Thích Nhất Hạnh
Chương 10
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Từ
lâu, quốc vương Suddhodana tỏ ý muốn thái tử thân cận hơn với ngài,
để có cơ hội thực tập về chính sự. Siddhatta được tham dự
những buổi họp quốc sự, có khi thì họp riêng với phụ vương, khi thì bàn
luận chung với quần thần. Chàng để hết tâm ý vào các vấn đề chính
trị, kinh tế và quân sự được đưa ra, và chàng nhận ra rằng căn
bản của các vấn đề này nằm ở nhận thức và tư
dục của người làm chính sự. Khi mà tâm con người đã bị chi phối ràng buộc
bởi ý thức về lợi ích cá nhân, gia
đình và dòng họ... thì mọi quyết định về chính sách quốc
gia không còn khách quan nữa, và như vậy chính sách ấy không còn thực sự nhắm
vào việc lợi nước lợi dân.
Siddhatta
ngồi nghe và đoán biết được tâm lý của những vị quan chức cộng
sự với phụ vương chàng. Chàng thấy được những tư dục của họ, có
khi chàng còn thấy được cái mặt trái giả tạo đạo đức của họ
và đồng thời cũng thấy một niềm tức giận nảy sinh và tràn dâng trong
lòng, nhưng Siddhatta biết mình phải kềm chế niềm tức giận
ấy. Chàng biết mình có thể nói cho ra lẽ giữa triều đình những điều không
mấy tốt đẹp nhưng chàng đã im lặng không nói, bởi chàng chưa
có phương pháp gì đối trị với họ. Nói ra chỉ là để gây đổ vỡ mà
thôi, và như vậy lại tạo thêm những khó khăn cho phụ vương chàng.
-
Tại sao con không góp ý kiến với triều thần mà chỉ ngồi im
lặng thế? Vua Suddhodana hỏi chàng, sau một buổi chầu trong đó các quan chức
đã bàn luận rất lâu về chính sự.
Siddhatta
nhìn cha:
-
Không phải là con không ý kiến, nhưng những ý kiến của con, nếu
nói ra, cũng không có ích lợi gì, vì chúng chỉ có thể nêu ra chứng
bệnh mà chưa phải là phương thuốc trị bệnh. Con thấy mình chưa có đủ khả
năng để thay đổi tâm trạng của các quan. Tư dục của họ còn nặng
nề lắm và con biết con chưa có thể làm việc được với họ. Phụ vương nghĩ xem.
Quan phụ chính đại thần Vessamitta là một người có quyền
lực rất lớn trong triều. Phụ vương biết rằng ông ta không liêm
khiết và nhiều khi ông ta lấn cả quyền của phụ vương. Ấy vậy
mà phụ vương vẫn phải trọng dụng ông ta. Tại sao? Tại phụ vương
biết nếu không dùng ông ta thì triều đình có thể rối loạn.
Vua
Suddhodana nhìn con, im lặng một hồi lâu. Rồi ông nói:
-
Nhưng con cũng biết là để cho yên nước yên nhà, nhiều khi ta phải chịu
đựng. Ta biết quyền lực ta có giới hạn, nhưng nếu con tập làm
chính sự, sau này con sẽ giỏi hơn ta và con sẽ có đủ tài năng để
thanh lọc lại hàng ngũ trong triều mà không gây ra những xáo trộn cho
xứ sở.
Siddhatta
đưa tay lên trán. Chàng thở dài:
-
Con không tin rằng tài năng là yếu tố căn bản. Con nghĩ
rằng vấn đề căn bản là giải phóng được tâm mình. Con biết
là chính con, con cũng bị khuynh đảo bởi những tình cảm như buồn
giận, ganh ghét, sợ hãi và những ham muốn dung thường.
Những
cuộc đàm luận ngắn ngủi như thế giữa hai cha con càng ngày
càng làm cho vua lo lắng. Ngài thấy Siddhatta có những nhận
thức rất sâu sắc nhưng cũng là một người ưa đòi hỏi cái tuyệt đối.
Vua thấy được sự khác biệt giữa mình và thái tử. Tuy vậy, trong lo
lắng, ông vẫn cố nuôi hy vọng. Vua hy vọng rằng nếu
Siddhatta tiếp xúc lâu ngày với mọi người và với công việc, một
ngày nào đó có thể thái tử sẽ chấp nhận được sự tương
đối trong cuộc đời.
Trong
lúc ấy, Siddhatta không bao giờ ngưng học hỏi. Ngoài công việc học tập
chính sự và giúp đỡ Yasodhara, chàng tìm cách tiếp xúc với các
vị Bà la môn và sa môn nổi tiếng trong xứ để học
hỏi thêm. Chàng biết rằng học đạo không phải chỉ là học
những tư tưởng uyên thâm chứa đựng trong các thánh thư, mà còn
là học phép thiền định để đạt tới sự giải phóng tâm thức ra
khỏi mọi ràng buộc. Chàng rất ưa đi tìm những vị sa môn ẩn
cư để học hỏi và thực tập, và chàng đem tất cả những gì đã
được học về thực tập ngay trong cung điện. Thỉnh
thoảng Siddhatta cũng đem những điều mình đã học và đang thực
tập ra để chia xẻ với Yasodhara. Chàng hay nói với
nàng:
-
Này Gopa, có lẽ em nên thực tập thiền định để tâm em sau này được
an bình và em mới có thể làm việc xã hội được lâu dài.
Gopa
là tên gọi yêu của Yasodhara, chàng hay gọi nàng bằng tên này một cách âu
yếm.
Yasodhara vâng
lời chàng. Tuy bận rộn công việc, nàng vẫn thường xuyên chịu khó thiền
tập. Có khi hai người ngồi chung trong im lặng. Tất cả các người hầu cận
đều phải rút lui vào trong, những đoàn ca vũ được hai người chuyển đi
làm việc ở những nơi khác.
Từ
hồi thơ ấu, Siddhatta đã từng được nghe về bốn giai đoạn trong
đời sống của một vị Bà la môn. Tuổi trẻ, người con trai Bà
la môn phải học kinh Vệ Đà. Đó là giai đoạn đầu. Giai đoạn thứ nhì, khi
trưởng thành, là giai đoạn lập gia đình, nuôi dưỡng con cái
và phục vụ xã hội. Giai đoạn thứ ba, khi con cái đã lớn khôn, thì có
thể rút lui làm ẩn sĩ, và trong giai đoạn thứ tư, là buông
bỏ mọi ràng buộc với cuộc đời, để sống đời
sống xuất thế. Siddhatta nghĩ rằng bốn giai đoạn ấy của cuộc
đời đã được chia ra một cách quá rạch ròi. Đợi đến già mới chú trọng
vào tu đạo thì sẽ trễ mất. Chàng không thể chờ đợi được.
-
Tại sao ta không thể sống bốn cách ngay trong một giai đoạn? Tại sao không tập
sống đời xuất thế ngay khi ta còn có gia đình?
Nghĩ
vậy, Siddhatta có ý bắt đầu học đạo và hành
đạo ngay trong đời sống hiện tại. Tuy nhiên, chàng
không thể không nghĩ tới những đạo sĩ nổi
danh đang hành đạo ở phương xa, mãi tận Savathi hay Rajagaha.
Chàng tin rằng nếu được du phương học đạo với những bậc
thầy nổi danh chàng sẽ có thể đạt đạo mau chóng. Các bạn và
ngay các vị sa môn ẩn cư mà chàng đi thăm đều có nhắc đến tên
những sa môn nổi tiếng như Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Ai
cũng ước mong được tiếp xúc và học hỏi với các vị
này. Càng ngày Siddhatta càng thấy niềm mong ước của mình trở nên cháy
bỏng.
Một
buổi chiều Yasodhara đi làm việc về mặt buồn rười rượi. Nàng đăm chiêu
không nói. Em bé bị thương hàn mà nàng chăm sóc từ hơn một tuần nay
vừa mới chết. Mấy hôm nay nàng đã làm đủ mọi cách mà không cứu em thoát khỏi
tay tử thần. Buồn quá, nàng ngồi thiền định. Nàng không ngăn
được cảm xúc, Siddhatta vừa dự một buổi họp triều chính về.
Trông thấy chàng, Yasodhara òa lên khóc, Siddhatta ôm nàng trong hai tay và hỏi
han cớ sự. Chàng tìm cách an ủi nàng:
-
Gopa, ngày mai ta sẽ đi với em để dự đám tang của em ấy. Em cứ khóc đi cho nhẹ
bớt nỗi khổ trong lòng. Sinh, già, bệnh, chết là những gánh nặng đè
lên vai của tất cả mọi người, những gì xảy đến cho em bé đều có thể xảy ra
cho chúng ta, bất cứ lúc nào.
Yasodhara thổn
thức:
-
Càng ngày em càng thấy điều điện hạ nói là đúng. Khổ đau thì vô
cùng mà hai bàn tay thì nhỏ bé. Lòng em cũng đầy sự bất an. Anh ơi,
chỉ cho em cách nào để em đối trị được những khổ đau và lo
lắng trong lòng đi anh.
Siddhatta
ôm Yasodhara chặt trong hai tay chàng:
-
Em à, chính anh cũng đang đi tìm con đường để đối trị những
khổ đau và lo lắng trong lòng. Anh đã nhìn thấy thực trạng
của xã hội và con người, nhưng anh chưa thấy được nẻo thoát dù đã
bỏ công học hỏi và tìm kiếm. Tuy nhiên anh tin rằng
một ngày nào đó mình sẽ tìm ra được con đường cho tất
cả chúng ta, Gopa, em hãy có lòng tin nơi anh.
-
Em bao giờ cũng có lòng tin nơi anh. Em biết một khi đã quyết
định một điều gì thì anh sẽ đi đến cùng để thực hiện cho kỳ được
điều ấy. Em biết một ngày nào đó anh sẽ bỏ hết phú quý giàu sang và
ngai vàng để ra đi tìm đạo, nhưng anh ơi, xin anh đừng bỏ em trong giai đoạn
này. Em rất cần anh.
Siddhatta
nâng cằm Yasodhara lên, nhìn vào mắt nàng:
-
Không, không, anh không bỏ em bây giờ đâu. Chừng nào, chừng
nào ...
Yasodhara bịt
miệng Siddhatta lại:
-
Siddhatta, anh đừng nói gì vội. Em muốn hỏi anh điều này: nếu anh có một đứa
con với em, thì anh muốn đó là con trai hay là con gái?
Siddhatta
giật mình, chàng nhìn Yasodhara chăm chú:
-
Em nói sao, Gopa? Có phải em đã, em đã ...
Yasodhara gật
đầu, nàng chỉ vào bụng và nói:
-
Em rất hạnh phúc vì em đang được mang trong mình hoa trái của tình
yêu chúng ta. Em muốn nó sẽ là con trai, và có khuôn mặt giống
anh, thông minh như anh, và hiền đức như anh.
Siddhatta
đưa hai vòng tay ôm lấy Yasodhara vào lòng. Trong nỗi vui mừng lớn
lao, chàng chợt nhận ra những hạt giống của sự lo
lắng. Tuy nhiên chàng tươi cười nói với Yasodhara:
-
Là con trai hay con gái thì anh cũng vui như nhau. Miễn
là con chúng ta sẽ vừa nhân từ vừa thông
tuệ như em. À này, Gopa, em đã báo tin này cho mẹ biết chưa?
-
Em chưa cho ai biết hết, trừ anh ra. Chiều nay em sẽ vào cung Thánh Từ báo cho
lệnh bà Gotami. Nhân tiện để em học hỏi với mẹ về cách nuôi
dưỡng thai nhi, em cũng sẽ báo tin này cho phu nhân Pamita, mẹ
của em vào ngày mai. Chắc mọi người sẽ vui mừng lắm.
Siddhatta gật
đầu. Chàng biết là khi nghe tin này, dì mẫu của chàng sẽ báo tin ngay
cho phụ vương chàng. Phụ vương sẽ rất hài lòng và sẽ tổ chức một
lễ ăn mừng lớn. Siddhatta có cảm tưởng là những sợi
dây ràng buộc chàng với cuộc đời ở cung điện càng ngày càng siết
chặt lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét