Thiền sư Ajahn Chah
Minh Vy dịch Việt ngữ
PHẦN 2
THIỀN ĐỊNH
CHƯƠNG 13
SỰ HÀI HÒA TRONG ĐẠO.
Tâm thanh tịnh khiến cho giới hạnh thuần khiết hơn.
Giới hạnh thuần khiết sẽ giúp phát triển định lực.
Định lực vững vàng sẽ giúp trí huệ phát sinh.
Cuối cùng thì Đạo hợp nhất và hoạt động không ngừng.
Bạn
cảm thấy tự tin bao nhiêu đối với việc hành thiền của mình? Câu hỏi này không
quá đáng đâu, bởi vì thời nay nhiều người, cả xuất gia lẫn tại gia, đều giảng
dạy pháp thiền, cho nên bạn cảm thấy hoang mang và nghi ngờ. Nhưng nếu bạn hiểu
biết rõ ràng, bạn sẽ có thể khiến cho tâm bình an và vững vàng
Bạn
nên hiểu Bát Chánh Đạo như là giới, định, huệ. Đạo chỉ giản dị thế thôi. Chúng
ta tu hành là để làm cho Đạo này phát sinh bên trong chúng ta.
Khi
ngồi thiền, người ta bảo chúng ta nhắm mắt, đừng nhìn bất cứ thứ gì khác, bởi
chúng ta sắp sửa nhìn thẳng vào tâm mình. Khi chúng ta nhắm mắt, sự chú ý của
chúng ta hướng vào bên trong. Chúng ta đặt sự chú ý của mình vào hơi thở, tập
trung mọi cảm giác của chúng ta tại đây, đặt sự chánh niệm của chúng ta nơi
đây. Khi mọi yếu tố của Đạo đã hài hòa, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật
của hơi thở, cảm xúc, tâm và những đối tượng của tâm. Tại đây, chúng ta nhìn
thấy “tâm điểm”, nơi thiền định và những yếu tố khác của Đạo hội tụ trong sự
hài hòa.
Khi bạn ngồi thiền cùng với người
khác, hãy nghĩ bạn đang ngồi thiền một mình. Củng cố cái cảm giác bạn đang ngồi
một mình cho đến khi tâm buông bỏ tất cả ngoại vật, chỉ tập trung vào hơi thở.
Nếu bạn tiếp tục suy nghĩ, “Người này đang ngồi ở chỗ kia, người kia đang ngồi
ở chổ nọ”, bạn sẽ không thể bình an, bởi tâm không hướng vào trong. Hãy vứt
những thứ đó đó qua một bên cho đến khi bạn cảm thấy không còn ai chung quanh
cả, cho đến khi không có gì cả, cho đến khi bạn không còn bâng khuâng, lo nghĩ
về những thứ chung quanh mình.
Hãy
để hơi thở ra vào tự nhiên. Đừng ép buộc nó ngắn đi hay dài thêm. Chỉ việc ngồi
đó và quan sát hơi thở, nó đi ra, đi vào. Khi tâm buông bỏ ngoại cảnh, tiếng xe
cộ hay những thứ như thế sẽ không quấy nhiễu bạn. Không thứ gì, dù cảnh vật hay
âm thanh, sẽ không thể quấy nhiễu, bởi tâm không tiếp nhận chúng. Sự chú ý của
bạn tập trung hoàn toàn vào hơi thở.
Nếu
tâm rối loạn và không thể tập trung vào hơi thở, hãy hít một hơi thật dài và
thật sâu, rồi để cho nó đi ra hết cho đến khi không còn gì nữa. Làm như thế ba
lần và rồi tái thiết lập sự chú ý của bạn. Tâm sẽ trở nên tĩnh lặng.
Thường
thì tâm sẽ yên lặng một hồi, rồi sự hiếu động và rối rắm quay trở lại. Khi điều
này xảy ra, hãy tập trung, thở thật sâu, và rồi tái thiết lập sự chú ý của bạn
lên hơi thở. Cứ làm như thế. Khi điều này xảy ra nhiều lần, bạn sẽ thông thạo
hơn, và rồi tâm sẽ buông bỏ mọi ấn tượng bên ngoài. Sati (chánh niệm) sẽ được thiết lập vững chắc.
Khi
tâm trở nên thanh tịnh hơn, hơi thở cũng thanh nhẹ hơn, thân và tâm sẽ trở nên
nhẹ nhàng. Sự chú ý của chúng ta được xoay vào trong hoàn toàn: chúng ta nhìn
thấy hơi thở ra và hơi thở vào một cách rõ ràng, chúng ta nhìn thấy rõ ràng mọi
ấn tượng tâm trí. Tại đây, chúng ta sẽ nhìn thấy sự hợp nhất của giới, định,
huệ. Đây gọi là sự hài hòa trong Đạo. Khi có sự hài hòa này, tâm chúng ta không
còn hoang mang. Trạng thái này gọi là định.
Sau
khi quan sát hơi thở một hồi, hơi thở trở nên rất thanh nhẹ, sự theo dõi về hơi
thở sẽ giảm dần cho đến khi chỉ còn sự nhận biết mà thôi. Bấy giờ chúng ta lấy
gì để làm đối tượng thiền quán đây? Chúng ta dùng chính sự hiểu biết này làm đề
mục của mình - sự nhận biết rằng không có hơi thở. Những điều bất ngờ sẽ có thể
xảy ra vào lúc này. Có người đã kinh nghiệm chúng, có người không. Nếu chúng
nảy sinh, chúng ta nên tỉnh thức và nhận biết rõ ràng. Có người nhận thấy hơi
thở biến mất và hoảng sợ. Họ sợ chết. Lúc đó chúng ta nên nhận biết là không có
hơi thở và dùng nó làm đối tượng cho sự nhận biết.
Chúng
ta có thể nói rằng đây là loại định vững vàng nhất: trạng thái bất động của
tâm. Có thể thân thể trở nên quá nhẹ nhàng đến độ chúng ta không cảm nhận được
thân thể. Chúng ta cảm thấy như mình đang ngồi trên một khoảng không, hoàn toàn
trống rỗng. Điều này có vẻ bất thường, nhưng thật sự thì không có gì đặc biệt
cả, đừng lo lắng. Cứ giữ tâm an định như thế.
Khi
tâm an trụ vững vàng trong định, không còn ấn tượng nào quấy nhiễu nó nữa,
thiền giả có thể ở lại trong trong trạng thái này lâu hay mau tùy thích. Không
một cảm xúc đau khổ nào quấy nhiểu chúng ta. Khi thiền định đạt đến mức độ này,
chúng ta có thể xả thiền bất cứ lúc nào mình muốn, nhưng khi chúng ta xả thiền,
chúng ta làm thế một cách thoải mái, chứ không phải vì chúng ta cảm thấy chán
hay mệt. Chúng ta xả thiền vì cảm thấy đủ vào lúc đó, chúng ta cảm thấy nhẹ
nhàng, không có vấn đề gì cả.
Một
khi chúng ta đạt đến mức định này, nếu chúng ta ngồi thiền, khoảng 30 phút hay
một tiếng đồng hồ, tâm sẽ duy trì được sự an bình, trầm tĩnh trong nhiều ngày
liên tiếp. Khi tâm bình an và trầm tĩnh như thế, nó thanh tịnh. Bất cứ điều gì
chúng ta kinh nghiệm, tâm sẽ nhận biết và khảo sát. Đây là kết quả của định.
Đức hạnh có công dụng của nó, thiền
định có công dụng của nó, và trí huệ cũng thế. Những yếu tố này giống như một vòng
tròn. Chúng ta có thể thấy chúng trong cái tâm bình an. Khi tâm bình an, tâm có
sự điềm tĩnh và chế ngự nhờ vào trí huệ và thiền định. Tâm càng điềm tĩnh, càng
trở nên thanh tịnh. Tâm thanh tịnh khiến giới hạnh của chúng ta thuần khiết
hơn. Giới hạnh thuần khiết sẽ giúp phát triển định lực. Định lực vững vàng giúp
cho trí huệ phát sinh. Giới, định, huệ tương quan mật thiết với nhau như thế đó.
Cuối cùng thì Đạo hợp nhất và hoạt động không ngừng. Chúng ta nên trưởng dưỡng tâm kiên cố phát sinh từ Đạo, bởi nó dẫn tới khai ngộ và trí huệ.
HIỂM HỌA CỦA ĐỊNH.
Thiền định có thể mang đến cho thiền giả rất nhiều lợi ích,
nhưng cũng có thể mang đến đủ thứ tai họa. Với người thiếu trí huệ, nó sẽ có
hại, nhưng đối với người có trí huệ, nó mang đến lợi ích lớn, nó sẽ dẫn đến sự
khai ngộ.
Điều có hại cho thiền giả là sự nhập định: Định sâu lắng và vắng
lặng. Loại định như thế mang đến một cảm giác vô cùng bình an. Khi có sự bình
an thì có hỷ lạc. Khi có hỷ lạc, sự dính mắc có thể phát sinh. Thiền giả không
muốn quán chiếu điều gì khác nữa, mà chỉ ham muốn hưởng thụ cảm giác sung sướng
đó. Khi tu hành một thời gian lâu, chúng ta có thể dễ dàng và nhanh chóng nhập
vào định này. Ngay cả khi chúng ta vừa nhận biết đối tượng thiền quán của mình,
tâm liền lắng đọng, và chúng ta không muốn xuất định để quan sát bất cứ điều gì
nữa. Chúng ta cứ mắc kẹt vào trạng thái hỷ lạc này. Hiểm họa là ở chỗ đó.
Chúng ta phải sử dụng cận định(1). Ở đây, chúng ta
bước vào trạng thái bình an, và rồi khi tâm đủ bình an, chúng ta xuất định và
xem xét những sinh hoạt bên ngoài. Xem xét thế giới bên ngoài với một cái tâm
tĩnh lặng sẽ dẫn đến sự phát sinh trí huệ. Điều này hơi khó hiểu, bởi vì nó gần
giống như những suy nghĩ thường nhật. Khi sự suy nghĩ hiện diện, chúng ta có
thể cho rằng tâm không bình an, nhưng thực ra sự suy nghĩ này xảy ra bên trong
sự bình an. Sự quán chiếu vẫn ở đó, nhưng nó không quấy nhiễu sự bình an. Chúng
ta có thể mang suy nghĩ lên để quán chiếu nó, khảo sát nó như một đối tượng
thiền quán. Đó không phải là sự suy nghĩ mông lung một cách vô định, mà là sự
quán chiếu phát sinh từ tâm bình an. Đây gọi là “sự nhận biết trong an định và
sự an định trong nhận biết”. Nếu nó chỉ là một suy nghĩ bình thường, tâm sẽ
không bình an. Nó bị quấy nhiễu bởi suy nghĩ ấy. Nhưng tôi không nói đến một
suy nghĩ thông thường. Nó là sự quán chiếu. Trí huệ phát sinh ngay tại đây.
Cho nên, có loại thiền định đúng phương pháp và có loại thiền
định sai phương pháp. Thiền định sai là
khi tâm bước vào trạng thái an định mà không có sự nhận biết nào cả. Bạn có thể
ngồi hàng giờ hay suốt ngày, nhưng tâm không nhận biết được hiện tại nó đang ở
đâu, hay điều gì đã xảy ra. Có sự an định, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi. Không
có trí huệ phát sinh. Nó giống như con dao bén, nhưng chúng ta không biết sử
dụng. Đây là một loại an định hư ảo, bởi nó quá ít sự nhận biết. Thiền giả có
thể nghĩ rằng họ đã đạt đến chỗ rốt ráo, nên không màng đến xem xét những thứ khác.
Thiền định ở mức độ này có hại hơn có lợi. Trí huệ không thể phát sinh, do dính
mắc quá nhiều vào ham muốn hỷ lạc, và không có sự nhận biết rõ ràng giữa cái
đúng và cái sai.
Với sự thiền định đúng
đắn, bất kể mức độ an định nào, đều có sự nhận biết ở đó. Có chánh niệm hoàn
toàn và nhận biết rõ ràng. Đây là loại định có thể phát sinh trí huệ, và không
ai có thể bị lạc hướng. Thiền giả nên hiểu biết điều này. Bạn không nên xem thường sự
nhận biết này; nó phải hiện diện từ đầu đến cuối. Đây là loại định không gây
nguy hiểm. Nó mang đến sự chứng ngộ.
Có thể bạn không rõ là trí huệ phát sinh từ thiền định ra sao.
Khi loại định đúng đắn được phát triễn, trí huệ có cơ hội được phát sinh vào
bất cứ lúc nào - trong mọi tư thế, mọi tình huống. Khi mắt nhìn thấy hình sắc,
tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân thể cảm nhận xúc chạm, hay
tâm trí kinh nghiệm một ấn tượng nào đó, tâm luôn hiểu biết rõ ràng bản chất
thực của những ấn tượng này, và không chạy theo chúng.
Khi tâm có trí huệ, nó không chọn lựa. Trong bất kỳ tư thế nào,
chúng ta cũng nhận biết rõ ràng về sự sinh khởi của hạnh phúc và khổ đau. Chúng
ta xả bỏ những thứ này, chúng ta không bám víu. Đây là sự tu hành đúng đắn mà
chúng ta thực hiện trong tất cả tư thế. Tất
cả tư thế không chỉ đề cập đến những tư thế của thân thể, mà còn bao gồm cả
tâm - một cái tâm có chánh niệm và sự hiểu biết chân lý rõ ràng. Khi thiền định
được phát triển đúng đắn, trí huệ phát sinh như thế đó. Đây là sự chứng ngộ -
sự hiểu biết chân lý.
Có hai loại bình an -
thô tạp và vi tế. Sự bình an đến từ hỷ lạc là loại thô tạp. Khi tâm bình an, thì
có sự hỷ lạc. Tâm xem cảm giác của sự hỷ lạc này là sự bình an. Nhưng hạnh phúc
và đau khổ vẫn còn nằm trong cảnh giới sinh diệt này. Chừng nào chúng ta còn
bám víu vào sự hỷ lạc, chúng ta còn chưa thể thoát khỏi luân hồi. Cho nên, hỷ
lạc không phải là sự bình an. Sự bình an không phải là hỷ lạc.
Loại bình an thứ hai
là cái đến từ trí huệ. Ở đây, chúng ta không nhầm lẫn sự bình an với sự hỷ lạc. Chúng
ta thấy rằng, cái tâm trí huệ - cái quán chiếu và nhận biết sự hỷ lạc và đau
khổ - là bình an. Tâm bình an phát sinh từ trí huệ sẽ nhìn thấy chân lý của cả
hai thứ hỷ lạc và đau khổ. Sự bám víu vào những trạng thái này sẽ không còn
phát sinh, tâm vượt lên trên chúng. Đây là mục tiêu chân chánh của mọi hành giả
tu hành theo Phật pháp.
-----------------------------------------------
Ghi chú
(1) Cận định: mức định
trước khi bước vào trạng thái sâu lắng. Xem phụ lục Thiền định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét