỦA THỰC TẠI.

Mọi thứ đều có hai mặt và bạn phải nhìn thấy cả hai.

Rồi khi hạnh phúc đến, bạn không chìm đắm trong đó;

khi đau khổ phát sinh, bạn cũng không chìm đắm.

Trong cuộc đời, chúng ta có hai sự lựa chọn: chìm đắm trong thế gian hay vượt lên trên thế gian. Đức Phật là một người đã có thể tự mình vượt lên trên thế gian và vì thế Ngài đã đạt được sự giải phóng về tâm linh.

Cùng thế ấy, có hai loại kiến thức - kiến thức thế gian và kiến thức tâm linh (hay còn gọi là trí huệ chân chính). Nếu chúng ta chưa tu hành và rèn luyện chính mình, bất kể chúng ta có bao nhiêu kiến thức, nó vẫn chỉ là kiến thức của thế gian và do đó không thể giải thoát chúng ta.

Hãy nghĩ và nhìn cho kỹ! Đức Phật nói rằng các pháp của thế gian xoay chuyển thế gian. Chạy theo thế gian, tâm bị vướn mắc nơi thế gian, làm ô nhiễm chính nó, dầu lui hay tới nó chẳng bao giờ thỏa mãn. Người thế gian là những người luôn tìm kiếm những điều gì đó, nhưng không bao giờ thấy đủ. Kiến thức thế gian rất giới hạn, không khác gì sự ngu dốt, nó không phải là kiến thức với sự hiểu biết rõ ràng. Cho nên nó không có chỗ dừng lại. Nó xoay vần chung quanh những mục đích thế gian, đó là sự tích góp của cải, mong cầu danh lợi và ham muốn dục lạc. Nó là một tấm màn ảo tưởng dày đặc mà chúng ta bị dán chặt vào đó.

Khi chúng ta đạt được một điều gì đó, sự ganh tỵ, lo lắng, và ích kỷ phát sinh. Và khi chúng ta cảm thấy sợ hãi một điều gì, mà không thể đẩy lùi nó bằng sức người, chúng ta dùng đầu óc vô minh của mình để phát minh ra đủ thứ công cụ, ngay cả vũ khí, bom đạn, bom nguyên tử, chỉ để làm nổ tan xác những người khác. Tại sao lại phiền phức đến thế?

Đây là bản chất của thế gian. Đức Phật nói rằng nếu một người đi theo con đường này, họ sẽ đi mãi không có kết thúc.

Hãy tu hành để tự giải thoát. Hẳn nhiên, sống thuận với trí huệ chân chính không phải dễ. Nhưng những ai thành tâm cầu Đạo, sẽ có thể bền chí và nhẫn nại. Thiểu dục tri túc. Ăn ít, nói ít, ngủ ít và sống có tiết độ. Bằng cách này, chúng ta có thể đoạn tuyệt với thế gian, ngay cả khi chúng ta sống trong thế gian.

Nếu hạt giống thế gian chưa được nhổ tận gốc rễ, chúng ta sẽ vẫn bị phiền não và rối rắm mãi. Ngay cả khi bạn đã xuất gia, nó vẫn tiếp tục lôi kéo bạn. Nó tạo nên quan điểm của bạn, ý kiến của bạn; nó tô điểm ý tưởng của bạn - nó là như thế đó.

Người ta không nhận thấy điều này. Họ nói rằng họ sẽ hoàn tất những công việc của thế gian. Họ chỉ hy vọng thôi. Giống như vị giám đốc mới nhậm chức, nóng lòng muốn bắt đầu công việc quản lý của ông. Ông ta nghĩ rằng mình có tất cả những câu trả lời, nên ông giũ bỏ hết những chính sách cũ, nói rằng, “Xem đây! Tôi sẽ làm tất cả một mình”. Đó là tất cả những gì họ làm, mang thứ này vào, đem thứ kia ra, không bao giờ hoàn tất một điều gì cả. Họ không bao giờ thật sự thành tựu một điều gì.

Bạn không thể nào làm một điều gì mà có thể vừa lòng tất cả mọi người - kẻ thì thích một ít, người thì thích rất nhiều, người thích ngắn, kẻ thích dài, kể cả bản thân bạn cũng thế. Muốn đem mọi người lại với nhau và đồng ý với nhau là một điều bất khả thi.

Tât cả chúng ta đều muốn thành tựu một điều gì đó trong đời mình. Nhưng thế giới, với tất cả sự phức tạp của nó, khiến cho con người khó có thể thật sự thành tựu một điều gì. Ngay cả Đức Phật, sinh ra trong một hoàn cảnh vô cùng thuận lợi và cao quý của một vị thái tử, vẫn không tìm thấy sự thành tựu nào trong đời sống thế gian.

CÁI BẪY CỦA LỤC CĂN

Đức Phật nói về dục vọng và lục trần - sắc, thanh, hương, vị, xúc, tâm pháp. Sự ham muốn, hạnh phúc, khổ đau, tốt xấu, v.v... đầy dẫy khắp mọi nơi.

Sắc - có cảnh tượng nào có thể sánh được với cảnh tượng một người phụ nữ xinh đẹp. Không phải vậy sao? Một người đàn bà quyến rũ không làm cho bạn muốn nhìn sao? Một người với thân hình hấp dẫn, gương mặt xinh tươi, vừa đi ngang qua - bạn nhìn sững! Còn âm thanh thì sao? Không có âm thanh nào thu hút bạn hơn tiếng nói thanh dịu của người đàn bà. Nó xuyên thấu con tim bạn. Mùi hương cũng vậy. Mùi nước hoa của người phụ nữ quyến rũ hơn hết. Không có mùi hương nào có thể sánh được. Vị - ngay cả món ăn ngon ngọt nhất cũng không thể so sánh với vị ngọt ngào của người đàn bà. Xúc cảm cũng thế. Khi bạn vuốt ve một người đàn bà, bạn rạo rực, choáng váng, say sưa, và ham muốn quay cuồng!

Có một pháp sư “thần thông” quảng đại ở Taxila tại nước Ấn Độ thuở xưa. Ông dạy cho một trong các môn đệ tất cả các “phép thuật” và bùa chú của mình. Khi người đệ tử đó đã thông thạo, anh ra đi với một chỉ thị cuối cùng từ vị thầy: “Ta đã dạy cho con tất cả những gì ta biết về thần chú và phép thuật. Những loài vật có nanh vuốt, những loài có sừng, và ngay cả những con thú to lớn nhất, con cũng không cần phải sợ. Con sẽ được bảo vệ bởi những thứ này, ta có thể bảo đảm điều đó. Tuy nhiên chỉ có một điều ta không thể che chở cho con, đó là sự quyến rũ của một người đàn bà. Không có thần chú nào có thể bảo vệ con khỏi điều này. Con phải tự chăm sóc cho mình”.

Đàn bà gây phiền phức cho đàn ông. Đàn ông gây phiền phức cho đàn bà. Nó là vậy. Nếu đàn ông sống với nhau, thì không có vấn đề. Nếu phụ nữ sống với nhau, có thể cũng không có vấn đề. Khi người đàn ông thấy một người đàn bà, tim của anh ta đập loạn xạ. Cái gì vậy? Lực gì vậy? Nó lôi kéo và hút bạn vào - không ai nhận ra cái giá mà họ phải trả.

Những đối tượng của tâm nảy sinh từ lòng ham muốn: ham muốn chiếm hữu, ham muốn giàu có, ham muốn vẻ đẹp, hay tham đắm vào một cái gì đó. Loại ham muốn này không thâm trầm và mãnh liệt lắm, nhưng cũng đủ khiến cho bạn say sưa, ngây ngất và chết đuối trong đó. Tình dục thì khác, nó như cơn sóng thần, khi nó trỗi dậy, bạn bị cuốn phăng và không còn làm chủ được chính mình. Bạn quên luôn cả những người đã nuôi nấng bạn - cha mẹ của bạn!

Đức Phật dạy rằng, lục trần - đối tượng của lục căn - là những cái bẫy của Ma vương. Ma vương nên được hiểu như là những điều gì đó có hại cho chúng ta. Cạm bẫy đó trói buộc chúng ta. Nó là cái bẫy của thợ săn, và thợ săn là Ma vương.

Khi con thú rừng rơi vào bẫy của thợ săn, tình trạng của chúng rất khổ sở. Chúng bị giữ chặt lại và phải đợi người thợ săn tới để giết chúng. Bạn có thấy cái bẫy chim bao giờ chưa? Cái bẫy bật mạnh lên và “bốp” - thộp ngay cổ! Một cái lò xo tốt giữ chặt con chim lại. Nó bay tới bay lui, nhưng không thể thoát ra khỏi nơi đó. Khi người thợ săn tới, thế là xong - hết đường lựa chọn.

Cạm bẫy của lục trần cũng vậy. Nó nắm giữ chúng ta và trói chặt chúng ta lại. Nếu bạn dính mắc vào lục căn, bạn cũng giống như con cá bị mắc câu. Bạn vùng vẫy cở nào cũng không thể thoát khỏi được. Thật ra, bạn không bị bắt như kiểu con cá, mà giống như kiểu con ếch hơn - con ếch nuốt chửng cái lưỡi câu xuống sâu dưới bụng của nó. Con cá chỉ mắc câu nơi miệng.

Bất cứ ai bám víu vào lục căn thì cũng đều như vậy. Họ giống như một người say rượu mà gan đang bị hư hoại dần - họ không biết khi nào họ uống đủ. Họ cứ uống, uống mãi một cách bừa bãi. Và rồi họ mang bệnh và chịu đau đớn.

Một người đàn ông đang đi trên đường và rất khát nước. Ông ngừng lại và hỏi xin một ly nước. Người cho nước nói, “Anh có thể uống nước này, nếu muốn. Nước có mùi vị ngọt ngào, nhưng nếu uống nó vào anh sẽ bị bệnh. Tôi phải nói cho anh biết trước. Nó sẽ khiến anh bệnh nặng đến độ có thể chết được”. Người đàn ông đó không nghe lời. Ông ta khát nước quá rồi! Đây cũng giống như trường hợp một người thèm khát thú vui của lục căn. Đức Phật dạy rằng, chúng là chất độc - sắc, thanh, hương, vị, xúc, tâm pháp là chất độc. Chúng là những cạm bẫy. Nhưng ông không nghe. “Tôi muốn uống nước, bất kể hậu quả gì, cứ để tôi uống cái đã”. Ông chế một chút nước và nuốt xuống. Thấy nó thơm ngon, ông uống thêm nữa, uống cho đến đã thèm mới thôi. Và rồi ông ngã xuống, bệnh nặng gần chết. Ông đã không nghe lời khuyên răn, vì bị thôi thúc bởi lòng ham muốn mãnh liệt.

Đó là tình trạng của một người tham đắm dục lạc. Ông ta say sưa với sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp - chúng thơm ngon vô cùng.

CON ĐƯỜNG THẾ GIAN VÀ SỰ GIẢI THOÁT

Có người chết vì những dục vọng của họ; có người thì gần ngất ngư - bị mắc kẹt vào con đường thế gian là như thế đó. Người thế gian luôn chạy theo các giác quan và những đối tượng của nó. Dầu có khôn lanh tinh xảo bao nhiêu, nó cũng chỉ tinh xảo ở mức độ thế gian. Bất kể những đối tượng của lục căn có hấp dẫn bao nhiêu, nó chỉ hấp dẫn đối với những người có quan điểm của thế gian. Nó không phải là niềm phúc lạc của sự giải thoát. Nó không giải phóng tâm bạn khỏi thế gian.

Chúng ta phải tu hành hầu có thể nhận biết trí huệ thật để tự mình buông bỏ mọi ràng buộc. Tu hành để giải thoát khỏi sự ràng buộc! Quán xét thân thể; quán xét mọi thứ chung quanh bạn cho đến khi bạn trở nên mệt mỏi và chán ngán tất cả những thứ đó, và rồi bạn sẽ thản nhiên trước mọi việc. Tuy nhiên, sự thản nhiên không dễ dàng phát sinh, chừng nào bạn còn chưa nhận biết rõ ràng.

Chúng ta đến đây xin xuất gia - chúng ta học hỏi, đọc kinh, tu tập, hành thiền. Chúng ta quyết tâm làm cho tâm mình kiên định, nhưng điều này không dễ. Chúng ta quyết tâm thực hành một hạnh nào đó; chẳng hạn, chúng ta nói rằng chúng ta tu theo cách này cách nọ - nhưng chỉ một, hai ngày, có lẽ chỉ vài ba giờ đồng hồ thôi, thì chúng ta quên hết. Rồi khi nhớ lại, chúng ta lại quyết tâm. “Lần này, tôi sẽ làm đúng!” Không bao lâu, chúng ta lại bị các giác quan của mình lôi kéo và ý chí chúng ta lại tan theo mây khói. Và rồi, chúng ta bắt đầu lại từ đầu! Và cứ thế mãi.

Giống như một con đê được xây vụng, quyết tâm tu hành của chúng ta yếu ớt. Chúng ta vẫn không nhìn thấy và theo đuổi con đường tu hành chân chánh. Và nó cứ thế mãi cho đến khi chúng ta nhận ra trí huệ thật. Mỗi khi nhận thấy chân lý, chúng ta mới được giải phóng hoàn toàn. Điều duy nhất còn lại là sự bình an.

Tâm chúng ta không bình an bởi vì những thói quen củ của chúng ta. Chúng ta thừa hưởng những thứ này từ nhận thức và hành động trong quá khứ, và rồi nó đi theo chúng ta khắp mọi nơi và quấy rầy chúng ta. Chúng ta tranh đấu và tìm đường lẩn tránh, nhưng chúng ta bị nó trói buộc và lôi kéo chúng ta theo nó. Những thói quen này không quên đường cũ. Chúng bám vào những thứ quen thuộc để sử dụng, để thụ hưởng, để say mê - đó là cách mà chúng ta sống.

Bất kể bạn cố gắn bao nhiêu để giải phóng chính mình, bạn sẽ không thể xả bỏ nó cho đến khi bạn nhìn thấy giá trị của sự tự do và nỗi khổ của cảnh nô lệ. Thường thì bạn tu hành theo một cách mù quáng, nhẫn nại, trì giới, chỉ làm theo hình thức - bạn không thực sự tu hành để được tự do hay giải thoát. Bạn phải nhìn thấy giá trị của sự xả bỏ những ham muốn của mình trước khi bạn có thể thực sự tu hành; chỉ khi đó mới có sự tu hành chân chánh.

Mọi thứ mà bạn làm phải được làm với sự tỉnh giác. Khi bạn nhìn thấy rõ ràng, thì sự nhẫn nại hay ép buộc không còn cần thiết nữa. Bạn còn thấy khó khăn và còn thấy nặng nề bởi vì bạn chưa nhận ra điểm này. Sự bình an phát sinh khi bạn làm việc với toàn thể thân và tâm của bạn. Bất cứ thứ gì chưa hoàn tất, khiến bạn cảm thấy không thỏa mãn. Những thứ này sẽ cột trói bạn với cảm giác lo âu, dù bạn đi bất cứ nơi đâu. Bạn muốn hoàn tất mọi thứ, nhưng mọi việc đều không thể thực hiện được.

Chẳng hạn như trường hợp của những thương gia giàu có thường đến đây để gặp tôi. “Khi nào tôi thanh toán hết nợ nần và sắp xếp nhà cửa xong, tôi sẽ đến đây xuất gia”. Họ nói như thế đó, nhưng họ có bao giờ sắp xếp hết mọi việc đâu. Khi nào mới hết? Họ vay tiền để làm ăn, họ vay để trả món nợ này, rồi họ lại tạo ra món nợ khác, và bắt đầu lại nữa. Một thương gia nghĩ rằng khi trả hết nợ, ông sẽ hạnh phúc, nhưng biết bao giờ mới trả hết mọi thứ.Con đường của thế gian lừa gạt chúng ta như thế đó - chúng ta cứ đi quanh quẩn mãi, không bao giờ nhận ra vấn đề của mình.

TU HÀNH LIÊN TỤC

Trong sự tu hành của chúng ta ở đây, chúng ta chỉ nên nhìn thẳng vào tâm. Mỗi khi thấy mình bắt đầu giãi đãi, chúng ta quyết tâm mạnh mẽ hơn - nhưng rồi, sau một hồi, chúng ta lại thả lỏng. Chúng ta bị lôi kéo lung tung vì sự mất tỉnh giác. Những người có chánh niệm giữ chặc tâm lại và không ngừng củng cố chính họ, kéo sự chú tâm trở lại, huấn luyện, tu tập, và phát triển.

Người không có chánh niệm làm hỏng tất cả. Họ cứ đi lạc hướng mãi. Họ không vững vàng và kiên định trong sự tu hành, cho nên những dục lạc của thế gian liên tục lôi kéo họ - có thứ kéo ở chỗ này, có thứ kéo ở chổ kia. Họ cứ chạy loanh quanh theo những sự tưởng tượng và ham muốn của họ, không bao giờ dừng được với cái vòng lẩn quẩn đó.

Được xuất gia không phải dễ. Bạn phải có quyết tâm dõng mãnh. Bạn nên tin tưởng vào sự tu hành, tin tưởng đủ để tiếp tục tu hành cho đến khi bạn chán ngấy những cái thích và không thích của bạn và rồi nhìn thấy sự việc đúng với chân lý. Thường thường, bạn sẽ không hài lòng với những thứ bạn không thích. Nếu bạn thích một thứ gì, bạn không muốn buông bỏ nó. Bạn phải trở nên chán ngấy với những cái không thích và những cái thích của bạn, với sự đau khổ và sung sướng của bạn.

Cốt tủy của Phật Pháp là đây! Giáo pháp của Đức Phật thâm sâu và tinh tế. Không dễ hiểu đâu. Nếu trí huệ chân chánh chưa phát sinh, bạn không thể thấu hiểu nó. Khi bạn hạnh phúc, bạn nghĩ rằng đời sống chỉ có hạnh phúc. Khi bạn khổ đau, bạn cho rằng đời sống chỉ toàn là khổ đau mà thôi. Bạn không nhận ra rằng hễ có lớn, thì sẽ có nhỏ, hễ có hạnh phúc, thì sẽ có khổ đau. Bạn không nhận ra điều này. Bạn chỉ mới nhìn thấy một mặt của một vấn đề mà thôi.

Mọi thứ đều có hai mặt và bạn phải nhìn thấy cho được cả hai mặt của nó. Rồi khi hạnh phúc đến, bạn không chìm đắm trong đó; khi đau khổ phát sinh, bạn cũng không chìm đắm. Khi hạnh phúc đến, bạn không quên sự đau khổ, bởi vì bạn biết rằng chúng phụ thuộc vào nhau.

Cùng thế ấy, thức ăn có lợi cho tất cả muôn loài - để nuôi dưỡng thân thể. Nhưng thức ăn cũng có thể có hại, chẳng hạn, nó có thể gây ra nhiều chứng đau dạ dày, tiêu chảy, khác nhau. Khi bạn nhìn thấy lợi ích của một thứ gì, bạn phải đồng thời nhận thấy điểm yếu của nó, và ngược lại. Khi bạn cảm thấy thù hận và ganh ghét, bạn nên thiền quán về tình thương và sự thông cảm. Bằng cách này, bạn trở nên quân bình hơn, và tâm của bạn trở nên an định hơn.

LÁ CỜ RỖNG KHÔNG

Tôi có đọc một cuốn sách Zen. Trong Zen, người ta ít khi giải thích khi giảng dạy học trò. Chẳng hạn, nếu một vị tăng ngủ gục trong khi thiền, họ đến gần, dùng một cái cây, quất vào lưng anh ta. Khi người thiền sinh buồn ngủ bị đánh, anh ta bày tỏ lòng biết ơn của bằng cách cảm ơn người đó. Thiền sinh Zen được dạy dỗ phải biết ơn đối với người cảnh giác cho anh ta cơ hội để phát triển.

Một hôm, chư tăng tập trung trong một buổi họp. Bên ngoài phòng họp có một lá cờ đang bay phất phơ trong gió. Một cuộc tranh luận nảy sinh giữa hai vị tăng về cái lý do mà lá cờ bay. Một người cho rằng lá cờ bay vì gió. Người kia thì nói rằng lá cờ tự nó bay. Rồi họ cãi nhau mãi và có lẽ sẽ cãi nhau đến chết nếu vị thầy không can thiệp. “Cả hai người, không ai đúng cả”, vị thầy nói, “Không có lá cờ và cũng không có gió”.

Đây là sự tu hành: không có bất cứ thứ gì cả, không có lá cờ và không có gió. Nếu có lá cờ, thì có gió; nếu có gió, thì có lá cờ. Bạn nên suy ngẫm và thiền quán về điều này cho thật thấu đáo, cho đến khi bạn nhìn thấy đúng với chân lý. Nếu bạn suy ngẫm kỹ, thì không có gì còn lại cả. Tất cả đều trống không; không có lá cờ và không có gió. Trong cái không to lớn, không có lá cờ và cũng không có gió. Không có sự sinh, không có sự già nua, không có bệnh hoạn hay sự chết. Sự hiểu biết thông thường của chúng ta về lá cờ và ngọn gió chỉ là một quan niệm. Trong thực tế, không có gì ở đó cả. Chỉ vậy thôi.

Nếu chúng ta tu hành theo cách này, chúng ta sẽ nhận ra tính toàn thể và tất cả mọi vấn đề của chúng ta sẽ chấm dứt. Trong cái “Không” to lớn ấy, tử thần sẽ không bao giờ tìm thấy bạn. Không có gì để sự sinh, sự già nua, bệnh hoạn và chết chóc đi theo. Khi chúng ta nhìn thấy và hiểu biết đúng với chân lý, nghĩa là có Chánh Kiến, thì chỉ có cái không to lớn này mà thôi. Ở đây, không còn có “chúng ta”, không có “họ”, không có “tự ngã” nữa.

KHU RỪNG CỦA LỤC CĂN

Thế giới với những con đường bất tận của nó cứ đi mãi không ngừng. Nếu chúng ta cố hiểu tất cả, nó chỉ khiến cho chúng ta hoang mang và rối loạn mà thôi. Nhưng nếu chúng ta quán chiếu thế giới thật rõ ràng, trí huệ chân chánh sẽ phát sinh. Đức Phật là người đã thấu hiểu những con đường của thế gian. Ngài có thể ảnh hưởng và hướng dẫn chúng ta, bởi Ngài có trí huệ rộng lớn về thế gian. Bằng cách hoán chuyển trí huệ thế gian, Ngài thấu suốt và đạt được trí huệ vượt lên trên thế gian, trở thành một chúng sinh giác ngộ toàn diện. Cho nên nếu chúng ta tu tập giáo lý này, quán chiếu nó, chúng ta sẽ đạt đến một đẳng cấp tâm thức hoàn toàn mới. Khi chúng ta nhìn một vật gì, không thấy có vật đó. Khi chúng ta nghe âm thanh, không thấy có âm thanh. Khi ngửi, chúng ta có thể nói không có mùi. Tất cả lục căn đều hiện hành, nhưng chúng đều tạm bợ. Chúng chỉ là những cảm giác sinh rồi diệt trong tâm trí chúng ta mà thôi.

Nếu chúng ta hiểu như thế, thì lực căn không còn có thực chất. Chúng chỉ là những cảm giác đến rồi đi. Sự thật thì không có “thứ” gì cả. Nếu không có một thứ gì, thì cũng không có “chúng ta” và “họ”. Nếu không có “chúng ta”, thì không có thứ gì thuộc về “chúng ta”. Chỉ bằng cách này, sự khổ mới được dập tắt hoàn toàn. Không có ai để chịu khổ, nên ai là người đau khổ? Hãy quán chiếu thật kỹ về điều này.

Khi đau khổ phát sinh, chúng ta dính mắc vào sự đau khổ và vì thế phải chịu khổ. Cũng vậy, khi hạnh phúc đến, chúng ta dính mắc vào sự hạnh phúc và rồi cảm thấy khoái lạc. Sự dính mắc vào những cảm xúc này, tạo ra cái nhận thức sai lầm về tự ngã hay bản ngã, và hình thành những quan điểm, tư tưởng như “ta” và “họ”, “của ta” và “của họ”. Đây là nơi mọi thứ sinh khởi, và rồi nó mang chúng ta đi loanh quanh mãi trong cái vòng bất tận của nó.

Cho nên, chúng ta hành thiền và sống hợp với chánh pháp. Chúng ta rời bỏ gia đình để đến sống trong rừng và để được bình an. Chúng ta buông bỏ, không phải vì sợ hay để thoát ly thế gian, mà để phấn đấu với chính mình. Tuy nhiên, người ta đến sống trong rừng rồi gắn bó với đời sống nơi đó, giống như người thành thị gắn bó với đời sống thành thị. Họ lạc hướng trong rừng và họ lạc hướng nơi thành thị. Đức Phật ca ngợi đời sống trong rừng bởi vì sự tĩnh tại tinh thần và thể xác có lợi cho sự tu hành. Tuy nhiên, Ngài không muốn chúng ta cứ gắn bó với đời sống quen thuộc hay bị dính mắc vào sự yên tĩnh và an bình nơi đó. Chúng ta tu hành là để trí huệ phát sinh. Nơi đây trong rừng, chúng ta  có thể nuôi dưỡng hạt giống trí huệ, tập sống trong rừng là cho phép trí huệ phát triển, và rồi chúng ta trở ra ngoài để phấn đấu với đời sống thành thị cùng với những kích thích các giác quan mà nó mang đến. Chúng ta có thể áp dụng trí huệ này ở bất cứ nơi đâu.

Khi lục căn bị kích thích, chúng trở nên kích động và trở thành những đối tượng quán xét của chúng ta. Chúng chống lại chúng ta, bởi vì chúng ta chưa có trí huệ để đối phó với chúng. Trong thực tế, chúng là những vị thầy của chúng ta, nhưng vì vô minh, nên chúng ta không nhận ra điều đó. Khi mới tu tập, chúng ta sống nơi thành thị, chúng ta không bao giờ nghĩ rằng lục căn có thể dạy dỗ chúng ta điều gì. Chừng nào trí huệ chân chánh chưa hiện hành, chúng ta tiếp tục nhìn thấy lục căn và lục trần như kẻ thù. Một khi sự tu tập có tiến bộ hơn, trí huệ thật sự phát sinh, chúng không còn là kẻ thù của chúng ta nữa, mà là cánh cửa dẫn tới sự chứng ngộ.

Hãy nhìn mấy con gà rừng ở đây. Ai cũng biết chúng sợ con người đến chừng nào. Nhưng tôi đã có thể dạy dỗ chúng và học hỏi từ chúng. Tôi bắt đầu bằng cách ném gạo cho chúng ăn. Mới đầu chúng rất sợ và không dám đến gần. Sau một thời gian, chúng quen dần và bắt đầu trông đợi thức ăn. Thấy không, có một điều gì đó để học ở đây - mới đầu chúng tưởng gạo là nguy hiểm, là kẻ thù. Trên thực tế, gạo không nguy hiểm gì với chúng cả. Khi chúng tự mình nhận biết rằng không có gì để sợ hãi, chúng mới đến gần để ăn.

Gà rừng học một cách tự nhiên như thế. Sống ở nơi đây trong rừng, chúng ta cũng học bằng cách đó. Lúc đầu, chúng ta cho rằng lục căn là vấn đề, và bởi vì chúng ta không sử dụng chúng đúng cách, chúng gây rất nhiều phiền phức cho chúng ta. Qua kinh nghiệm tu hành, chúng ta tập nhìn chúng phù hợp với chân lý. Chúng ta tập sử dụng chúng, như mấy con gà quan sát gạo. Rồi chúng không còn chống lại chúng ta, và vấn đề biến mất.

Chừng nào chúng ta suy nghĩ, và hiểu biết sai lầm, những thứ ấy sẽ chống lại chúng ta. Nhưng chừng nào chúng ta bắt đầu khảo sát đúng cách, kinh nghiệm sẽ mang đến cho chúng ta trí huệ và hiểu biết rõ ràng. Mấy con gà đã nhận biết được rằng gạo là thức ăn, và trong một ý nghĩ nào đó, chúng ta có thể nói rằng chúng đang tu tập Thiền minh sát. Chúng nhận biết đúng sự thật; chúng đã chứng ngộ.

Trong sự tu hành, lục căn của chúng ta là những công cụ đắc lực, nếu sử dụng đúng đắn, có thể giúp chúng ta chứng Đạo. Đây là một điểm mà tất cả các thiền sinh nên quán chiếu. Khi chúng ta không nhận ra điều này, chúng ta vẫn còn xung đột mãi.

Cho nên, khi sống trong sự tĩnh mịch của núi rừng, chúng ta tiếp tục vun bồi những cảm giác tinh tế và chuẩn bị cho hành trình phát triển trí huệ. Nhưng nếu bạn đạt được đôi chút bình an từ đời sống nơi đây, đừng nghĩ rằng thế là đủ. Đừng chấp nhận bấy nhiêu thôi. Hãy nhớ rằng chúng ta đến đây là để phát triển hạt giống trí huệ.

Khi trí huệ phát triển và chúng ta bắt đầu hiểu biết đúng với chân lý, chúng ta không còn bị lôi kéo lên xuống nữa. Thường thường, khi vui vẻ, chúng ta cư xử một cách, khi bực bội, chúng ta cư xử một cách khác; khi chúng ta thích một điều gì đó, thì chúng ta phấn khởi. Khi chúng ta không thích một điều gì đó, chúng ta chán nản. Như thế là chúng ta vẫn còn xung đột, chỉ đến khi những điều này không còn chống lại chúng ta, mọi thứ trở nên ổn định và quân bình. Sự thăng trầm hay vui buồn không tồn tại nữa. Chúng ta hiểu rõ những việc này, biết nó chỉ là vậy mà thôi. Chúng chỉ là thế gian pháp.

Các pháp thế gian thay đổi để trở thành Đạo Pháp. Pháp thế gian có tám con đường; Đạo Pháp cũng có tám lối. Nơi nào có pháp thế gian, nơi đó Đạo Pháp cũng tồn tại. Khi nào chúng ta sống trong sự sáng suốt, tất cả những kinh nghiệm thế gian sẽ trở thành sự tu tập Bát Chánh Đạo. Khi không có sự sáng suốt, các pháp thể gian sẽ thống trị và chúng ta rời xa Chánh Đạo. Khi Chánh Kiến phát sinh, sự thoát khổ nằm ngay đây trước mắt chúng ta. Bạn sẽ không thể tìm thấy sự giải thoát bằng cách chạy lòng vòng tìm kiếm những nơi khác.

Cho nên, đừng hấp tấp, cố thúc đẩy hay cưỡng ép sự tu hành của bạn. Hành thiền nhẹ nhàng và kiên trì, từng bước một. Nếu bạn cảm thấy bình an, chấp nhận nó trước đã; nếu bạn không thấy bình an, chấp nhận nó luôn. Đó là bản chất của đầu óc. Chúng ta phải tìm con đường tu hành của riêng mình, theo đúng chánh pháp và duy trì nó cho đến cùng.

Có thể trí huệ chưa phát sinh. Tôi thường nghĩ nếu tôi không có trí huệ, tôi có thể ép buộc mình có nó. Nhưng điều đó chẳng lợi ích gì, không thay đổi một thứ gì cả. Rồi, sau khi suy ngẫm một thời gian, tôi nhận ra rằng chúng ta không thể quán chiếu những thứ chúng ta không có. Thế nên, điều tốt nhất để làm là gì? Cứ tu hành một cách thư thái. Nếu không có gì khiến chúng ta lo lắng, thì không có gì để sửa chữa. Nếu không có vấn đề, chúng ta không cần cố gắn giải quyết nó. Khi có vấn đề, đó là lúc bạn giải quyết nó, ngay tại đó! Không cần phải đi loanh quanh tìm kiếm một điều gì đặc biệt. Cứ việc sống bình thường, nhưng nhận biết tâm bạn ở đâu. Sống một cách tỉnh thức và hiểu biết rõ ràng. Hãy để trí huệ dẫn dắt bạn. Đừng buông xả theo cảm xúc.

Hãy tỉnh giác. Nếu không có điều gì thì tốt. Nếu có điều gì phát sinh, hãy xem xét và quán chiếu nó ngay tại đó.

ĐẾN TỊNH XÁ

Thử quan sát một con nhện. Một con nhện giăng lưới ở một nơi thuận tiện và ngồi chễm chệ giữa cái lưới của nó, yên lặng. Không bao lâu sau, một con ruồi bay ngang qua và sa vào lưới. Con ruồi vừa chạm vào và động đậy cái lưới, bốp! - con nhện nhảy lên và cuốn con ruồi vào trong sợi chỉ tơ. Nó cất con ruồi ở chỗ khác và rồi quay trở lại để ngồi, điềm tĩnh tại trung tâm của cái mạng nhện.

Quan sát một con nhện như thế có thể phát sinh trí huệ. Lục căn của chúng ta có tâm nằm giữa, và xung quanh là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân thể. Khi một trong lục căn của chúng ta bị kích động - chẳng hạn, một hình dáng nào đó đập vào mắt - nó rung chuyển và động tới tâm. Tâm là cái biết, cái nhận biết hình sắc. Chỉ bấy nhiêu là đủ để trí huệ phát sinh. Giản dị như thế thôi.

Giống như con nhện trong lưới, chúng ta nên sống yên lặng và ít giao tiếp. Khi côn trùng vừa chạm vào lưới, nhện nhanh chóng chụp lấy nó, cột nó lại và rồi quay trở lại trung tâm của mạng lưới. Điều này không khác gì tâm của chúng ta. “Đến trung tâm” có nghĩa là sống tỉnh thức với sự hiểu biết  rõ ràng, luôn cảnh giác, và làm mọi việc một cách chính xác - đây là trung tâm của chúng ta. Chúng ta đâu có gì nhiều để làm. Chúng ta chỉ việc sống thận trọng theo cách này. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta sống buông thả, rồi suy nghĩ, “Cần gì phải ngồi thiền và đi kinh hành!” và rồi quên hết sự tu hành của chúng ta. Chúng ta không thể buông thả. Chúng ta phải luôn tỉnh giác, giống như con nhện ngồi chờ để chụp lấy mấy con côn trùng làm thức ăn.

Đây là tất cả những gì chúng ta cần biết - ngồi và quán tưởng về con nhện đó. Chỉ bấy nhiêu thôi, rồi trí tuệ sẽ phát sinh. Chỉ bấy nhiêu thôi, và sự tu hành của chúng ta kể như đầy đủ.

Điểm này rất quan trọng! Chúng ta không cần thiết phải ngồi thiền hay đi kinh hành suốt ngày đêm. Nếu chúng ta cho rằng như thế mới là tu hành, chúng ta thật sự đã khiến cho nó quá khó khăn rồi. Chúng ta chỉ nên làm những gì chúng ta có thể làm, phù hợp với sức khỏe và năng lực của mình, sử dụng những khả năng vật chất một cách vừa phải.

Chúng ta phải biết rằng tâm và các giác quan rõ ràng. Nhận biết chúng đến và đi như thế nào, sinh và diệt như thế nào. Hiểu cho thấu đáo! Chúng ta cũng có thể nói rằng, giống như con nhện trói chặt những con côn trùng khác nhau, tâm trói buộc các giác quan bằng sự vô thường, khổ, và vô ngã. Chúng có thể đi đâu được? Chúng ta giữ chúng để quán sát, như thức ăn của chúng ta. Thế là đủ, không cần phải làm gì hơn, chỉ bấy nhiêu thôi. Đây là thực phẩm cho tâm của chúng ta, thực phẩm cho người có sự thức tỉnh và hiểu biết.

Nếu bạn biết rằng những thứ này là vô thường, rằng chúng đi liền với sự khổ, và rằng chúng không có tự ngã, chúng không phải là bạn, vậy bạn có là điên rồ mới chạy theo chúng! Nếu bạn không nhận thấy rõ điều này, bạn sẽ đau khổ. Khi bạn nhìn kỹ và nhận thấy chúng thật sự là vô thường, dầu rằng chúng có vẽ hấp dẫn, chúng thật sự không đáng để cho bạn theo đuổi. Tại sao bạn ham muốn chúng khi bản chất chúng chỉ là đau khổ? Chúng không phải là chúng ta. Chúng không thuộc về chúng ta. Vậy thì tại sao bạn đuổi theo chúng? Tất cả mọi vấn đề chấm dứt tại đây. Còn nơi nào khác để bạn dứt điểm với chúng không?

Hãy nhìn con nhện cho kỹ và nhìn lại chính mình. bạn sẽ thấy nó giống nhau. Khi đã nhìn thấy sự vô thường, khổ, và vô ngã, tâm xả bỏ và giải phóng chính mình. Nó không còn dính mắc vào sự khổ đau hay hạnh phúc. Đây là thức ăn dành cho tâm của người thật sự tu hành và rèn luyện. Chỉ giản dị như vậy thôi. Bạn không cần phải tìm kiếm một nơi nào khác. Bất kể bạn đang làm gì, bạn ở đó, không cần phải om sòm và rầy rà quá để làm gì. Bằng cách này, cường độ và năng lượng tu hành của bạn sẽ tiếp tục tăng trưởng.

(Tiếp theo...)

THOÁT LY SINH TỬ

Cường độ của tu hành dẫn đến sự giải thoát sinh tử. Chúng ta chưa thoát khỏi đó bởi vì chúng ta vẫn còn ham muốn. Chúng ta không làm những việc ác hay trái đạo đức, nhưng tất cả những điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta sống phù hợp với giới luật. Chẳng hạn, có một bài kinh tụng mà trong đó người ta cầu nguyện cho tất cả chúng sinh không bị xa lìa những điều họ thích. Nếu bạn suy ngẫm thêm một chút sẽ thấy điều này thật trẻ con. Đó là đường lối của những người đang bị cột chặt vào ham muốn, chưa thể xả bỏ.

Con người là như thế - họ cứ muốn mọi sự việc khác với bản chất thật của nó: muốn sống lâu, muốn không bệnh hoạn, muốn đủ thứ. Họ kỳ vọng như thế. Cho nên, khi bạn nói với họ rằng những ham muốn không được thỏa mãn của họ, đã khiến cho họ đau khổ, trong số họ sẽ có người giật mình sửng sốt. Nhưng họ phải nói gì đây? Không nói được gì cả, bởi vì đó là sự thật. Bạn đang chĩa vào những ham muốn của họ.

Ai cũng có những ham muốn và đều mong được thỏa mãn. Không ai chịu ngừng lại; không ai thật sự muốn thoát ly. Cho nên sự tu hành của chúng ta phải được tinh luyện một cách nhẫn nại. Những ai tu hành tinh cần, không chểnh mảng hay đi sai hướng, có phong cách kiềm thúc và nhẹ nhàng, luôn kiên định và đều đặn - đó là những người sẽ hiểu biết. Bất kể vấn đề gì phát sinh, họ vẫn bình thản và không lay động.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***