Thích Nhất Hạnh
Chương 37
Một niềm tin mới.
Nửa
tháng sau, vua Suddhodana thỉnh Bụt tới thọ trai trong hoàng cung để
vua và hoàng gia lại có cơ duyên được nghe Bụt thuyết
pháp. Lần này, vua chỉ mời Bụt và đại đức Sariputta chứ không
mời tăng đoàn. Vua cũng không mời các vị tân khách nào cả. Trong không
khí gia đình, Bụt đã giảng dạy về cách theo dõi hơi
thở, quán chiếu các cảm thọ, phương pháp đi thiền hành và ngồi
thiền tọa. Người chỉ dạy rất kỹ về cách thức quán chiếu, cách
thức duy trì chánh niệm và an trú trong chánh niệm.
Yasodhara, Rahula, Nanda và Sundari Nanda cũng có mặt trong buổi thuyết
pháp này. Rahula đặc biệt có cảm tình với thầy
Sariputta. Cậu rất ưa đứng gần thầy và hay nắm lấy tay thầy.
Khi
Bụt thuyết pháp xong đứng dậy ra về, mọi người đều đưa Người
ra tới tận cổng thành Nam. Bụt trao bình bát cho em là Nanda cầm
và chắp tay búp sen chào mọi người. Nanda ôm bát, đợi Bụt chào
xong thì trả bát lại, nhưng Bụt không lấy lại chiếc bát. Vì thế Nanda
lại mang bát đi theo Bụt về tới tu viện.
Về
tới tu viện, Bụt bảo Nanda ở lại chơi và sinh hoạt năm bảy hôm
tại đây. Vừa quý trọng và vừa tôn kính Bụt, Nanda vâng lời. Thấy nếp
sống ở đây rất thanh tịnh và thoải mái, vị hoàng tử trẻ đem
lòng mến mộ. Một hôm Bụt hỏi Nanda có muốn xuất gia theo Bụt tu
học một thời gian không. Nanda đồng ý. Bụt bảo thầy Sariputta
làm lễ xuất gia cho hoàng tử.
Việc xuất
gia của Nanda, Bụt đã có bàn trước với phụ vương. Vua cũng đồng
ý với Bụt rằng tuy Nanda đủ thông minh và rất hiền lành,
chàng vẫn chưa có đủ nhận thức độc lập và tính cương
quyết cần có của một nhà chính trị. Bụt nói với vua có thể cho
Nanda đi theo tu học và gần gũi với Bụt một thời
gian để Bụt rèn luyện cho chàng những đức tính cần thiết. Vua
đã đồng ý với Bụt.
Nanda xuất
gia được một tháng thì bắt đầu nhớ vị hôn thê của mình là tiểu thư
Yanapada Kalyani. Thầy cố che dấu nỗi buồn, nhưng Bụt đã nhìn thấy
hết. Bụt nói với thầy:
-
Người nam nhi muốn thực hiện chí nguyện lớn thì phải vượt
qua được những tình cảm tầm thường. Em phải quyết tâm học
đạo và rèn luyện bản thân thì sau này mới có cơ giúp ích
được cho đời.
Rồi
Bụt dặn đại đức Sariputta sắp đặt để thầy Nanda không
đi khất thực qua khu phố gần nhà tiểu thư Kalyanu. Khi
Nanda biết điều này, thầy vừa oán Bụt nhưng cũng vừa kính phục Bụt.
Thầy thầm bảo là ông anh mình không có cái gì là không biết. Ông ấy đã nhìn thấu
tận tâm can của mình.
Rahula
thấy chú được xuất gia ở suốt ngày với Bụt thì ham lắm. Cậu phân bì
với mẹ. Yasodhara vuốt đầu con, bảo rằng phải lớn lên ít nhất là bằng
chú Nanda thì mới được đi xuất gia. Rahula hỏi mẹ làm sao để có thể lớn
mau, Yasodhara bảo cậu phải ăn uống cho đàng hoàn và tập thể
dục mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Rahula đã được mẹ dạy gọi Bụt bằng
thầy. Bà nhớ hôm đầu tiên Rahula được thấy Bụt từ trên lầu cao, bà đã chỉ Bụt
và nói với con: “Ông thầy tu ấy là cha con đó. Con chạy xuống
chào cha con đi và bảo cha con trao gia tài lại
cho con”. Từ hôm ấy, Rahula cứ quen gọi Bụt là “ông thầy tu ơi”.
Yasodhara nghe được. Bà bật cười, gọi Rahula lại và bảo:
-
Con đừng gọi Bụt là “ông thầy tu”. Con phải gọi Bụt là “thầy ơi”.
Từ
đó, Rahula mới dùng tiếng “thầy ơi” để gọi Bụt.
Có
một hôm, tăng đoàn đi khất thực rất gần hoàng cung.
Yasodhara và Rahula đứng ở trên lầu. Bà trông thấy Bụt giữa đám các vị khất
sĩ. Rahula cũng trông thấy Người. Yasodhara nói với con:
-
Con chạy xuống với Bụt đi, và lần này nhớ xin cho được gia tài của
thầy.
Rahula
chạy xuống lầu. Cậu rất thương mẹ nhưng cũng rất quý Bụt. Ngày nào cậu cũng
được ở với mẹ suốt ngày, nhưng cậu chưa từng được ở chung với Bụt một ngày nào
cả. Cậu muốn được như chú là hoàng thái tử Nanda, hiện đang
được sống suốt ngày bên cạnh Bụt. Cậu chạy nhanh lắm, thoáng chốc đã xuống tới
sân hoàng cung. Cậu chạy ra cửa Nam và thấy Bụt. Lúc bấy giờ Bụt
đã khất thực xong là đang cùng các vị khất sĩ trong tăng
đoàn đi thành hàng chậm rãi trở về tu viện.
Rahula
chạy thẳng tới một bên Bụt. Thấy Rahula, Bụt đưa một ngón tay trái ra. Cậu nắm
lấy ngón tay ấy rồi đi theo Bụt. Cậu nói:
-
Thầy ơi, đi ở bên thầy mát lắm, và dễ chịu nữa.
Nắng
cuối xuân đã bắt đầu gay gắt. Cậu bé đi bên Bụt vừa được hưởng bóng mát của
Người vừa được hưởng tình thương của Người.
Đứng
trên lầu cao, Yasodhara thấy hết. Bà biết Rahula được Bụt cho theo về tu
viện.
Một
lát sau, Rahula hỏi:
-
Thầy ơi, gia tài của con đâu?
Bụt
đáp:
-
Về tu viện thầy sẽ trao cho con.
Trưa
ấy về tới tu viện, đại đức Sariputta chia phần ăn của mình với
Rahula. Cậu được ăn cơm im lặng bên cạnh Bụt và bên cạnh đại
đức Sariputta. Rahula lại được gặp chú Nanda để chơi đùa, nhỏng nhẻo. Bụt
bảo Rahula ngủ chung phòng với đại đức Sariputta. Thầy nào cũng cưng
quý cậu. Cậu muốn ở luôn tại tu viện. Đại đức Sariputta nói muốn
được ở luôn tu viện thì phải đi tu. Rahula nắm tay thầy Sariputta tới
xin Bụt cho phép đi tu. Bụt gật đầu. Bụt bảo thầy Sariputta cho
Rahula được xuất gia.
Đại
đức Sariputta ngạc nhiên. Thầy tưởng là Bụt nói đùa, ai dè Bụt
lại nói thật. Thầy hỏi:
- Thế
Tôn, làm sao mà cho Rahula xuất gia được?
Bụt
dạy:
-
Thì cho cháu tập sự xuất gia, thọ giới khu ô sa di, và giao cho
cháu phận sự đuổi quạ trong giờ các thầy ngồi thiền. Quạ ở đây nhiều quá,
chúng đến quấy phá các thầy trong giờ thiền tập khá nhiều.
Thầy
Sariputta xuống tóc cho Rahula và cho cậu thọ tam quy và dạy cho chú
bốn giới: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không uống
rượu. Thầy lấy bớt một chiếc ca sa của thầy, cắt ra và may lại thành
một chiếc ca sa nhỏ xíu cho Rahula mặc. Thầy dạy cho Rahula cách
khoác y và ôm bát. Khi khoác y và ôm bát vào, Rahula trông giống một
vị khất sĩ con con, ai thấy cũng thương. Rahula được lệnh ngủ chung
với thầy Sariputta, đi khất thực và học hỏi với thầy
Sariputta. Từ hôm có Rahula bên mình, thầy ít khi vào thành khất
thực. Thầy đưa Rahula đi khất thực trong những thôn lạc gần tu
viện. Theo phép người xuất gia, ai cũng chỉ được ăn mỗi ngày một bữa trước
khi giờ ngọ chấm dứt, nhưng Rahula còn nhỏ quá, sợ chú
tiểu mất sức, thầy Sariputta cho phép chú được ăn một
lần nữa vào buổi chiều. Các vị thí chủ thường mang sữa
và thức ăn để dành cho chú.
Tin
Rahula được cạo đầu mặc áo cà sa làm chú tiểu đã truyền tới
trong cung điện. Vua Suddhodana buồn lắm. Từ ngày Rahula đi với Bụt về tu
viện, ông nội, bà nội, và mẹ chú nhớ chú lắm. Họ tưởng chú đi chơi vài hôm rồi
về, ai ngờ chú lại ở trong tu viện và trở thành chú tiểu.
Ông bà nội của Rahula không có cháu để cưng, rất lấy làm buồn khổ, nhưng
Yasodhara thì buồn vui lẫn lộn. Tuy nhớ con quay quắt, nhưng mỗi khi nghĩ
đến con đang được gần gũi Bụt, bà cũng thấy ấm áp trong lòng, bảy năm nay cậu
bé đã thiếu cha.
Một
buổi chiều, vua truyền lấy xe đưa ngài đến tu viện. Hoàng hậu Gotami và bà
Yasodhara cũng được đi. Vua được Bụt ra đón tiếp. Nanda và Rahula cũng ra đón
tiếp. Rahula chạy ra đón mẹ. Thầy Sariputta gọi chú lại, bảo chú chỉ được đi
chứ không được chạy. Yasodhara ôm lấy chú tiểu vào lòng. Sau đó,
Rahula lại đi đến với ông nội và bà nội.
Vua
làm lễ Bụt và nói, giọng có vẻ trách móc:
- Thế
Tôn, trẫm đã đau xót vô cùng khi người bỏ
nhà đi xuất gia, rồi mới đây, Nanda cũng bỏ trẫm, bây giờ đến
Rahula cũng bỏ trẫm. Như vậy là quá đáng. Thế Tôn, đối với một
người tại gia như trẫm, tình cha con và ông cháu rất nặng.
Niềm đau xa cách cũng như nhát dao cắt vào da. Cắt vào da xong, dao
cắt sâu vào thịt, cắt sâu vào da thịt rồi, dao lại cắt vào xương và
vào tủy. Vậy xin Thế Tôn nghĩ lại cho. Xin Thế Tôn và
các vị đại đức từ nay đừng nhận cho người còn nhỏ tuổi xuất
gia nếu không có sự ưng ý của cha mẹ chúng.
Bụt an
ủi vua, Người thuyết pháp cho vua nghe để vua thấy được rõ thêm
sự thực về vô thường và vô ngã. Người nói đến công
phu tu tập tinh tấn hàng ngày như là cửa ngõ duy
nhất thoát ra ngoài khổ đau. Người nói Nanda và Rahula đang thực sự
sống trong chánh đạo, đó là một điều may mắn và người khuyên
vua tinh tấn trong sự tu tập đạo giải thoát. Tìm được
niềm vui chân thật trong nếp sống tỉnh thức hàng ngày.
Càng
nghe Bụt, vua tự nhiên cảm thấy nhẹ nhõm trong người, niềm tin vào chánh
pháp bắt đầu khai hoa nở nhụy, và cuối cùng vua đã vui trở lại. Bà
Gotami và Yasodhara cũng được nghe Bụt nói. Hai người cũng cảm
thấy được an ủi rất nhiều.
Nhân
có đại đức Sariputta ngồi bên, Bụt quay lại nói với thầy:
-
Từ nay trở đi, các vị khất sĩ sẽ không chấp nhận trẻ
em xuất gia nếu không có sự đồng ý của phụ huynh các
bé. Xin đại đức ghi vào quy chế như vậy.
Thấm
thoát mà Bụt và giáo đoàn đã ở lại vương quốc Sakya hơn nửa năm.
Số người đến xin xuất gia với Bụt hoặc với các vị khất
sĩ lớn đã lên tới gần năm trăm vị. Số cư sĩ tại
gia thì đông quá không thể nào đếm cho xiết. Vua Suddhodana đã dâng cúng
cho giáo đoàn một cơ sở mới để làm tu viện. Cơ sở này là cung
điện mùa Hè của thái tử Siddhatta ngày xưa, có vườn cây
rất rộng rãi và rất mát, nằm về phía Bắc kinh đô, đại
đức Sariputta sắp đặt để đưa mấy trăm vị khất sĩ về
chủ trì tu viện này. Tăng đoàn có được cơ sở vững
chắc cho sự hành đạo tại vương quốc. Bụt sẽ trở về tu
viện Trúc Lâm cho kịp mùa an cư, như Người đã hứa với vua
Bimbisara và với tăng đoàn ở đấy. Vua Suddhodana biết Bụt sắp ra đi
nên đã thỉnh Người vào cung để cúng dường và xin Người thuyết
pháp. Vua đã mời hoàng tộc và triều đình đến để nghe Bụt.
Trong
buổi thuyết pháp này, Bụt đã nói về đạo đức và chính trị.
Người nói đạo đức có thể soi sáng cho chính trị và người
làm chính trị có thể nương theo đạo đức để thực hiện công
bằng và hạnh phúc trong xã hội. Người nói:
-
Nếu quý vị biết tu dưỡng bản thân, mở rộng tầm hiểu
biết và lòng từ bi, thì quý vị sẽ tìm ra được một
đường lối giúp nước và trị dân có thể đem lại thái bình và hạnh
phúc mà không cần đến những phương thức bạo động. Quý vị không cần
chém giết, không cần đến những bản án tử hình, không cần đến
những biện pháp tra tấn, tù đày và tịch biên gia sản. Điều này không
phải là mộng tưởng mà là một điều có thể thực hiện được.
Khi
người làm chính trị có đủ hiểu biết và thương yêu, thì họ
có thể thấy được sự thật về những người dân đang sống
trong nghèo khổ và áp bức. Thấy được như thế, nhà chính trị
sẽ tìm cách cải thiện guồng máy cai trị, để làm giảm
bớt sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, và để loại
trừ sự lạm dụng quyền thế và sự bóc lột dân nghèo.
Thưa
quý vị, người làm chính trị phải sống đời gương mẫu. Đừng sống trong giàu
sang thái quá, bởi vì sự giàu sang là bức tường ngăn cách mình
với dân chúng. Nên sống thanh bạch, giản dị, và dùng thì giờ của
mình vào việc ích nước lợi dân, chứ đừng mãi mê trong việc hưởng thụ dục
lạc. Có như thế, người làm chính trị mới có được niềm tin của dân
chúng. Hễ mình biết thương dân thì dân sẽ thương mình, do đó, mình có
thể thực hiện được con đường chính trị nhân
ái của mình. Con đường chính trị này có thể gọi là con
đường đức trị, khác với con đường pháp trị. Đức trị thì
dùng đạo đức nhiều hơn sự trừng phạt. Pháp trị thì dùng
sự trừng phạt nhiều hơn đạo đức. Theo đạo lý tỉnh thức, hạnh
phúc chân thật có thể đạt được bằng con đường đức
trị.
Vua
Suddhodana và quần thần lắng nghe Bụt với tất cả sự chú ý. Hoàng thúc
Dronodanaja, chú của Bụt, và là thân sinh của Devadatta, nói:
- Con
đường đức trị mà Bụt nói thật là một con đường rất
đẹp, nhưng có lẽ ở đây chỉ có một mình Bụt là có đủ tư
cách và đức độ để thực hiện mà thôi. Tại sao Bụt không
ở lại Kapilavatthu, tại sao Bụt không nắm lấy giềng mối chính trị ở vương quốc
Sakya này để tạo an lạc và hạnh phúc cho muôn dân?
Vua
Suddhodana cũng nói:
-
Tuổi trẫm đã cao rồi. Nếu Bụt chịu ở lại thì trẫm sẽ thoái vị để Bụt
ngồi vào vương vị. Với đạo đức của Bụt, với uy tín và
sự thông minh của Người, trẫm tin chắc là quốc dân
sẽ hoàn toàn đứng sau lưng Bụt, và vương quốc sẽ chẳng lao lâu sẽ trở
nên giàu sang và lừng lẫy.
Bụt mỉm
cười, lặng thinh. Cuối cùng nhìn vua, Bụt nói:
-
Phụ vương, con không còn là người của một gia đình, của một dòng
họ hay của một vương quốc nữa. Bây giờ đây, gia đình của con là nhân
loại, nhà cửa của con là đất trời và địa vị của con là một ông thầy
tu sống nương vào hạt cơm bố thí của mọi người. Con
đường mà con đã chọn là con đường thức tỉnh của người hành
đạo chứ không phải là con đường quyền uy của nhà chính trị. Con nghĩ là
con sẽ phụng sự cho nhân loại được bền bĩ hơn với tư
cách của một người tu hành.
Hoàng
hậu Gotami và Yasodhara không tiện phát biểu trong một cử
tọa như cử tọa hôm nay, nhưng cả hai điều cảm
động gần rơi lệ khi nghe Bụt nói. Hai người đều thấy
Bụt nói đúng.
Bụt tiếp
tục thuyết giảng cho vua và cho mọi người nghe về năm
giới và cách tổ chức hành trì năm giới trong khung
cảnh gia đình và trong xã hội. Người nói năm giới có
thể được xem như là những nguyên tắc sống, có thể đem lại hạnh
phúc trong gia đình và hòa bình trong xã hội. Người
giảng cặn kẽ về từng giới một. Cuối cùng người nói:
-
Muốn có đoàn kết toàn dân, một niềm tin cần được tạo dựng. Những
người làm chính trị nếu thực hành được năm giới thì sẽ tạo
được niềm tin lớn trong quốc dân. Với niềm tin ấy không
có công trình gì mà không xây dựng được. Niềm
tin ấy có thể bảo đảm được hòa bình, hạnh
phúc và công bằng xã hội trong vương quốc. Nếp
sống tỉnh thức là nền tảng đạo lý mà chúng
ta đang cần đến như một đường lối và một niềm tin. Giáo
lý truyền thống Bà la môn không chứa đựng được niềm tin
và không bảo đảm được quyền bình đẳng giữa con người. Ta
hãy dùng đạo lý Tỉnh thức như một niềm tin mới.
Bụt cho
biết Người sắp lên đường trở về vương quốc Maghada, nhưng Người
sẽ còn trở lại Kapilavatthu. Vua, triều thần và hoàng
tộc rất vui khi nghe người nói như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét