12 thg 2, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần 7 - Chương 43)

Thích Nhất Hạnh

Chương 43

Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn.

Tuy quốc vương Pasenadi chưa chính thức quy y với Bụt, nhưng cuộc viếng thăm của ông tại tu viện Jetavana đã được mọi giới chức trong vương quốc bàn tán đến và đã đem lại ảnh hưởng không nhỏ cho giáo đoàn của Bụt tại kinh đô Savatthi. Một số các vị lãnh tụ của các giáo phái khác tại thủ đô, lâu nay đã từng được quốc vương kính nể và bảo trợ, bắt đầu có mặc cảm là bị bỏ rơi. Họ nhìn tu viện Jetavana với con mắt không có thiện cảm.

Tuy nhiên giới trí thức và những người trẻ tuổi tìm tới tu viện Jetavana càng lúc càng đông. Ngay trong mùa an cư, trên một trăm năm mươi thanh niên đã xin được xuất gia và đã được thầy Sariputta cho làm lễ xuống tóc. Đại chúng tu học rất tinh tấn trong ba tháng an cư này, và cứ bảy hôm hay tám hôm một lần, tại tu viện luôn tổ chức buổi thuyết pháp. Thấy quốc vương Pasenadi chuyên cần đi cúng dường và nghe thuyết pháp, một số quan chức trong triều cũng làm theo vua. Một số đã làm như thế từ tấm lòng thành ngưỡng mộ bậc thầy giác ngộ, còn một số khác thì làm như thế để cho vua hài lòng.

Mùa an cư được kết thúc bằng một lễ cúng dường lớn. Vua và triều thần đã nghe theo lời Bụt, tổ chức một pháp hội, cúng dường thực phẩm và y dược cho mọi giới xuất gia, và chẩn tế cho những gia đình nghèo khổ nhất ở thủ đô trong và ngoài vương quốc. Sau khi lễ thí hoàn mãn, vua và hoàng hậu đều xin quy y với Bụt.

Sau mùa an cư, Bụt và giáo đoàn chia nhau đi hoằng hóa tại các vùng lân cận ở thủ đô Savatthi. Số người được tiếp xúc với Bụt và với giáo đoàn càng ngày càng đông. Một hôm nọ, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô nằm bên tả ngạn sông Hằng, Bụt gặp một người gánh phân. Người này thuộc về giai cấp hạ tiện. Anh tên là Sunita. Sunita đã từng nghe nói về Bụt và giáo đoàn khất sĩ, nhưng đây là lần đầu tiên anh được trông thấy Người và giáo đoàn. Sunita lúng túng. Anh biết mình đang ăn mặc dơ dáy, thân thể hôi hám và trên vai anh đang gánh một gánh phân người, và anh rất sợ đối diện với những người giai cấp cao hơn mình, nhất là những người tu sĩ. Sunita vội vã nhường đường, tìm lối đi xuống bờ sông để tránh Bụt, nhưng từ xa Bụt đã trông thấy Sunita. Người quyết tâm độ người gánh phân này.

Thấy Sunita hớt hãi tìm lối đi xuống bờ sông, Người cũng tìm lối đi xuống bờ sông để đón đường chàng. Thấy Bụt làm như thế, thầy Sariputta cũng bỏ hàng ngũ của mình đi theo Bụt. Thầy Meghiuya, thị giả của Bụt thấy thế cũng bước theo đại đức Sariputta. Tất cả các vị khất sĩ khác tuy vẫn còn đứng ở trên bờ đê, nhưng đều nhất loạt dừng lại im lặng quan sát. Sunita luống cuống không biết làm thế nào. Chàng đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường thì các vị khất sĩ áo cà sa vàng đang đứng đầy cả đường, phía dưới này thì Bụt và hai vị khất sĩ đang tiến tới phía mình. Sunita kinh hãi, chàng chẳng biết làm sao, liền lội xuống nước, đứng chắp hai tay vái lạy. 

Lúc bấy giờ, từ các dãy nhà bên sông, dân chúng nhìn thấy cảnh tượng này đã đổ ra đứng nhìn khá nhiều. Từ già trẻ trai gái, không ai biết chuyện đang xảy ra, Sunita vì sợ làm ô uế giáo đoàn đã tìm cách tránh, phải lội xuống bờ sông, nhưng chàng đã bị Bụt chặn đường. Chàng nghĩ giáo đoàn này gồm các giới quý phái và làm ô uế giáo đoàn là một tội rất lớn không thể nào tha thứ được, chàng có thể mất mạng. Tuy chàng đã lội xuống sông, nước ngập tới đầu gối, nhưng gánh phân của chàng vẫn còn để phía trên bờ nước. Chàng hy vọng Bụt và hai vị khất sĩ vì thế mà quay trở về lại phía bờ đê.

Nhưng Bụt không trở lên, người đi tới bờ nước, gần chỗ Sunita đứng, người nói với chàng:

- Này anh bạn, anh lên trên này để chúng tôi nói chuyện.

Sunita rung rẩy chắp hai tay vái lia lịa:

- Bạch quý thượng tôn, con không dám! Bạch quý thượng tôn, con không dám!

- Tại sao? Bụt dịu dàng hỏi.

- Con là người thuộc giai cấp hạ tiện, con sợ làm ô uế Ngài và giáo đoàn của Ngài. Con không thể sống sót mà trở về nhà.

Bụt ôn tồn:

- Chúng tôi đã đi tu theo đạo tỉnh thức, chúng tôi không còn phân biệt giai cấp. Bạn cũng là con người như tất cả chúng tôi. Chúng tôi không sợ bị ô uế. Chỉ có tham dục, sân hận, và si mê mới làm ô uế được chúng ta, chứ một con người dễ thương như bạn thì chỉ cho chúng tôi thêm niềm vui mà thôi.

Bạn tên là gì?

- Bạch Ngài, con tên là Sunita.

- Sunita, bạn có muốn xuất gia làm khất sĩ như chúng tôi không?

- Dạ thưa, con không dám.

- Tại sao bạn không dám?

- Tại vì con thuộc giới hạ tiện ngoại cấp.

- Tôi đã nói rồi, người đi tu theo đạo tỉnh thức không bao giờ phân biệt giai cấp. Sunita! Trong đạo lý tỉnh thức và trong giáo đoàn khất sĩ đây, không có sự phân biệt giai cấp. Bạn hãy nghe đây. Nước trong các dòng sông như sông Ganga, sông Yamuno, sông Actravati, sông Sarabhu, sông Mahi, sông Rohini v.v... một khi đã chảy ra biển cả, thì đều trở thành biển cả, khi ấy không còn giữ lại cá tính và danh hiệu riêng biệt của mình. Cũng như vậy, người đi xuất gia dù xuất thân từ giới quyền quý Khattiya hoặc giới Bà la môn Brahma, hoặc các giới Vessa và Suddha, hoặc không thuộc giai cấp nào, khi đã vào trong giáo đoàn để tu học theo đạo lý tỉnh thức, thì đều phải từ bỏ giai cấp và chủng tộc của mình để trở thành một người khất sĩ. Sunita, nếu bạn muốn, bạn có thể trở thành một vị khất sĩ như chúng tôi.

Sunita nghe Bụt nói hân hoan vô cùng, chàng chắp hai tay trên trán, thưa:

- Lạy Bụt, chưa có ai nói với con một lời dễ thương như là Người đã nói. Ngày hôm nay là ngày hạnh phúc nhất của đời con. Con sẽ rất sung sướng nếu Bụt cho con được vào hàng ngũ những người xuất gia trong đạo lý của Người. Nếu Bụt chấp nhận con, con sẽ đem hết lòng thành để theo Người!

Bụt trao bình bát cho thầy Meghiya. Người bước đến và đưa tay cho Sunita bảo chàng nắm lấy. Rồi Người bảo thầy Sariputta:

- Sariputta! Thầy giúp tôi một tay. Chúng ta tắm gội sạch sẽ cho Sunita và cho Sunita xuất gia ngay tại đây, trên con sông này.

Đại đức Sariputta mỉm cười. Thầy đặt bình bát của thầy trên bờ sông và bước xuống giúp Bụt. Sunita không cảm thấy thoải mái lắm khi được Bụt và thầy Sariputta kỳ cọ và tắm rửa, nhưng chàng không dám làm phật lòng hai người. Bụt bảo thầy thị giả lên tìm đại đức Ananda để xin một chiếc y khoác ngoài, và Người làm lễ xuất gia cho Sunita ngay tại đây. Sau lễ xuất gia, Sunita được đại đức Sariputta quản giáo. Đại đức đưa vị khất sĩ mới về tu viện Jetavana, trong khi Bụt và giáo đoàn tiếp tục trên con đường khất thực.

Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy, dân chúng địa phương đều đã được chứng kiến. Tin đồn Bụt thâu nhận Sunita, một người làm nghề hốt phân, một người thuộc giai cấp hạ tiện nhất vào trong giáo đoàn khất sĩ bắt đầu được loan truyền các giới ở thủ đô, nhất là giới tôn giáo, và đã gây xúc động lớn. Chưa bao giờ ở tại vương quốc Kosala này, mà một người ngoại cấp như Sunita lại được đón nhận và đưa vào hàng ngũ của những nhà lãnh đạo tinh thần. Có những người lên án Bụt, cho rằng sa môn Gotama bất chấp truyền thống và phá bỏ tập tục xã hội. Có người đi xa hơn, cho là Bụt có ý gây đảo lộn trật tự xã hội với mục đích phá rối trị an trong nước.

Những bàn tán xôn xao này được vọng về tu viện Jetavana do các giới nam nữ cư sĩ cũng có, mà do các vị khất sĩ nghe được về thuật lại cũng có. Các vị đại đức lớn như Sariputta, Mahakassapa, Mahamoggallana và Anuruddha đã tìm cơ hội gặp Bụt để bàn về cách đối trị lại những phản ứng của các giới chức ở thủ đô về vụ khất sĩ Sunita. Bụt bảo các thầy:

- Quý vị nên biết rằng sớm muộn gì chúng ta cũng phải chấp nhận vào giáo đoàn những thiện nam nữ trong giới ngoại cấp, bởi vì giáo nghĩa của chúng ta là giáo nghĩa bình đẳng, không chấp nhận được sự phân chia giai cấp. Ta đã gặp khó khăn bây giờ, nhưng nếu ta vượt qua được, thì ta sẽ mở được cánh cửa chưa ai từng được mở ra trong lịch sử, và các thế hệ mai sau này nhờ vậy mà có được an vui hạnh phúc bởi không còn phân biệt giai cấp nữa. Chúng ta phải có can đảm.

Thầy Moggallana bạch:

- Can đảm thì chúng con có đủ. Chúng con cũng có đủ kiên nhẫn nữa, nhưng làm thế nào để dư luận bớt xôn xao, mọi người có thể hiểu được đạo lý, thì công trình hành đạo của các huynh đệ khất sĩ mới đỡ phần nặng nhọc.

Thầy Sariputta đề nghị:

- Điều quan trọng nhất là giáo đoàn tu học cho tinh tấn. Con sẽ nổ lực giúp đỡ và hướng dẫn cho khất sĩ Sunita. Sự thành công của Sunita sẽ là bằng chứng hùng mạnh nhất để chứng minh giáo nghĩa của chúng ta. Huynh đệ chúng ta cũng cần học cách để giảng giải cho quần chúng về giáo lý mỗi khi tiếp xúc với họ, để cho họ hiểu được chân nghĩa bình đẳng của con đường Bụt dạy. Lạy Bụt, nếu đức tôn quý trên đời có cách thức gì hay hơn nữa thì xin Người chỉ dạy chúng con.

Bụt để tay lên vai Sariputta:

- Những điều thầy nói đó rất đúng với ý của tôi. Chúng ta cứ như thế mà hành trì.

Chừng một tháng sau, sự đồn đãi về Sunita tới được tai quốc vương Pasenadi. Một số các vị lãnh đạo các giáo phái tại thủ đô đã đến xin yết kiến vua. Vua vốn sẵn có lòng thành kính đối với các bậc lãnh tụ tôn giáo, ông đã tiếp kiến họ và sau khi nghe mọi người nói chuyện về vụ việc, vua cũng cảm thấy hoang mang, dù rằng vua có sự ngưỡng mộ và tôn kính với Bụt. Vua hẹn với các vị lãnh đạo tôn giáo ấy là sẽ suy xét về vấn đề này.

Sau một thời gian, một hôm vua bảo xa giá đưa ngài tới tu viện Kỳ Viên. Xe ngừng trước cổng tu viện, vua một mình đi bộ vào. Bóng các vị khất sĩ áo vàng thấp thoáng sau những hàng cây xanh mát trong khuôn viên tu viện. Đã quen thuộc với con đường nhỏ dẫn tới tịnh thất của Bụt, vua cứ một mình đi, không cần hỏi thăm. Thỉnh thoảng trên đường đi, vua gặp một vị khất sĩ. Mỗi lần như thế, vua đều đứng lại chắp tay và cúi đầu. Vị khất sĩ nào cũng đứng lại chắp tay đáp lễ. Vua nhận thấy vị nào cũng có dáng điệu trầm lặng, tự tại, không vội vã, và vua bỗng nhiên cảm thấy đức tin của vua nơi Bụt lớn mạnh bội phần. Đi được nửa đường vào tịnh thất, vua gặp một vị khất sĩ đang thuyết pháp trên một phiến đá, vây quanh vị khất sĩ này có chừng mười mấy vị khất sĩ khác và khoảng độ ba bốn mươi người cư sĩ áo trắng.

Cảnh tượng rất đẹp. Phiến đá nằm dưới gốc cây thông lớn xòe lá che mát cả một vùng. Vị khất sĩ đang ngồi thuyết pháp kia tuổi chưa tới bốn mươi nhưng phong thái của ông trang nghiêm và sáng tỏa. Những người ngồi và đứng quanh ông đang hết sức chăm chú nghe ông nói. Vua dừng lại để nghe và cảm thấy thích thú. Định ngồi xuống để nghe cho hết bài thuyết pháp nhưng vua chợt nhớ ra rằng mình đã tới đây với một chủ đích, cho nên ngài phải bước đi. Vua nghĩ bụng là trong chuyến về ngài sẽ ghé lại để cùng đàm đạo với vị khất sĩ ấy.

Bụt ra đón vua ngoài ngõ trúc phía trước tịnh xá và mời vua vào, Bụt mời vua ngồi, cũng vẫn trên những chiếc ghế tre như hôm hai người gặp nhau lần đầu. Sau khi trao đổi những lời thăm hỏi, vua hỏi Bụt vị khất sĩ đang thuyết pháp trên phiến đá dưới gốc thông già là ai. Bụt mỉm cười, nói:

- Đó là thầy Sunita, thầy ấy cũng mới xuất gia gần đây, thầy có xuất thân từ giới ngoại cấp, trước đây làm nghề gánh phân. Đại vương thấy vị khất sĩ ấy như thế nào?

Vua giật mình, thì ra vị khất sĩ có tướng mạo trang nghiêm và trong sáng kia vốn là Sunita, người đổ thùng. Nếu Bụt không nói, thì vua không thể nào đoán ra được. Vua còn chưa biết nói gì thì Bụt đã nói:

- Vị khất sĩ Sunita từ ngày xuất gia đến nay đã tu học rất tinh tấn. Đó là một con người thẳng thắn, thành thật, thông minh và có chí nguyện lớn. Dù mới được tu học chưa đầy ba tháng, nhưng thầy ấy đã nổi tiếng là người có đạo hạnh và phong thái thanh cao. Đại vương có muốn gặp gỡ và nói chuyện với vị khất sĩ rất xứng đáng ấy hay không?

Vua thành thật đáp:

- Trẫm rất sẵn lòng muốn gặp gỡ trò chuyện và cúng dường y áo thức ăn cho vị khất sĩ Sunita. Thế Tôn! Giáo pháp của Ngài thật là thâm diệu! Trẫm chưa thấy một vị đạo sư nào có cái nhìn và tầm tay mở rộng như Ngài. Thế Tôn! Có lẽ không một người nào, một loài nào hay một vật nào mà không được dự vào giáo pháp thâm diệu của Ngài. Trẫm đã đến đây với một mục đích là hỏi Ngài tại sao lại chấp nhận một người trong giai cấp hạ tiện vào trong giáo đoàn cao quý của Người, nhưng trẫm đã được thấy, được nghe, và đã được hiểu. Trẫm không phải hỏi Ngài nữa. Trẫm xin cúi lạy trước Thế Tôn!

Vua đứng dậy chắp tay định lạy xuống, Bụt cũng đứng dậy. Người kéo tay vua mời vua ngồi trở lại trên chõng tre. Người cũng ngồi lại trên chõng tre. Nhìn vua, Bụt nói:

- Đại vương! Trong đạo lý giải thoát, không có sự phân biệt giai cấp chúng tính. Trước con mắt người giác ngộ, tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người. Ta phải tìm cách để mọi người có cơ hội sống tốt đẹp đồng nhau và vươn tới và thực hiện hoài bão của mình cũng như hoàn thành nhân phẩm của mình, dầu là người được sinh ra ở địa vị nào cũng đều đồng đẳng, vì vậy cho nên tôi đã đón nhận Sunita vào giáo đoàn khất sĩ.

Vua chắp tay:

- Trẫm đã hiểu, con đường của Thế Tôn đi là một con đường có nhiều chông gai. Trẫm biết là trên con đường ấy Người và giáo đoàn sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng trẫm luôn tin tưởng là người có đủ dũng mãnh để vượt qua những trở ngại đó. Riêng trẫm, trẫm sẽ làm hết sức mình để yểm trợ cho chánh pháp.

Vua từ giã Bụt, nhưng khi ra đến tảng đá nằm dưới cội tùng già, vua không thấy vị khất sĩ và thính chúng nữa. Mọi người đã nghe pháp xong và giải tán, vua chỉ gặp trên đường những vị khất sĩ đang chậm rãi đi thiền hành.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***