Thích Nhất Hạnh
Chương 51
Kho tàng của cái thấy.
Sau mùa
an cư, Bụt lên đường, hướng về Savatthi. Svastika và Rahula được
phép tùy tùng Người. Đây là lần đầu tiên Svastika được đến tu
viện Jetavana. Tu viện rất đẹp và đầy đủ mọi tiện
nghi cho sự tu học. Khung cảnh đã tươi mát mà không khí lại đầm ấm.
Thấy Svastika, thầy nào cũng mỉm cười. Ai cũng biết là do vị khất
sĩ trẻ này mà Bụt đã nói pháp Chăn trâu. Svastika nhận thấy rằng,
trong một hoàn cảnh thuận tiện cho sự tu học như thế
này chắc chắn chú sẽ đạt được nhiều tiến bộ. Chú hiểu
tại sao Tăng cũng quan trọng như Bụt và Pháp. Tăng là đoàn thể của
những người cùng đi trên con đường tỉnh thức, và ta phải tìm về nương
tựa Tăng để được nâng đỡ và hướng dẫn. Cũng như ta đã tìm về nương
tựa Bụt và Pháp.
Năm
nay, vị sa di Rahula được hai mươi tuổi. Chú được đại đức Sariputta
làm lễ thọ giới khất sĩ. Cả tu viện đều vui mừng. Đại
đức đã dạy chú thật chu đáo nhiều ngày trước khi chú thọ giới.
Svastika cũng được hân hạnh tham dự nghe những lời giáo
huấn này.
Sau
khi Rahula được thọ giới khất sĩ. Bụt đã để thì giờ đặc biệt dạy
cho chú về cách công phu thiền quán, Svastika cũng được dự
thính các buổi dạy. Bụt dạy Rahula quán chiếu về sáu giác
quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, với sáu đối tượng của giác quan là hình
sắc, âm thanh, mùi hương, vị giác, xúc chạm và ý niệm, và về sáu
thức là cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm và ý thức.
Người dạy Rahula quán chiếu về tự tính vô thường của
mười tám hiện tượng đó mà Người gọi là thập bát giới. Mười
tám hiện tượng gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức.
Căn tức là cơ quan cảm giác, trần là đối tượng của các cơ
quan đó, và thức là những nhận thức phát sinh ra từ sự xúc chạm
giữa căn và trần. Phép quán này gọi là giới phân biệt quán. Bụt
dạy quán chiếu căn, trần và thức để thấy tất cả các hiện
tượng này đều nương vào nhau mà có mặt, để thấy được tự tính vô
thường và duyên sinh của chúng. Một khi đã thấy như thế thì đại chúng chứng
đắc được tính cách vô ngã và thoát
ly được sinh tử. Bụt dạy thầy khất sĩ trẻ Rahula thật kỹ
lưỡng về đạo lý vô ngã. Bụt nói:
-
Này Rahula, trong năm uẩn là thân thể, cảm thọ, tri
giác, tâm hành và nhận thức, không có gì trường tồn bất
biến để có thể gọi là ngã. Thân thể này không phải là
ngã. Thân thể này cũng không phải là ngã sở, nghĩa là vật sỡ hữu
của ngã. Ngã không nằm trong thân thể, thân thể cũng
không nằm trong ngã.
Có
ba loại kiến chấp về ngã. Kiến chấp đầu là cho
rằng thân thể này là ngã. Hoặc cảm thọ, tri giác, tâm
hành và nhận thức này là ngã. Kiến chấp này gọi
là ngã chấp. Khi nói tới thân thể này không phải là ngã, người
ta có thể rơi vào kiến chấp thứ hai, cho rằng ngã là một cái gì riêng
biệt với thân thể, và thân thể chỉ là một vật sở
hữu của cái ngã riêng đó (thường hay được ví như là linh hồn). Kiến
chấp thứ hai này gọi là dị ngã chấp. Kiến chấp thứ ba cho
rằng trong thân thể có ngã và trong ngã có thân thể, tuy hai mà
một tuy một mà hai, cái này nằm trong cái kia. Kiến chấp này gọi là
tương tại chấp.
Rahula, quán
vô ngã là phải nhìn thật sâu vào năm uẩn để thấy năm
uẩn không phải là ngã, không phải là dị ngã, cũng không phải là tương tại.
Vượt được ba kiến chấp này rồi mới thực sự chứng
nghiệm được tự tính vô ngã của vạn pháp.
Tại tu
viện Cấp Cô Độc này có một thầy tên là Thera. Svastika nhận
xét rằng thầy này ít khi nói chuyện với ai, và đi đâu cũng đi một
mình, làm gì cũng làm một mình. Đại đức Thera không làm
phật lòng ai, cũng không phạm vào giới điều nào, nhưng thầy sống có vẻ xa
cách và không thật sự hòa đồng với đại chúng. Svastika
đã có lần tới gần thầy để gợi chuyện nhưng thầy cũng tránh
đi. Mọi người đặt tên cho thầy là “người ưa sống cô độc”. Svastika
biết rằng Bụt thường khuyến khích các thầy tránh tụ họp chuyện trò hý
luận, nhàn đàm vô ích để có thì giờ sống một
mình mà thiền quán, nhưng chú cảm thấy cách sống của
thầy Thera không thật sự là cách sống mà Bụt muốn. Một buổi
chiều, nhân cơ hội, Svastika đem chuyện này trình bày lên Bụt.
Ngày
hôm sau, trong giờ pháp thoại, Bụt thuyết giảng:
-
Này các vị khất sĩ, tôi muốn dạy cho các vị thế nào là thật sự biết
sống một mình.
Người
thật sự biết sống một mình là người biết an
trú trong chánh niệm. Người ấy ý thức được những gì đang
xảy ra trong cơ thể, trong cảm giác, trong hành động, trong tâm ý và nơi
những đối tượng của tâm ý. Người ấy biết quán chiếu sự sống trong giờ
phút hiện tại, không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương
lai, vì quá khứ thì đã qua mà tương lai thì chưa tới. Sự sống chỉ có
mặt trong giờ phút hiện tại. Nếu ta không tỉnh thức để sống trong giờ
phút hiện tại, ta sẽ đánh mất sự sống.
Này
các vị, thế nào là tìm về quá khứ? Tìm về quá khứ ở đây có nghĩa là
tự đánh mất chính mình trong quá khứ, trôi dạt về quá khứ trên
những đợt sóng tư duy: trong quá khứ hình thể ta từng như thế
đó, cảm thọ ta từng như thế đó, địa vị ta từng như thế
đó, hạnh phúc ta từng như thế đó, hạnh phúc ta từng như thế
đó... Phát khởi lên những tư duy như thế và bị ràng
buộc vào những gì thuộc về quá khứ, đó là tìm về quá khứ.
Này
các vị, thế nào là tưởng tới tương lai? Tưởng tới tương lai ở đây có nghĩa là
tự đánh mất chính mình ở tương lai, trôi dạt tới tương lai, trên những đợt sóng tư
duy, lo sợ hoặc mơ tưởng: trong tương lai, hình thể ta sẽ được hay sẽ bị như
thế đó, cảm thọ ta sẽ được hay bị như thế đó, hạnh phúc ta
sẽ được hay sẽ bị như thế đó, khổ đau ta sẽ bị như thế đó, sự nghiệp địa vị ta
sẽ được hay sẽ bị như thế đó ... Phát khởi lên những tư
duy như thế và bị ràng buộc bởi những ước mơ hoặc lo
sợ về tương lai ... đó là tưởng tới tương lai.
Này
các vị, trở về giây phút hiện tại là để tiếp
xúc đúng với thực tại của sự sống và để quán chiếu sự
sống. Nếu không tiếp xúc đúng với thực tại thì không
thể quán chiếu. Chánh niệm giúp ta trở về hiện
tại, tiếp xúc với hiện tại và quán chiếu sự sống
trong hiện tại. Trở về hiện tại không có nghĩa là tự đánh
mất mình trong những đam mê hoặc sầu khổ về hiện tại.
Nếu bị ràng buộc bởi những đam mê và sầu khổ về
những gì đang xảy ra trong hiện tại thì sự sống cũng không có mặt. Sự
sống không có mặt vì chánh niệm không có mặt.
Này
các vị khất sĩ, người biết sống một mình là người biết sống
trong chánh niệm và an trú vào phút giây hiện tại, dù người ấy đang
ngồi giữa đám đông. Còn nếu người ấy ngồi một mình trong rừng sâu mà không có chánh
niệm, tâm luôn bị lôi kéo vào quá khứ và tương lai thì người ấy
vẫn không phải là người biết sống một mình.
Bụt quay
sang mỉm cười cảm ơn đại đức Thera và bảo thầy lui xuống. Người
không trực tiếp khen hay chê thầy, mà chỉ dùng bài giảng để truyền đạt ý của
Người đến đại đức và các đại chúng. Nhưng chắc chắn là lần
này đại đức thật sự hiểu được ý Bụt.
Trong
buổi thuyết pháp hôm đó, Svastika nghe các thầy lớn nói rằng những lời dạy của
Bụt hôm đó rất là quan trọng, mọi người cần phải ghi
nhớ. Đại đức Ananda trùng tuyên một lần nữa những điều Bụt
nói cho mọi người nghe một cách trôi chảy và thông
suốt. Svastika lấy làm lạ. Hình như thầy Ananda nhớ hết những lời Bụt nói không
sót một lời nào. Cách nói, lời nói, và cú pháp giống
hệt như khi Bụt nói.
Sáng
hôm sau, trong khi đi khất thực, Bụt gặp một nhóm trẻ con đang tụ
họp với nhau chơi đùa. Các em này đang hành
hạ những con cua nhỏ mà chúng bắt được dưới ruộng. Một đứa trong bọn chúng
lấy ngón tay trỏ đè lên lưng con cua, và nó bẻ một càng của con cua. Bọn trẻ
reo hò vang dậy. Đứa kia thích chí, bẻ gãy một cái càng cua khác. Bọn
trẻ lại vỗ tay hò reo. Chúng chơi như vậy cho đến khi tất cả hai càng
và tám chân của con cua đều bị bẻ gãy hết. Sau đó chúng liệng con cua
xuống ruộng và đi bắt một con khác để chơi.
Thấy
Bụt và các vị khất sĩ đi tới, bọn chúng ngửng đầu lên rồi lại cúi xuống chơi
trò hành hạ mấy con cua. Chúng tàn ác với sinh vật mà chúng không
biết là mình đang làm những hành động tàn ác đó. Bụt bảo bọn trẻ ngừng tay.
Người nói:
-
Này các con, nếu các con bị ai đó bắt trói, chặt chân hay bẻ gãy tay thì các
con có đau không?
-
Bạch thầy, có. Bọn trẻ trả lời.
-
Con cua bị các con bẻ gãy càng và gãy chân, nó cũng đau đớn như thế
đó. Các con có biết không?
Bọn
trẻ nín bặt.
Bụt
nói tiếp:
-
Con cua cũng biết ăn uống, con cua cũng biết đau, biết sợ chết, con cua
cũng có cha, mẹ, anh và chị của nó như là các con vậy. Các con hành hạ con cua đau
đớn như thế thì hành động đó cũng phát sinh đau khổ cho các con sau này. Các
con hãy suy nghĩ đi.
Bọn
trẻ tỏ vẻ hối hận. Lúc bấy giờ thấy Bụt và các thầy xúm quanh một bọn trẻ,
những người qua lại gần đấy cũng ghé lại xem. Nhân cơ hội này Bụt dạy cả trẻ em
lẫn người lớn về lòng từ bi. Người nói:
- Chúng
ta phải làm sao để cho tất cả mọi loài đều cảm thấy có an
ổn và có niềm vui trong cuộc sống. Chúng ta phải bảo
vệ sự sống cho nhau và đem niềm vui cho nhau. Tất cả mọi loài, dù lớn, dù
nhỏ, dù đi bằng hai chân hay đi bằng nhiều chân, dù bò trên mặt đất hay bay
trên hư không hoặc bơi lội trong nước cũng đều có quyền được sống. Chúng
ta không nên vì ích kỷ bản thân mà tàn sát muôn loài, hoặc nuôi hận
thù để sát hại kẻ khác. Chúng ta nên che chở cho nhau.
Này
các con, cũng như một bà mẹ đem thân mạng mình che chở cho đứa
con yêu quý duy nhất của mình, mỗi người trong chúng
ta phải mở lòng ra để đón nhận và che chở cho tất cả muôn
loài có sinh mệnh. Lòng thương yêu của chúng ta phải bao trùm
tất cả những sinh vật đang có mặt trên, dưới, trong, ngoài và chung quanh ta.
Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, trái tim ta phải mang theo tình yêu
thương đó.
Dạy
xong, Bụt bảo bọn trẻ cùng đem thả những con cua còn lại xuống ruộng, rồi Người
cùng các vị khất sĩ tiếp tục con đường đi khất thực.
Svastika
biết Bụt rất chú tâm đến việc hướng dẫn trẻ em nên chú bàn với chú
Rahula tổ chức những buổi tập hợp thiếu nhi tại tu
viện Jetavana để các em có dịp được học hỏi với Bụt. Với
sự cộng tác của những người cư sĩ trẻ thường hay đến tu
viện nghe pháp, nhất là với bốn người con của cư sĩ Sudatta.
Svastika và Rahula thường quy tụ các em thiếu nhi trong vùng về tu
viện mỗi tháng một lần. Cư sĩ Sudatta có bốn người con: Subhada
chị, Subhada em, Sumana và Kala. Kala là con trai duy
nhất của cư sĩ. Ban đầu Kala không có vẻ hăng
hái lắm, nhưng vì mến Svastika nên cậu cũng từ từ tự thân vào việc tu
học. Công chúa Vajiri, con quốc vương Pasenadi
cũng yểm trợ đắc lực cho việc giáo dục thiếu
nhi này. Một buổi chiều rằm, công chúa rủ bọn trẻ đem hoa lên
tận tịnh xá dâng Bụt. Mỗi em cầm trong tay những cành hoa hái được
trong vườn nhà của mình.
Có
em đã hái được cả những cành hoa dại trên đường đến tu
viện. Công chúa Vajiri ôm theo một bó sen đã hái được ngay trong hồ
sen vườn Thượng Uyển. Khi lên tới tịnh xá thì công chúa và
bọn trẻ được biết Bụt đã ra giảng đường. Đã đến giờ Người thuyết pháp. Bài
pháp thoại hôm nay được nói chung cho cả hai giới xuất
gia và tại gia. Các em thiếu nhi rủ nhau cùng lên giảng
đường. Thấy nhóm thiếu nhi tới, các thầy và các vị cư sĩ
đều nhường lối cho các em đi vào. Bụt đã ngồi trên pháp tòa. Tất cả các
em thiếu nhi được công chúa Vajiri hướng dẫn lên dâng những
bông hoa của mình hái được đặt trên chiếc bàn nhỏ đặt trước mặt Bụt
rồi cúi đầu xá Bụt. Bụt mỉm cười đáp lễ các em và bảo tất cả tìm
chỗ ngồi phía trước đại chúng.
Buổi pháp
thoại hôm đó thật là đặc biệt. Đợi các thiếu nhi ngồi
xuống yên ổn. Bụt mới đứng dậy. Người cầm lấy một bông sen đưa
lên trước mặt đại chúng, không nói năng gì. Tất cả đại
chúng đều im lặng. Không ai hiểu Bụt muốn nói gì bằng cử
chỉ ấy. Một lát sau, Bụt đưa mắt quan sát đại
chúng rồi mỉm cười. Người lên tiếng:
-
Tôi có con mắt của chánh pháp, kho tàng của thực tại mầu nhiệm và tôi
đã trao lại cho Mahakassapa.
Mọi
người đổ dồn hai mắt về đại đức Kassapa. Nụ cười chưa tắt trên
môi đại đức. Mắt thầy vẫn nhìn lên Bụt. Mọi người lại nhìn lên
Bụt. Bụt đang nhìn bông hoa và mỉm cười.
Svastika
không hiểu gì hết và nghĩ rằng có nhiều người cũng ngẩn ngơ như chú.
Chú biết điều quan trọng nhất trong lúc này là giữ chánh
niệm và chú bắt đầu theo dõi hơi thở theo phương
pháp đã được học với Bụt.
Chú
thấy bông hoa Bụt cầm trên tay là một bông sen trắng đang vào lúc hé nở. Bàn
tay Bụt cầm đóa sen trong một dáng điệu thanh tao và trang
trọng, ngón tay cái và ngón tay trỏ kẹp cuống hoa vào giữa, và cuống hoa nằm
xuôi ép theo lòng bàn tay. Chính bàn tay Bụt cũng xinh đẹp như một
bông hoa, và đóa sen trắng phía trên, tinh khiết và mầu nhiệm,
cũng có vẻ như là một bàn tay khác của Người. Svastika cảm nhận được cái
đẹp tinh khiết và trang trọng mà không cần suy tư tìm
hiểu. Bất giác chú cũng mỉm miệng cười.
Bỗng
Bụt cất tiếng nói. Tiếng của Ngài trong và ấm:
- Đại
chúng, bông hoa này là một cái thấy mầu nhiệm. Khi tôi cầm nó đưa lên
trước đại chúng, tất cả chúng ta đều có cơ hội tiếp
xúc với bông hoa. Cơ hội ấy là một cơ hội đồng đều. Tiếp
xúc được với bông hoa là tiếp xúc được với thực
tại mầu nhiệm, tiếp xúc với sự sống, tiếp xúc được với bản nhiên
của vạn pháp.
Mahakassapa
đã mỉm cười trước tiên vì ngài đã tiếp xúc được với
bông hoa trước tiên. Trong đại chúng đây, có những vị
không tiếp xúc được với bông hoa, đó là vì trong tâm của
quý vị còn có những chướng ngại.
Chắc
hẳn có những vị đang đặt câu hỏi: vì cớ gì mà sa môn Gotama
hôm nay đưa cành hoa lên? Vì tâm các vị ấy đang bận rộn với những ý nghĩ
lóe lên trong đầu, cho nên các vị ấy không tiếp xúc được với bông
hoa. Đại chúng mãi lo chú tâm vào hành động của sự vật hiện tượng, đắm chìm
trong suy tư của bản ngã là một trong những nguyên do khiến ta
không tiếp xúc được với thực tại.
Trong
trường hợp đang bị lo lắng, phiền muộn, si mê, tham đắm, giận hờn
hay ghen ghét chế ngự, ta cũng mất đi cơ hội tiếp
xúc với thực tại nhiệm mầu.
Đại
chúng! Bông hoa trong tay tôi có thể chỉ thật sự có mặt đối với những ai
biết an trú trong chánh niệm, có mặt nơi phút giây hiện tại
này. Nếu quý vị không trở về an trú trong giờ phút hiện
tại thì bông hoa ấy có mặt cũng như không.
Có
những người đi ngang qua rừng cây trầm hương mà tri giác không nhận
biết được một cây trầm hương. Có những người đi qua sự sống mà
không tiếp xúc được với sự sống. Đại chúng! Sự sống chứa đựng nhiều
khổ đau mà sự sống cũng đong đầy những sự mầu nhiệm. Quý vị phải tinh
cần và tỉnh thức để tiếp xúc với những khổ đau và
những mầu nhiệm ấy của sự sống.
Nhưng tiếp
xúc với khổ đau không có nghĩa là tự đánh mất mình trong khổ đau
và tiếp xúc với mầu nhiệm không có nghĩa là tự đánh mất
mình trong mầu nhiệm. Tiếp xúc là để nhận biết thực
sự chứng nghiệm sự sống và quán chiếu sự sống, ta sẽ thấy
được tự tính duyên khởi và vô thường của sự sống, do
đó ta sẽ không đánh mất ta trong tham đắm, trong giận hờn và trong mê
muội. Ta sẽ thường xuyên an trú trong tự do và giải
thoát.
Svastika
rất sung sướng. Chú hiểu được lời Bụt dạy. Chú hài lòng lắm
khi nhớ ra rằng chú đã mỉm cười khi tay Bụt còn cầm bông hoa đưa
lên. Đại đức Mahakassapa mỉm cười trước vì đại
đức là một đệ tử lớn của Bụt, đứng về hàng thầy của chú. Chú làm
sao tự so sánh mình với đại đức, cũng như với các vị cao đệ khác
của Bụt như các thầy Sariputta, Moggallana, Assaji v.v... Năm nay chú chỉ mới
hai mươi bốn tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét