Thích Nhất Hạnh
Phần 8
Giới luật.
Chương 45
Cánh cửa phương tiện.
Một
buổi sáng, khi đi ra hồ lấy nưóc, đại đức Ananda gặp lệnh bà Gotami
và khoảng năm mươi người phụ nữ đứng phía bên ngoài tịnh
xá của Bụt, người nào cũng đã xuống tóc, khoác y vàng, và bàn chân người
nào cũng sưng vù và chảy máu. Ban đầu, thầy tưởng đó là một nhóm khất
sĩ, nhưng nhìn kỹ lại thầy mới biết là không phải. Ngạc
nhiên đến cực độ, thầy tới hỏi bà Gotami:
-
Ôi, lệnh bà đi đâu mà mới sáng tinh sương đã thấy đứng ở đây, bàn chân tại sao
sưng trầy và chảy máu? và còn các công nương nữa ...
Bà
Gotami nói:
- Đại
đức Ananda, chúng tôi đã xuống tóc, đã bỏ hết đồ trang sức,
đã từ bỏ hết mọi tiện nghi vật chất trong cuộc
đời. Chúng tôi đã đi bộ từ Kapilavatthu tới đây, đã hơn mười lăm hôm
nay và đã xin ăn dọc đường. Chúng tôi muốn chứng
tỏ rằng chúng tôi cũng có khả năng sống đời sống của
người tu sĩ. Đại đức Ananda, xin đại đức bạch giùm với
Bụt cách nào để chị em chúng tôi được chấp nhận vào thọ
giới xuất gia.
Ananda
nói:
-
Lệnh bà và các công nương hãy cứ đứng chờ đây. Tôi sẽ vào thưa ngay
với Bụt. Tôi hứa sẽ làm hết sức của tôi.
Đại
đức vào trong tịnh xá khi Bụt mới thay áo xong. Đại đức Nagita
hiện là thị giả của Người cũng có mặt trong tịnh thất. Thầy bạch
với Bụt những điều mà thầy vừa trông thấy và nghe thấy. Bụt im lặng. Một
hồi sau, thầy hỏi Bụt:
- Thế
Tôn, người nữ xuất gia và tu hành theo chính
pháp thì có thể chứng ngộ được những quả
vị như Nhập Lưu, Nhất Hoàn, Bất Hoàn hay A La
Hán không?
Bụt
nói:
-
Được chứ.
- Vậy
thì tại sao Bụt không cho người nữ xuất gia? Thế Tôn, lệnh bà Gotami
là người đã chăm sóc và nuôi nấng Bụt ngay từ khi Bụt mới sinh ra,
và thương yêu Bụt không khác gì một người mẹ đẻ. Lệnh bà đã xuống
tóc, đã bỏ hết mọi trang sức, đã đi chân đất từ thành Kapilavatthu về
tới đây. Lệnh bà muốn chứng tỏ rằng những gì đàn ông làm được thì
người đàn bà cũng có thể làm được. Xin Bụt từ bi cho lệnh bà được xuất
gia trong giáo pháp của Người.
Bụt
lặng thinh, một lát sau, Người bảo thầy Nagita đi tìm các đại đức Sariputta,
Moggallana, Anuruddha, Bhaddiya, Kimbala, và Mahakassapa và mời họ đến để Người
hội ý.
Bụt
và các vị đệ tử phụ tá hội ý khá lâu. Bụt nói Bụt không kỳ
thị người nữ, nhưng Người chưa nghĩ ra được cách thức chấp nhận những
nữ vào trong giáo đoàn mà không tạo ra những trở ngại trong nội bộ
cũng như từ bên ngoài. Sau một hồi trao đổi ý kiến, đại
đức Sariputta nói:
-
Lệnh bà Gotami lâu nay là một người có quyền hành và ảnh hưởng rất
lớn trong hoàng tộc cũng như ngoài xã hội, theo
như lời đại đức Bhaddhiya đã nói. Nếu giáo đoàn ta không có
một pháp chế quy định sự phân biệt nam
nữ và quyền hạn cho rõ rệt thì sau này có thể có những rắc
rối xảy ra. Ta cần có một pháp chế như thế. Pháp
chế này đồng thời cũng là để giảm
thiểu những phản ứng bên ngoài của một xã hội đã từ ngàn
đời luôn trọng nam khinh nữ. Tôi đề nghị một pháp chế tám điểm
như sau:
Thứ
nhất, một vị nữ khất sĩ -bhikkhuni- phải luôn luôn tôn trọng, cung
kính chào hỏi một vị nam khất sĩ -bhikkhu- dù vị nữ khất
sĩ này tuổi đời lớn hơn và tuổi tu cũng lớn hơn vị nam khất sĩ.
Thứ
hai, các vị nữ khất sĩ phải tìm về an cư mỗi năm ở
những trung tâm nào có đoàn thể nam khất sĩ để nương tựa
và học hỏi.
Thứ
ba, cứ mỗi tháng hai kỳ, giới nữ khất sĩ phải cử người đi thỉnh chúng
tăng nam khất sĩ chỉ định ngày bố tát uposatha và cử chư
tăng đến thăm viếng ni chúng để giáo huấn và khích lệ
việc tu học của nữ khất sĩ.
Thứ
tư, vào ngày kết thúc mùa an cư, vị nữ khất sĩ phải
dự lễ tự tứ và cầu chỉ giáo về sự tu học của mình, không
những ở trung tâm nữ khất sĩ của mình mà còn ở trung
tâm của vị nam khất sĩ nữa.
Thứ
năm, có những giới luật riêng cho nữ khất sĩ, nếu khi phạm giới, vị
nữ khất sĩ phải sám hối trước cả hai chúng tăng sư (nam) và
ni sư (nữ).
Thứ
sáu, những nữ tu sĩ, sau thời gian tập sự xuất gia, phải cầu xuất
gia thọ đại giới trước cả hai chúng tăng và ni.
Thứ
bảy, một vị nữ khất sĩ không được nói hành và chỉ
trích một vị nam khất sĩ.
Thứ
tám, vị nữ khất sĩ không được phép giảng dạy cho đoàn thể các vị
nam khất sĩ.
Đại
đức Moggallana cười:
Tám
điều này rõ rệt là có kỳ thị người nữ rồi, sao lại nói là không kỳ thị?
Đại
đức Sariputta đáp:
-
Tám điều này được đưa ra với mục đích chính là mở được cửa cho
giới phụ nữ đi vào giáo đoàn. Mục đích của nó không
phải là kỳ thị, mà là chấm dứt sự kỳ thị. Điều cốt yếu ở đây chính là
dùng pháp chế như một phương tiện cứu cánh để người phụ nữ có thể
được xuất gia trong xã hội phân biệt nam nữ hiện nay.
Đại
đức Moggallana mỉm cười gật đầu, tỏ vẻ thông cảm sâu
xa với bạn. Đại đức Bhaddhiya góp ý:
-
Tôi thấy pháp chế “Bát kính” rất cần thiết. Lệnh bà Gotami là
một người có quyền hành lớn, lại là mẹ của đức Thế Tôn. Nếu
không có pháp chế “Bát kính” thì bà sẽ không thấy được ranh
giới quyền hạn của bà, và sẽ không có ai có khả năng điều phục bà
ngoài Bụt.
Bụt
bảo Ananda:
-
Ananda, thầy hãy ra bảo cho lệnh bà Maha Pajapati biết tin này. Thầy nói rằng
nếu lệnh bà chấp nhận tám điều gọi là “Bát Kính Pháp” vừa nói thì
lệnh bà sẽ được phép xuất gia.
Lúc
Ananda ra thì mặt trời đã lên tới đỉnh đầu, nhưng bà Gotami và các
vị công nương vẫn còn đứng chờ ngoài ngõ. Sau khi nghe nội dung “Bát
Kính Pháp”, bà Gotami nói:
- Đại
đức Ananda, xin đại đức bạch với đức Thế Tôn rằng, khi
một cô gái xinh đẹp và trẻ trung mới tắm và gội đầu bằng nước
thơm, mà sẵn có người ta đem tới cho vành hoa kết bằng hoa sen hoặc
bằng hoa hồng thơm ngát, thì cô gái sẽ sung sướng đưa hai
tay đón nhận và để trên đầu mình; cũng như thế, tôi rất sung
sướng chấp nhận pháp chế “tám sự cung kính” và hành
trì theo suốt đời, nếu tôi được phép xuất gia.
Đại
đức Ananda hoan hỷ vào báo tin này với Bụt. Trong số các
vị công nương đi theo, có người nhìn đức bà Gotami có ý như dò
hỏi. Bà mỉm cười nói:
-
Các con đừng e ngại, điều quan trọng nhất là chúng ta được xuất
gia làm nữ khất sĩ. Những điều trong “Bát Kính Pháp” không phải là
những trở ngại cho sự tu học hay sự hà khắc phân biệt với chúng
ta, mà chính là cửa ngõ để chúng ta được công nhận đi vào giáo đoàn
khất sĩ.
Năm
mươi mốt người nữ được làm lễ xuất gia ngay trong ngày hôm
đó. Đại đức Sariputta sắp đặt để các vị này có ngay
một trung tâm tạm cư. Nữ cư sĩ Ambapali vui
lòng để cho các vị nữ khất sĩ được sử dụng vườn xoài
của bà làm chốn tu học. Đại đức Sariputta cũng được Bụt ủy
thác việc giảng dạy các vị nữ khất sĩ những phép tắc hành
trì sơ đẳng của đời sống xuất gia.
Sau
đó tám hôm, nữ khất sĩ Maha Pajapati tới xin tham vấn Bụt,
bà thưa:
- Thế
Tôn, xin Người từ bi dạy cho tôi vắn tắt cách hành
trì để tôi có thể tiến mau trên đường giải thoát.
Bụt
nói:
-
Nữ khất sĩ Maha Pajapati! Điều quan trọng nhất là phải nắm lấy tâm ý của
mình. Phải học phương pháp theo dõi hơi thở và quán
niệm về bốn lãnh vực: thân thể, cảm thọ, tâm ý và đối
tượng tâm ý. Quán niệm như thế nào để càng ngày càng thấy phát triển
nơi mình các đức khiêm nhường, thanh thản, buông bỏ, thanh
bần và an lạc. Khi những phẩm chất ấy của tâm ý được phát triển, mình
có thể an tâm là mình đang đi trên con đường chánh
pháp, con đường tỉnh thức và giác ngộ.
Nữ khất
sĩ Gotami rất hoan hỷ, bà từ giã Bụt và trở về với các vị
nữ khất sĩ đồng tu. Bà dự tính sẽ thiết
lập một trung tâm tu học cho ni chúng ngay tại
Vesali này để có thể được gần gũi và học hỏi với Bụt và với các
vị đệ tử lớn của Người, ít nhất là trong thời
gian Bụt còn lưu trú tại đây. Bà lại có ý nguyện trở
về Kapilavatthu để mở một trung tâm tu học cho ni chúng ngay
tại quê hương mình. Ngay hôm đó, bà nhờ người về báo tin
mừng cho công nương Yasodhara tại Kapilavatthu. Bà biết rằng
tin nữ giới được chấp thuận vào giáo đoàn khất
sĩ sẽ như một tiếng sét và sẽ có rất nhiều phản ứng trong xã
hội. Người ta sẽ phản đối, lên án và công kích Bụt cùng giáo
đoàn.
Bụt
và giáo đoàn sẽ gặp những khó khăn không thể nào lường trước được.
Nghĩ đến đó, bà thấy một niềm biết ơn tràn ngập tâm
tưởng bà. Bà thấy rõ pháp chế “Bát Kính” không phải là những
điều kỳ thị nữ giới mà lại là những phương tiện bảo
vệ cho giáo đoàn và che chở cho nữ giới xuất gia. Bà tin
rằng trong tương lai, khi sự kiện nữ giới gia nhập giáo đoàn đã
được chấp nhận rộng rãi rồi thì pháp chế “Bát Kính” sẽ không
còn cần thiết nữa. Từ hôm có ni chúng, giáo đoàn của
Bụt bắt đầu được gọi là một giáo đoàn bốn chúng: chúng nam khất
sĩ, (bikkhu), chúng nữ khất sĩ (bikkhuni), giới nam cư
sĩ (upasaka) và giới nữ cư sĩ (upasika).
Ni
trưởng Maha Pajapati đã suy nghĩ kỹ về cách phục
sức của giới nữ khất sĩ. Bà đã trình với Bụt ý kiến của
mình và đã được Bụt chấp thuận. Các vị nam khất sĩ thường chỉ
vận ba thứ: một tấm antaravasaka, gọi là an đà hội là quần dưới; một tấm
uttarasanga, gọi là uất đa la tăng, là áo mặc bên trên; và một tấm
sanghati, gọi là tăng già lê, là chiếc áo khoác bên ngoài. Các vị
nữ khất sĩ, ngoài ba tấm ấy, còn được phép vận thêm hai tấm khác: một là
samkaksika, dùng để thắt ngang hông và hai là kusulaka, dùng như một chiếc váy.
Ngoài
y và bát, các vị khất sĩ và nữ khất sĩ có thêm một cái quạt
để che đầu khi trời nắng, một chiếc lọc nước uống, một cây kim và một ít chỉ để
khâu vá lại quần áo, một cái tăm xỉa răng, và một chiếc dao cạo để cạo tóc và
râu, mỗi tháng hai lần.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét