Thích Nhất Hạnh
Chương 54
Thản nhiên trước cuộc thịnh suy.
Chỉ
trong vài hôm, dân chúng ở thành Savatthi đều hay tin là
Angulimala đã được chế ngự và trở thành tu sĩ, ai nấy đều thở
phào nhẹ nhõm. Nhưng điều người ta bàn tán nhiều nhất là việc Angulimala đã
xuất gia theo Bụt. Câu chuyện này được truyền ra trong xứ và còn
truyền ra những xứ khác. Uy tín của Bụt và của giáo
đoàn khất sĩ lên rất cao, ở đâu và lúc nào các vị khất
sĩ cũng được mọi người nhìn bằng con mắt kính trọng.
Uy
thế của giáo đoàn còn lên cao hơn nữa khi mọi người thấy
số người trí thức và những thanh niên từ bỏ các giáo phái khác
quy về để theo Bụt càng ngày càng đông. Câu chuyện cư sĩ Upali
thuộc giáo phái Nigantha bỏ giáo phái này để theo Bụt là
một trong những đề tài đàm luận sôi nổi nhất trong giới tôn
giáo và triết học ở Magadha và ở Kosala.
Upali
là một người cư sĩ giàu có và thông minh vào bậc nhất
ở miền Bắc nước Magadha. Ông là người thí chủ lớn nhất của giáo phái
Nigantha, mà người lãnh đạo là giáo
chủ Nataputta. Giáo phái này gồm toàn những du sĩ lõa thể,
có rất đông quần chúng tín mộ. Lúc ấy là mùa xuân, Bụt
cư trú trong vườn xoài Pavarika tại Nalanda, miền Bắc nước Magadha. Một hôm, du
sĩ lõa thể Digha Tappasi, là một cao đệ của giáo chủ Nataputta, nhân
đi khất thực ở Nalanda, đã ghé vào thăm Bụt để đàm
luận về đạo lý. Bụt hỏi thăm và được vị du sĩ này cho
biết rằng giáo phái Nigantha chỉ dùng danh từ tội
báo (dandani) mà không dùng danh từ hành nghiệp (karmani). Được
hỏi về bản chất của tội báo, Digha Tappasi cho biết là
có ba loại: thân tội, khẩu tội, và ý tội.
Được
hỏi loại nào nặng nhất và căn bản nhất, du sĩ nói:
-
Tội của thân là nặng nhất, và là căn bản nhất.
Bụt cho
biết trong đạo lý của Người, ý nghiệp là quan trọng
nhất, vì thân và khẩu đều từ ý là căn bản. Du sĩ Tappasi buộc Bụt
phải lập lại điều này ba lần để Bụt không thể chối cãi, và sau đó kiếu từ ra
về.
Gặp
lại giáo chủ Nataputta, du sĩ kể lại những chi tiết của
cuộc đàm thoại với Bụt. Nataputta cười lớn và nói:
- Sa
môn Gotama đã lầm lẫn nghiêm trọng. Tội trong tâm ý và
nơi lời nói chưa phải là tội lớn. Chính những tội do thân
thể gây nên một cách cụ thể mới là quan trọng, và có ảnh
hưởng lâu dài. Du sĩ Tappasi! Thầy đã nắm được yếu
chỉ của đạo pháp ta.
Trong
buổi đàm đạo giữa Nataputta và Tappasi còn có mặt một số người cư sĩ,
trong đó có vị trưởng giả trí thức Upali và các bạn của ông ta
(từ thành phố Balaka đến. Nghe tới đây, Upali xin tình nguyện đi thăm
Bụt để nói cho Bụt biết là Người đã sai khi cho rằng ý
nghiệp có tính cách căn bản hơn thân
nghiệp và khẩu nghiệp. Giáo chủ Nataputta rất muốn cho
Upali đi, nhưng du sĩ Tappasi e ngại. Ông sợ Upali sẽ bị Bụt chinh phục,
nhưng giáo chủ Nataputta có đức tin lớn nơi Upali. Ông nói:
- Đừng
sợ cư sĩ Upali sẽ trở thành đệ tử của sa
môn Gotama. Sa môn Gotama, trái lại có thể sẽ trở
thành đệ tử của Upali cũng chưa biết chừng.
Du
sĩ Tappasi cố ngăn nhưng không được. Upali đến thăm Bụt và cuộc đàm đạo giữa
hai người rất là sôi nổi. Đây là lần đầu tiên nhà trí thức này được
gặp Bụt. Trong bảy ví dụ liên tiếp. Bụt đã chỉ cho Upali thấy được ý
nghiệp là căn bản. Bụt biết là các du sĩ lõa hình phái Nigantha là những
người có trì giới không sát sinh và biết giữ gìn giới
thể, không dẫm đạp lên cây cỏ và các loại côn trùng. Bụt khen ngợi
điều này. Nhưng người hỏi Upali:
- Nếu
không cố ý mà dẫm đạp lên các loại côn trùng thì
có phạm tội không?
Upali trả
lời:
- Giáo
chủ Nataputta bảo rằng nếu không cố tình giết thì
không phạm tội.
Bụt
cười và nói:
-
Như vậy thì giáo chủ Natputta công nhận ý tội
là căn bản rồi; nói thân tội là căn bản sao được nữa?
Upali
nghe xong thì rất khâm phục đức độ và tuệ giác của Bụt. Ông
thưa với Bụt là ngay từ đầu Bụt đưa ra, ông đã thấy giáo chủ giáo
phái Nigantha là sai, nhưng ông vẫn cứ gạn hỏi để Bụt giảng
giải thêm nữa. Nghe đến đâu, ông càng thấy sáng và cuối cùng ông
lạy Bụt xin Bụt cho ông làm đệ tử.
Bụt
nói:
-
Upali, hãy nghĩ cho thật kỹ, Một người trí thức có tầm vóc như ông
không thể quyết định một cách vội vã được. Hãy suy nghĩ cho
thật chín chắn.
Upali
lại quý mến Bụt hơn vì câu nói vừa rồi của Bụt. Câu nói đó chứng
tỏ Bụt không ham có thêm nhiều đệ tử, dù là một đệ
tử có uy tín lớn trong giới nhân sĩ như ông. Không một
vị giáo chủ nào khi nghe Upali xin vào đạo mà lại còn bảo Upali
nên suy nghĩ cho chín chắn như vị sa môn này.
Upali nói:
- Thế
Tôn, con đã suy nghĩ chín chắn lắm rồi. Xin Bụt cho
con quay về nương tựa Bụt, nương tựa Pháp và nương tựa Tăng. Con rất
mừng đã tìm thấy nền đạo lý chân chính, con rất vui vì
đã tìm thấy Bụt.
Bụt
nói:
- Cư
sĩ Upali, lâu nay ông là một trong những người bảo trợ đắc
lực nhất cho các thầy du sĩ phái Nigantha. Vậy đừng vì theo tôi mà chấm
dứt việc cúng dường các thầy bên đó.
Upali
bạch:
- Thế
Tôn thật là cao cả. Thế Tôn thật là bao dung. Giáo
chủ phái Nigantha không được như Ngài.
Nghe
tin Upali đã theo Bụt, du sĩ Tappasi đến báo cho giáo chủ Nataputta.
Vị này không tin, cả hai tìm tới nhà Upali và được chính Upali cho
biết sự thực.
Uy
tín của Bụt và giáo đoàn khất sĩ được tăng thêm,
nền đạo lý mới đã chinh phục được lòng người trong hai nước
lớn và trong các nước kế cận. Có nhiều vị khất sĩ tỏ vẻ vui
mừng khi báo tin này lên Bụt. Bụt nói:
-
Đáng mừng hay không đáng mừng là ở chỗ các thầy có tu học tinh tấn hay
không. Chúng ta không nên vui và cũng không nên buồn theo
sự thịnh suy của thời cuộc. Chúng ta phải học thái
độ thản nhiên trước cái vui và cái buồn, trước cái suy cũng như trước
cái thịnh.
Một
buổi sáng, trong khi Bụt và các thầy khất sĩ đang chuẩn bị lên
đường đi khất thực thì có một toán quan binh xông vào tu
viện Jetavana. Họ cho biết là được lệnh đi tìm một người đàn bà
mất tích. Các thầy ai cũng ngạc nhiên, không biết tại sao đi tìm một người
đàn bà mất tích mà lại tới tu viện khất sĩ vào một buổi sớm mai như
thế. Đại đức Bhaddiya hỏi người bị mất tích là ai. Quan
nhân bảo là nữ du sĩ Sundari. Sundari là một tiểu ni xinh đẹp của
một giáo phái lớn có cơ sở ở Savatthi. Mấy tháng nay cô thường
hay đến tu viện để nghe thuyết pháp. Nói là để học
hỏi thêm về các tông giáo khác. Các thầy bảo với vị quan nhân đó
là hiện cô không có ở đây. Nhưng các vị quan binh khẳng định là đã được
lệnh khám xét kỹ lưỡng. Sau một hồi tìm kiếm, họ phát hiện được thi
thể của tiểu ni Sundari đã chôn cất sơ sài trong đất tu viện, không
xa tịnh thất của Bụt là mấy.
Không
ai hiểu được tại sao cô Sundari chết và tại sao thi hài của cô lại bị chôn ở trong tu
viện. Sau khi quan binh đưa xác Sundari đi, Bụt bảo các thầy cứ đi khất
thực như thường lệ, Người bảo:
-
Quý vị hãy hết lòng an trú trong chánh niệm.
Ngày
hôm đó, giáo phái của tiểu ni Sundari tổ chức rước thi hài cô đi
ngang qua nhiều đường phố để tụng niệm. Thỉnh thoảng họ dừng lại
để khóc kể. Quần chúng thấy thế xúm lại gần. Họ phân bua:
- Mọi
người thấy không? Xác của tiểu ni Sundari đó! Họ chôn cô ấy trong đất
của tu viện Jetavana! Bà con nghĩ có chán
ngán không? Họ tự xưng là con cháu dòng họ Sakya, là những người
tu theo phạm hạnh; họ nói từ bi hỷ xả, thế mà họ hãm hiếp người
ta đến chết rồi chôn dấu người ta đi cho mất tích! Mọi người nghĩ sao?
Dân
chúng ở Savatthi rất hoang mang. Ngay trong số những người đã được trực tiếp
biết Bụt và các vị khất sĩ mà cũng có người cảm thấy niềm
tin bị lung lay. Những người có niềm tin vững chắc nơi Bụt và các
vị khất sĩ thì nghĩ rằng đây là một vụ vu khống. Tuy
nhiên họ cũng đau khổ không kém. Các giáo phái chống
đối Bụt nhân cơ hội này ráo riết tuyên truyền để triệt
hạ uy tín của giáo đoàn khất sĩ. Đi đến đâu cũng nghe người
ta bàn tán về vụ này. Các vị khất sĩ tới đâu cũng bị chất
vấn ráo riết. Họ cố giữ thái độ trầm tĩnh và an
trú trong chánh niệm như Bụt đã căn dặn, nhưng đối với các vị khất
sĩ mới tu và còn non yếu, việc đương đầu với quần chúng trong
vụ điều tiếng này là một điều cực kỳ khó khăn. Họ cảm thấy rất
khó chịu và tủi hổ. Nhiều khi họ không muốn đi vào thành phố
để khất thực nữa.
Bụt
biết được tâm trạng của các vị khất sĩ này. Một buổi chiều
tại giảng đường, Người nói:
-
Này các vị khất sĩ, những chuyện vu khống như thế này có thể xảy ra
bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào. Quý vị đừng cảm thấy khó chịu
hoặc tủi hổ. Quý vị chỉ nên cảm thấy tủi hổ khi mình không
sống đời sống phạm hạnh cho xứng đáng mà thôi. Nếu giới
luật được nghiêm trì, nếu đời sống phạm hạnh không có tỳ
vết, thì không việc gì các thầy phải tủi hổ. Dư luận phát
sinh, dư luận tồn tại rồi dư luận sẽ tiêu diệt.
Ngày mai đi khất thực mà có người hỏi, quý vị cứ thẳng
thắn trả lời: “Người nào gây nhân thì tức người ấy sẽ nhận quả”. Và chỉ
cần nói từng ấy thôi là đủ.
Nghe
Bụt nói thế, các thầy cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Trong
khi đó nữ cư sĩ Visakha rất khổ đau. Bà có đức tin trọn
vẹn nơi Bụt và nơi giáo đoàn. Bà biết đây là một vụ vu khống để bôi
nhọ uy tín Bụt và giáo đoàn khất sĩ. Ngay từ hôm nghe
được tin này, bà lập tức đi tìm cư sĩ Sudatta. Hai
người đàm luận rất lâu, và cuối cùng họ đồng ý là
phải cho người đi bí mật dò thám để tìm ra hung thủ
thực sự của vụ bôi nhọ. Cư sĩ Sudatta đề nghị phải có người giả
trang đi thám thính ngay cả trong nội bộ giáo phái du sĩ của
tiểu ni Sundari. Hai người đến thăm thái tử Jeta để nhờ thái
tử giúp một tay trong việc này.
Chỉ trong
vòng bảy hôm, thám tử đã tìm ra được thủ phạm giết người. Sau
khi nhận tiền thù lao, hai tên giết người này đã chia nhau số tiền được thưởng.
Trong cơn say họ đã cãi vã với nhau và tiết lộ những
điều bí mật. Quan lính đã được phái tới bắt họ. Các thủ phạm
đã thú nhận tất cả tội lỗi và kể tên những vị lãnh đạo tôn
giáo đã thuê họ giết cô Sundari và chôn dấu thi thể cô
gần tịnh thất của Bụt.
Vua
Pasenadi tới tu viện Jetavan thăm Bụt sau khi được báo
cáo về tin này. Vua tỏ ý mừng cho Bụt và cho giáo
đoàn vừa thoát được một tai họa. Bụt cho vua biết là hận
thù và ganh ghét có thể làm cho con người mù quáng, và
xin vua giảm tội cho các phạm nhân. Người nói những vụ như thế này có
thể xảy ra trong tương lai nếu con người không vượt thắng
được hận thù và ganh ghét.
Chỉ trong
vòng hai hôm sau là tất cả dân chúng trong thủ đô biết được sự
thật về âm mưu bôi nhọ Bụt và giáo đoàn khất sĩ. Dân
chúng thủ đô bắt đầu nhìn các vị khất sĩ trở lại bằng con
mắt thán phục và nhiều kính nể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét