Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 1
GIỚI LUẬT
ĐỨC HẠNH VÀ THẾ GIỚI CỦA LỤC CĂN
CHƯƠNG 9
CƠN LŨ DỤC VỌNG.
Đức Phật nói, “Bất cứ thứ gì bạn có, đừng sở
hữu nó”.
Hãy để nó ở đó, đừng làm cho nó trở thành của
bạn.
Cơn lũ của dục vọng:
Chìm đắm trong cảnh sắc, trong âm thanh, trong mùi vị, trong khoái lạc nhục
dục, trong vật chất tiện nghi... Chìm đắm bởi vì chúng ta chỉ nhìn vào bên
ngoài, mà không nhìn vào bên trong. Người
tu không nhìn thấy chính mình, mà chỉ lo nhìn những người khác. Mọi người khác,
họ đều có thể thấy, nhưng chính họ thì không. Nhưng có gì khó khăn đâu. Chỉ
là người ta không thật sự cố gắn.
Ví dụ, nhìn một người
phụ nữ xinh đẹp. Điều gì đang xảy ra vậy? Nhìn thấy một phụ nữ cho bạn cảm giác
gì? Vừa nhìn thấy khuôn mặt là bạn nhìn thấy mọi thứ khác. Bạn hiểu tôi nói gì
chứ? Cặp mắt chỉ nhìn một chút thôi, nhưng tâm đã nhìn thấy những phần còn lại.
Tại sao nhanh như thế?
Đó là bởi vì bạn đã
chìm đắm trong cơn lũ. Bạn bị kẹt trong sự suy nghĩ và trí tưởng tượng của bạn,
giống như kẻ nô lệ đang bị một người khác điều khiển. Khi họ bảo ngồi, bạn phải
ngồi; khi họ bảo đi, bạn phải đi. Bạn không thể trái lời họ. Bởi vì bạn là nô
lệ của họ. Bị nô lệ cho lục căn cũng vậy đó. Bất kể bạn cố gắn bao nhiêu, bạn
dường như không thể dứt bỏ nó. Và nếu bạn trông đợi người khác dứt bỏ nó cho
bạn, bạn chỉ tạo thêm phiền phức cho mình.
Cho nên, Đức Phật để
chúng ta tự lựa chọn sự tu hành và thoát khổ. Chẳng hạn như niết bàn. Đức Phật
đã hoàn toàn giác ngộ, tại sao Ngài không diễn tả niết bàn một cách chi tiết
hơn? Tại sao Ngài bảo chúng ta tu hành và tự mình chứng ngộ? Có người bâng
khuâng. “Nếu Đức Phật thật sự biết rõ điều đó”, họ lý luận, “Ngài đã nói cho
chúng ta biết. Tại sao Ngài che giấu?”
Nghĩ như thế là sai.
Chúng ta không thể nhận biết chân lý bằng cách này. Chúng ta phải tu tập, chúng
ta phải huấn luyện, để có thể chứng ngộ. Đức Phật chỉ cho chúng ta biết cách để
phát triển trí huệ mà thôi. Ngài nói rằng chính chúng ta phải tu hành để đạt
đến mục đích.
Nhưng con đường Đức
Phật dạy đi ngược lại những thói quen của chúng ta. Thanh đạm, kiềm thúc -
nhưng chúng ta không thích điều đó. Cho nên chúng ta thường nói, “Hãy chỉ cho
chúng tôi đường đến niết bàn, để chúng tôi có thể đi đến đó một cách dễ dàng
nhất”. Trí huệ cũng vậy. Đức Phật không thể chỉ cho chúng ta trí huệ; nó không
phải là một thứ có thể phân phát. Đức Phật có thể chỉ cách để phát triển trí
huệ, nhưng phát triển được bao nhiêu trí huệ thì còn tùy vào mỗi người. Bởi vì
phước báu và nghiệp quả mỗi người khác nhau, sự chứng ngộ, vì thế mà có lúc
nhanh, lúc chậm. Đức Phật và các đệ tử của Ngài đều tự mình tu hành, nhưng dầu
vậy, họ vẫn dựa vào sự hướng dẫn và khuyên bảo của vị thầy trong quá trình tu
tập.
Khi nghe pháp, có thể
chúng ta muốn nghe cho đến khi không còn nghi ngờ, nhưng sự nghi ngờ không bao
giờ chấm dứt với việc nghe pháp. Sự nghi ngờ không thể chấm dứt chỉ bằng sự
lắng nghe và suy tư. Tuy nhiên, nghe pháp rất có lợi ích. Vào thời Đức Phật, có
người chứng ngộ - và đạt đến đẳng cấp A-la-hán, trong khi nghe thuyết pháp.
Nhưng những người này, đẳng cấp trí huệ của họ vốn đã cao rồi; họ vốn đã hiểu
biết rất sâu. Giống như một quả bóng, được bơm hơi, nó căng phồng lên. Không
khí bên trong bị nén ép vào thành quả bóng nhưng không có lỗ để nó thoát ra.
Chỉ cần lấy kim chích thủng 1 lỗ nhỏ, thì không khí lập tức tuôn ra ngoài.
Tâm của những đệ tử
được khai ngộ, khi nghe pháp thì cũng như quả bóng đó. Nó sẵn đã có cái “sức
ép” này ở bên trong. Nó chỉ chưa thoát ra bởi còn một lớp màng mỏng bên trong
ngăn che chân lý. Khi họ nghe pháp và nó chạm vào đúng chỗ, thì trí huệ phát
sinh. Tâm thay đổi - từ cách nhìn này đến cách nhìn khác. Bạn có thể cho rằng
nó còn xa, hay có thể nói rằng nó rất gần.
Đây là điều mà chúng ta phải tự làm cho mình. Đức Phật chỉ có
thể cho chúng ta phương pháp để phát triển trí huệ. Vậy thì tại sao sau khi nghe
pháp, chúng ta không thể liễu ngộ chân lý? Đó là bởi vì có tấm màng ngăn che
nó. Tấm màn vô minh này dầy hay mỏng còn tùy mỗi người. Bạn cũng có thể nói
rằng chúng ta bị chìm đắm. Chìm đắm trong dục lạc. Chìm đắm trong vòng sanh tử
luân hồi. Dục vọng nảy sinh theo thanh sắc, mùi vị, âm thanh, cảm xúc và tư
tưởng. Đồng hóa với những thứ này, tâm bám chặt và bị mắc kẹt vào dục lạc.
Những hành giả biếng
nhát, thường không nhớ đến đạo pháp. Thế nhưng khi bị la rầy, họ cứ nhớ mãi
những sự khiển trách đó. Họ có thể bị la rầy khi kỳ kiết hạ bắt đầu, và sau khi
kỳ kiết hạ kết thúc, họ vẫn không quên chuyện đó. Chừng nào còn sống, họ vẫn
không quên, nhất là khi sự khiển trách đó có tác động lớn đối với họ. Nhưng khi
nói đến sự giảng dạy của Đức Phật - những việc như sự điều thân, kiềm thúc, tu
tập chuyên cần, tại sao người ta không giữ mãi những điều này trong tâm? Tại
sao họ cứ quên mãi? Cứ quan sát sự tu hành của chúng ta ở đây thì biết. Ví dụ,
những giới luật như, sau khi ăn, trong khi rửa y bát, đừng trò chuyện! Ngay cả
bấy nhiêu thôi mà người ta cũng không làm được. Mặc dầu chúng ta biết rằng tán
ngẫu không ích lợi gì, mà chỉ trói buộc chúng ta vào dục lạc ngũ trần, người ta
vẫn thích nói. Không bao lâu, họ bắt đầu bất đồng ý kiến và cuối cùng thì tranh
cãi và gây gổ.
Điều luật này không có
gì là phức tạp và khó hiểu cả. Nó rất là cơ bản. Thế nhưng người ta có vẻ như
không muốn cố gắn. Họ nói họ muốn được khai ngộ, nhưng họ muốn khai ngộ theo
kiểu của họ; họ không muốn tu tập và rèn luyện bản thân. Tất cả những giới luật tu hành đều là những phương tiện khéo léo để
giúp hành giả thấu suốt và chứng đạo, nhưng người ta không chịu tuân thủ.
“Sự tu hành chân
chánh” hay “sự tu hành thành tâm” không nhất thiết có nghĩa là bạn phải hao tổn
rất nhiều năng lượng - chỉ bỏ ra chút nỗ lực trong tâm, phấn đấu một chút với
những cảm xúc phát sinh, nhất là những cảm xúc nặng nề với dục lạc và sân hận.
Chúng là kẻ thù của chúng ta.
Nhưng hình như người
ta không thể làm thế. Năm nào cũng vậy, càng gần đến cuối kỳ kiết hạ, thì tình
trạng càng trở nên tệ hại, có người dường như hết muốn chịu nổi. Càng gần đến
lúc cuối, họ càng giãi đãi, phóng dật. Năm nào tôi cũng nói về điều này, nhưng
họ vẫn không nhớ. Chúng tôi có đưa ra một số quy định, nhưng chưa tới một năm
thì không ai chấp hành cả. Những cuộc trò chuyện vô bổ lại bắt đầu. Sự tu hành
thoái hóa. Thường là như vậy đó.
Những người thật sự
muốn tu hành nên suy ngẫm về kết quả bất lợi của những điều này. Khi chúng ta
được thâu nhận vào hàng ngũ xuất gia, chúng ta sống giản dị. Thế nhưng có vài
người đã hoàn tục để đi ra chiến trường, nơi súng đạn bay vèo vèo mỗi ngày - họ
thích như thế. Họ thực sự muốn đi lính. Họ không thấy nguy hiểm sao? Họ sẳn
sàng chết vì bom đạn, nhưng không ai muốn hy sinh một chút khó khăn vì phát
triển đức hạnh. Đó bởi vì họ là những kẻ nô lệ. Họ không nhìn thấy sự nguy
hiểm.
Thật là lạ! Bạn nghĩ
rằng họ có thể nhận ra điều đó không? Nếu đến lúc đó mà họ vẫn chưa nhận thấy
thì họ thật là hết hy vọng. Họ quyết định ở lại trong guồng máy sinh tử luân
hồi. Sự việc là như thế đó.
Nếu bạn hỏi họ, “Tại sao anh được sinh ra?” có lẽ họ không trả lời được, bởi vì họ không nhận ra điều đó. Họ chìm đắm trong thế giới của lục căn, lục trần và chìm đắm trong sự trở thành (bhava). Bhava là phạm vi sinh khởi, nơi sinh của chúng ta. Nói ngắn gọn, chúng ta sinh ra từ đâu? Bhava là điều kiện tiên quyết cho sự sinh khởi. Ở đâu có sự sinh khởi thì ở đó là bhava. Ví dụ, giả sử chúng ta có một vườn táo mà chúng ta rất thích. Đó là một bhava cho chúng ta, nếu chúng ta không dùng trí tuệ để quán xét. Tại sao thế? Giả sử vườn cây của chúng ta có một trăm hay một ngàn cây táo. Chừng nào chúng ta còn xem chúng là cây của chúng ta, chúng ta sẽ “sinh” vào trong mỗi cây đó - sinh làm con sâu, chẳng hạn, trong ý nghĩa nào đó, bởi cái sự trở thành đã chui vào mỗi cây táo đó; hay dầu rằng con người của chúng ta vẫn còn đó trong căn nhà, nhưng tâm chúng ta như thể vươn “xúc tu” bám chặt vào những cây đó.
Làm sao chúng ta biết rằng đó là
bhava? Nó là bhava (phạm vi sinh khởi)
bởi vì chúng ta bám chặt vào cái ý tưởng rằng những cây đó là của riêng ta. Nếu
có người lấy rìu chặt một trong những cây này xuống, chúng ta, ở trong nhà của
mình, sẽ “chết” với cái cây đó. Chúng ta sẽ nổi giận và phải xử lý vấn đề này.
Sự cãi vã bắt đầu, đó là “sự sinh khởi”. Phạm vi sinh khởi là cái cây mà chúng
ta bám vào như thể nó thuộc về chúng ta. Chúng ta “sinh ra” ngay tại nơi mà
chúng ta cho rằng nó là của chúng ta.
Bất
cứ thứ gì chúng ta bám víu vào, chúng ta sinh ra ở nơi đó; chúng ta hiện hữu
ngay nơi đó.
Chúng ta sinh ra ngay khi chúng ta “biết”. Đây chính là cái “biết” từ sự-không-biết:
chúng ta biết rằng có người vừa đốn một trong những cái cây của chúng ta, nhưng
chúng ta không biết rằng những cái cây đó không thực sự là của chúng ta. Đây
gọi là “cái biết từ sự-không-biết”. Và rồi chúng ta sinh vào cái bhava đó.
Vatta, bánh xe luân hồi vận chuyển như
thế này. Người ta bám chặt vào bhava; họ lệ thuộc vào bhava. Nếu họ ưa thích
bhava, đây là một sự sinh khởi. Và nếu họ đau khổ về những thứ như thế, thì đây
cũng là một sự sinh khởi. Chừng nào chúng ta không xả bỏ, chúng ta sẽ còn mắc
kẹt trong vòng luân hồi. Hãy suy ngẫm về điều này. Bất cứ thứ gì chúng ta bám víu vào như thể đó là chính chúng ta hay thuộc
về chúng ta, đó sẽ là một phạm vi sinh khởi.
Phải có một bhava - một phạm vi sinh
khởi - trước khi sự sinh khởi có thể diễn ra. Do đó Đức Phật có nói, “Bất cứ thứ gì bạn có, đừng sở hữu nó”. Hãy
để nó ở đó, nhưng đừng làm cho nó trở thành của bạn. Bạn phải hiểu sự có và
không-có này; biết được bản chất của chúng. Đừng quanh quẩn trong sự dính mắc.
Nơi mà bạn sinh ra: Bạn có muốn trở
lại đó để được tái sinh không? Hãy suy ngẫm điều này. Thật đấy. Bạn cho rằng
người ta thích sống trong bụng của một người khác sao? Thật khó chịu vô cùng!
Thử nghĩ đi, chỉ ở trong chòi của bạn suốt một ngày thôi, đóng hết các cửa ra
vào và cửa sổ là bạn cảm thấy ngộp thở rồi. Nếu như phải nằm trong bụng một
người nào chín, mười tháng thì sẽ ra sao? Người ta không nhìn thấy cái giá của
nó. Bạn có muốn trở lại trong bào thai đó không? Bạn đang tiếc nuối điều gì
thế?
Đó là bhava. Cội rễ là ở đó. Mọi thứ
xoay quanh đó. Đức Phật bảo chúng ta quán chiếu điểm này. Người ta nghĩ đến nó
nhưng vẫn không nhận thấy nó. Mọi người đều chuẩn bị để trở lại nơi đó nữa. Họ
biết rằng ở trong đó rất khó chịu, thậm chí có thể họ không còn có cơ hội để
được ra ngoài, nhưng họ vẫn muốn đưa đầu vào đó. Đặt cổ vào cái thòng lọng một
lần nữa. Mặc dù họ biết cái thòng lòng này rất là khó chịu, nhưng họ vẫn cứ
muốn thêm nhiều lần nữa. Tại sao họ không hiểu điều này chứ?
Khi tôi nói những chuyện này, người
ta sẽ nói, “Nếu đúng là như vậy, thì mọi người cạo đầu đi tu hết cả, và rồi thế
giới sẽ ra sao?” Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể khiến cho mọi người đi tu, cho nên
đừng lo việc đó.
Tôi trở thành một sa di từ lúc chín
tuổi. Tôi bắt đầu tu hành từ lúc đó. Nhưng thời gian đó, tôi không biết gì về
điều này. Tôi chỉ hiểu khi tôi trở thành một tỳ kheo. Khi là tỳ kheo, tôi rất
cảnh giác. Hiện tại, những thú vui sắc dục mà người đời mê đắm không còn có vẻ
gì vui thú đối với tôi. Tôi nhìn thấy sự đau khổ trong đó, như nhìn thấy chất
độc bên trong một món ăn thơm ngon. Bất kể nó ngọt ngào, hấp dẫn đến chừng nào,
tôi biết rằng nếu ăn nó, tôi sẽ chết. Tôi luôn nghĩ như thế. Mỗi khi cảm thấy
muốn “ăn món đó”, tôi nghĩ đến “chất độc” bên trong, và tôi thu hồi sự ham muốn
của mình lại. Tuy nhiên, đến giờ, ở tuổi này, những thứ đó không thể cám dỗ tôi
nữa.
Có người không nhìn thấy chất độc.
Có người nhìn thấy nó nhưng vẫn muốn thử xem sao. Nhưng như họ nói, “Nếu bạn đã
làm cho bàn tay mình bị thương, thì đừng đụng vào chất độc”.
Tôi cũng đã từng nghĩ đến việc thử
cho biết. Có một lần, sau khi xuất gia khoảng năm, sáu năm, tôi nghĩ đến Đức
Phật. Ngài tu hành năm, sáu năm rồi đoạn tuyệt với đời sống thế tục, nhưng tôi
vẫn cón ưa thích nó và nghĩ đến việc quay trở lại. Đời sống thế tục có thể giúp
cho tôi có thêm kinh nghiệm và kiến thức. Ngay cả Đức Phật cũng có một đứa con
trai là La-hầu-la mà. Có lẽ tôi quá khắc khe với mình?
Tôi nghĩ đến việc này một thời gian,
nhưng rồi tôi nhận ra. “Đúng, hay lắm, tất cả đều tốt, nhưng tôi chỉ sợ rằng vị
“Phật” này có thể sẽ lún sâu trong bùn, không giống như vị Phật trước”. Và rồi
tôi kháng cự những tư tưởng thế gian đó.
Từ kỳ kiết hạ thứ bảy đến kỳ kiết hạ
thứ hai mươi, tôi thực sự đã đấu tranh rất nhiều. Thời gian này, tôi có cảm
tưởng như mình đã kiệt sức, tôi đã vật lộn rất lâu. Những tăng sĩ và sa di vẫn
còn rất nhiều nhuệ khí, họ có thể đi ra ngoài để thử sức mình. Nhưng trước khi
làm thế, hãy suy nghĩ cẩn thận.
Nói đến dục lạc, ngũ trần, thật
không dễ gì buông bỏ. Rất khó nhận ra bản chất thật của nó. Chúng ta phải sử
dụng những phương pháp tinh xảo. Hãy nghĩ đến những dục lạc như việc ăn thịt và
nó mắc vào trong kẽ răng của bạn. Bạn phải dùng một cây tăm để khươi nó ra. Khi
miếng thịt rớt ra, bạn cảm thấy nhẹ nhõm được một lát. Có thể bạn quyết định
không ăn thịt nữa. Nhưng lần tới khi thấy thịt, bạn không cưỡng nổi. Bạn ăn
thêm một lần nữa, và rồi nó lại mắc vào kẽ răng. Rồi bạn lại phải lấy nó ra và
cảm thấy thoải mái một lần nữa, cho đến khi bạn ăn thịt lại. Nó cứ như vậy. Chỉ
có vậy. Tôi không thấy điều gì phức tạp cả.
Những điều này, tôi chẳng học hỏi từ
một người nào khác. Chúng xảy đến với tôi trong quá trình tu tập. Tôi ngồi
thiền và quán chiếu dục lạc như cái tổ kiến. Một người lấy cây gỗ chọc vào tổ
kiến cho đến khi mấy con kiến chạy ra ngoài, bò lên cây gỗ và bò lên tay, lên
mặt, cắn vào da thịt họ. Vậy mà họ không nhìn thấy tình cảnh khó khăn của mình.
Giáo lý Đức Phật có nói rằng nếu
chúng ta nhìn thấy sự nguy hiểm của một điều gì đó, bất kể nó có tốt đẹp như
thế nào, chúng ta biết rằng nó có hại. Bất cứ điều gì chúng ta chưa nhìn thấy
sự nguy hiểm của nó, chúng ta cứ nghĩ rằng nó tốt. Nếu chúng ta chưa nhìn thấy sự nguy hiểm của một thứ gì đó, chúng ta
không thể thoát khỏi nó.
Bạn có nhận thấy một điều là: bất kể
một “việc” nào đó bẩn thỉu đến chừng nào, vẫn có người thích nó. Việc này không
sạch sẽ, nhưng bạn không phải trả tiền để người ta làm nó - họ sẽ vui vẻ tình
nguyện. Với những việc bẩn thỉu khác, người ta sẽ không làm, dù bạn có trả
tiền. Nhưng việc bẩn thỉu này, họ sẽ hăng hái chấp thuận; bạn không phải trả
tiền cho họ. Công việc không sạch sẽ, nhưng tại sao người ta thích? Làm sao bạn
có thể cho rằng con người là thông minh khi họ ứng xử theo kiểu này?
Hãy quan sát mấy con chó ở quanh tu
viện này - có cả đàn ở đây. Chúng chạy loanh quanh cắn xé nhau, có con bị cắn
đến tàn tật. Nhưng chỉ vài tháng sau là chúng lại đâu hoàn đó. Hễ có con chó
nhỏ hơn mới đến là con lớn lại đuổi cắn nó. Con chó đó kêu ẳng ẳng, kéo lê cái
chân bị thương của nó. Nó chỉ là một con chó nhỏ thôi, nó nghĩ rằng một ngày
nào đó, nó có cơ hội. Nhưng rồi nó bị cắn tơi bời, và đó là tất cả những gì nó
nhận được. Trong suốt mùa kiếm bạn tình, nó có thể chẳng có được một cơ hội nào.
Những con chó chạy quanh và tru với
nhau từng đàn - tôi nghĩ chắc chúng đang ca hát! Chúng nghĩ rằng chúng đang vui
chơi, chúng đang ca hát, nhưng chúng không biết điều gì khiến chúng làm như thế
- chúng chỉ làm theo bản năng của mình một cách mù quáng.
Hãy suy ngẫm về điều này. Nếu bạn
thực sự muốn tu hành, bạn nên hiểu biết những cảm xúc của mình. Ví dụ, bạn nên
gần gủi ai, trong số những tỳ kheo, sa di, hay người tại gia? Nếu bạn thân cận
với người nói nhiều, họ sẽ ảnh hưởng bạn, khiến bạn cũng nói nhiều. Nội chuyện riêng
của bạn thôi cũng đã nhiều rồi, nay cộng thêm vấn đề của họ nữa. Chúng sẽ nổ
tung mất!
Người ta thích chơi với người nói
nhiều và nói những chuyện phù phiếm. Họ có thể ngồi hàng giờ để lắng nghe những
chuyện như thế. Nhưng khi nhắc đến việc nghe pháp và việc tu hành, thì họ e
ngại, họ chẳng muốn tiếp thu. Tôi vừa bắt đầu buổi thuyết giảng là họ buồn ngủ
rồi. Họ không nhận được gì cả. Khi tôi nói đoạn cuối, thì mọi người mới tỉnh
dậy và mở mắt ra. Như thế thì có ích lợi gì? Người tu hành chân chánh sẽ rời
khỏi buổi thuyết pháp với một cảm giác thăng hoa và hăng say. Họ đã học được
một điều gì đó.
Hãy lựa chọn. Trong mỗi khoảnh khắc, bạn đều đứng ở một ngã rẽ giữa con đường thế gian và con đường Đạo. Bạn chọn con đường nào? Bạn có sự chọn lựa. Nếu bạn muốn giải thoát, thời điểm là ở đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét