15 thg 1, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần 3 - Chương 15)

Thích Nhất Hạnh

Chương 15

Khổ hạnh lâm.

Đạo sĩ tuổi đã bảy mươi lăm. Ông được mọi người tôn sùng như một vị thánh sống. Ông muốn mọi người phải tu học theo từng giai đoạn từ thấp lên cao, và vì vậy sa môn Siddhatta phải làm lễ nhập môn và học lại từ những bài thực tập dễ dàng nhất. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, Siddhatta đã chứng minh được cho vị đạo sư mới của mình rằng định vô sở hữu xứ ông đã thành tựu được và ông mong rằng đạo sư sẽ dạy cho ông con đường có thể đi xa hơn nữa.

Trông thấy diện mạo của Siddhatta, và nghe vị sa môn trình bày kiến giải của mình, đạo sĩ Uddaka rất đỗi vui mừng. Ông thấy nơi vị sa môn trẻ này con người có thể kế sự nghiệp của ông một cách xuất sắc. Ông đổi cách tiếp đãi với Siddhatta và bắt đầu xem Siddhatta như một người tri kỷ. Ông ôn tồn chỉ dạy cho Siddhatta rất cặn kẽ:

- Này sa môn Siddhatta Gotama, trong định vô sở hữu xứ, cái không không còn là không gian, cái không cũng không còn là tâm thức nói chung, mà chỉ còn là tri giác. Tri giác tức là tưởng, mà còn tưởng tức là còn đối tượng của tưởng, còn tri giác là còn đối tượng của tri giác. Vậy thì con đường thoát của chúng ta là vượt được tri giác.

Siddhatta cung kính hỏi lại:

- Thưa thầy, nếu loại bỏ tri giác thì cái gì còn lại? Không có tri giác thì khác gì vật gỗ đá vô tri?

- Gỗ đá vô tri cũng không phải là không tri giác. Gỗ đá vô tri vẫn là tri giác. Ta phải đạt tới một trạng thái tâm lý trong đó cả hai niệm về hữu tri và vô tri đều được loại trừ. Đó là trạng thái phi tưởng phi phi tưởng xứ. Sa môn Siddhatta Gotama, ông hãy về thực hiện cho được trạng thái đó của tâm.

Siddhatta lĩnh ý. Chỉ trong một thời gian không lâu, ông đã thực hiện được định phi tưởng phi phi tưởng. Định này, theo Siddhatta, cho ta cảm thấy trạng thái đạt tới một cảnh giới của nhận thức vượt ra ngoài mọi nhận thức thông thường, an trú trong ấy ta có được sự yên bình, nhưng mỗi khi ra khỏi định, ông thấy cái nhận thức phi thường vẫn không thay đổi tình trạng của thực tại sinh tử. Định ấy chỉ là một nơi trú ẩn mà không phải là một chìa khóa mở cửa thực tại.

Khi Siddhatta trở lại với đạo sư Uddaka Ramaputta thì được ông này hết sức khen ngợi. Sau khi biết Siddhatta đã thực hiện được định phi tưởng phi phi tưởng xứ. Uddaka nắm tay Siddhatta:

- Sa môn Gotam là người hành giả thông minh nhất mà tôi đã được gặp từ trước đến giờ. Ngài đã đi những bước thật lớn, và đi rất mau lẹ. Ngài đã đạt được cái quả vị cao nhất mà tôi đã đạt. Tôi đã già rồi, và đã gần đất xa trời. Nếu ngài ở lại đây, chúng ta sẽ cùng nhau dẫn dắt đạo tràng này và mai kia khi tôi qua đời rồi ngài sẽ thay tôi lãnh đạo đồ chúng.

Cũng như lần trước, Siddhatta ngỏ lời khéo léo để từ tạ. Ông biết định phi tưởng phi phi tưởng không phải là chìa khóa mở được cánh cửa giải thoát sanh tử. Ông phải từ giã, nhưng trước khi từ giã, ông hết lòng cảm tạ vị thầy mới của mình và các vị đạo hữu mới. Ai cũng cỏ vẻ quyến luyến và tiếc rằng vị sa môn đỉnh ngộ và tài năng này không ở lại với họ.

Trong thời gian tu học tại đạo tràng Uddaka Ramaputta, Siddhatta đã làm quen với một vị sa môn trẻ tên Kondanna, người bạn này rất mến phục Siddhatta, không những xem Siddhatta là một người bạn mà còn xem Siddhatta là một bậc thầy. Trong đồ chúng, chưa ai đạt được tới định vô sở hữu xứ chứ đừng nói đạt tới phi tưởng phi phi tưởng xứ như Siddhatta. Vị sa môn tân học Siddhatta đã được thầy của Kondanna đối xử như một người tri kỷ, Kondanna biết như thế. Mỗi lần nhìn Siddhatta, Kondanna lại thấy thêm vững niềm tin. Bởi vậy nên ông đã nhiều lần tìm cách thân cận Siddhatta để học hỏi. Do đó mối tình đồng đạo giữa hai người mỗi ngày mỗi trở nên khắng khít. Bây giờ Siddhatta ra đi, Kondanna không khỏi buồn tiếc. Ngày Siddhatta lên đường, vị sa môn này đã đưa ông xuống núi. Đợi cho Siddhatta đi khuất ông mới trở lên.

Biết rằng có tham vấn thêm bao nhiêu vị đạo sư đi nữa, mình cũng không học hỏi thêm được điều gì đáng kể, sa môn Siddhatta quyết định trở về tìm kiếm chìa khóa giác ngộ ngay trong tự tâm mình.

Hướng về phía Tây, Siddhatta vượt những cánh đồng lúa, những vũng bùn lầy lội, những đầm nước đọng và những dòng suối đục ngầu. Lội qua sông Neranjara, ông đi băng qua một cánh đồng nữa thì tới ngọn núi Dungsiri, thuộc địa phận tụ lạc Uruvela. Ở đây có rất nhiều hang động. Có những vách đá cheo leo, có những rặng núi hình răng cưa, có những tảng đá thật lớn, lớn bằng những túp lều của dân nghèo trong tụ lạc. Siddhatta quyết định lưu lại đây một thời gian để tu luyện công phu, quyết tìm cho ra nẻo thoát. Ông tìm được một cái hang động khá tốt để ngồi tĩnh tọa. Ông nhớ rằng ông đã từng khuyên các nhà tu khổ hạnh đừng hành hạ xác thân họ, vì hành hạ xác thân như thế chỉ gây thêm khổ đau, trong khi cuộc đời đã có nhiều đau khổ rồi. Nhưng hôm nay, ông muốn tự mình xét lại điều ấy một cách kỹ lưỡng hơn. Ngồi trong hang đá, ông tự bảo:

- Với một miếng gỗ mềm và ướt thì ta không thể nào cọ xát làm cho lửa phát sinh được. Thân thể ta cũng vậy, nếu thân thể ta còn bị vật dục khống chế thì tâm ta khó có thể đạt tới giải thoát. Ta hãy tìm cách chế ngự thân thể ta xem sao.

Sa môn Gotama, bắt đầu thực hành những phương pháp chế ngự thân thể. Có những hôm, ông tìm tới những nơi thật thanh vắng trong rừng sâu, những nơi mà chỉ nghĩ đến thôi cũng khiến người ta rợn óc, tóc gáy dựng lên, để ông ngồi thiền suốt đêm. Thỉnh thoảng nỗi sợ ập đến và xâm chiếm thân tâm ông, toát cả mồ hôi lạnh, nhưng ông vẫn cố ngồi yên, không hề nhúc nhích.

Có những khi trong đêm tối đen, một con thú bước soạt tới gần. Cái sợ của ông nói với ông rằng đó là một con quỷ dạ xoa hiện đến đoạt mạng, nhưng ông vẫn gan lì ngồi yên không nhúc nhích. Có khi trong đêm đen, một con cú đạp gãy một cành cây khô. Cái sợ nói với ông rằng đó là một con trăn lớn sắp trườn xuống và chuẩn bị quấn chặt lấy ông, nhưng ông vẫn gan lì ngồi không nhúc nhích, mặc cho nỗi sợ kinh khiếp chạy rần rần trên da đầu ông như một bầy kiến lửa.

Ông tập như vậy để có thể vượt thắng sự sợ hãi. Ông nghĩ rằng, một khi xác thân vượt thoát được những sợ hãi và những cám dỗ rồi thì tâm ý cũng có thể vượt thoát được những ràng buộc của khổ đau.

Có lúc, ông ngồi ngậm miệng cứng lại, để lưỡi sát vào họng trên, dùng tâm ông để điều phục niềm thao thức bồn chồn của tâm, như hai người lực sĩ đè bẹp lẫn nhau, và người này bắt người kia phải thốt lời khuất phục. Dùng tâm mà đàn áp tâm kiểu ấy trong một hồi thì mồ hôi chảy ra ướt hết cả người. Tuy vậy, dù niệm lực có mạnh, dù ý chí đầy dẫy, dù những đau thương gây ra trên thân thể có da diết tới cách nào đi nữa thì tâm ông vẫn không đạt tới sự an tịnh.

Ông lại thực tập hành xác theo kiểu nín thở, không thở ra cũng không thở vào. Khi thực tập như thế, ông nghe tiếng gió rít mạnh như vũ bão phát ra trong đầu ông, từ hai lỗ tai đi vào, âm thanh giống như tiếng của một chiếc lò rèn đang được thụt lửa. Những luồng gió hung dữ xoáy mạnh trong đầu óc ông và đầu ông đau như có ai lấy lưỡi rìu bửa ra làm hai mảnh. Cơn đau đầu có khi như bị ai lấy một cái niềng sắt niềng lại. Bụng ông đau như một con bò bị người đồ tể lách lưỡi dao nhọn quanh sườn. Thân thể ông đau như bị người ta túm lấy và đem nướng trên một lò than đang cháy rực. 

Những lúc thực tập để chế ngự thân thể như thế, dù ý chí và năng lượng đầy dẫy, dù niệm lực hùng hậu, dù xác thân ông có đau đớn cực độ, tâm ông cũng không nhờ vậy mà được an ổn hơn. Sa môn Gotama thực tập khổ hạnh như vậy suốt gần bốn năm. Trong ba năm đầu chỉ có một mình ông thực tập khổ hạnh trên núi. Đến năm thứ tư, có năm vị sa môn đệ tử của đạo sư Kondanna là người lãnh đạo nhóm này. Gặp lại Kondanna, Siddhatta rất vui. Kondanna cho biết là một năm sau khi Siddhatta từ giã, chính Kondanna cũng đã thực hiện được định phi tưởng phi phi tưởng xứ và nghĩ rằng mình sẽ không học được gì thêm từ đạo sĩ Uddaka. Nghĩ vậy, ông đã rủ bốn người bạn thân đi tìm Siddhatta. Sau hơn hai năm trời tìm kiếm, họ đã may mắn tìm ra Siddhatta. Họ ngõ ý muốn ở lại tu học với ông dưới sự dẫn dắt của ông bởi vì họ tin tưởng nơi ông. Siddhatta đành phải chấp nhận. Ông giải thích cho họ biết tại sao ông đang thí nghiệm con đường điều phục thân xác. Nghe xong, cả năm người cũng quyết thực tập theo.

Bốn vị sa môn đi theo Kondanna cũng đều là những vị sa môn còn trẻ. Họ tên là Vappa, Bhaddiya, Assaji và Mahanama. Mỗi người tìm một cái hang đá để ở; hang của họ không xa nhau mấy. Mỗi ngày chỉ một người đi khất thực thôi, và phần ăn của một người được chia ra làm sáu. Thức ăn hàng ngày của mỗi người rất ít, và có thể để gọn trong bàn tay trái khẳng khiu của một người.

Ngày tháng qua đi. Thân thể cả sáu người đều hao gầy đi rất nhiều. Có những lúc Siddhatta thực tập khống chế cơ thể đến mức năm người bạn tu phải khiếp đảm. Họ thấy trong bất cứ pháp môn tu tập nào họ cũng không theo kịp Siddhatta. Những tháng gần đây, Siddhatta bỏ luôn cả việc đi tắm dưới sông Neranjara. Ông bỏ luôn một phần thực phẩm được chia cho ông. Có ngày, ông chỉ ăn một trái cây rừng đã thối mà ông nhặt được dưới chân. Có lúc, ông chỉ ăn miếng phân nai khô trên bờ cỏ. Thân hình ông tiều tuỵ quá mức, chỉ còn da bọc xương. Bao nhiêu xương sườn của ông đều lộ rõ ra. Ông không hề cạo râu tóc. Có khi ông đưa tay lên sờ đầu và thấy tóc ông rụng xuống từng mảng như là những sợi tóc ấy không còn chỗ để đứng trong da đầu.

Cho đến một ngày, khi ngồi thiền định trong một bãi tha ma dưới chân núi, Siddhatta bừng tỉnh, thấy được rằng con đường khổ hạnh là con đường sai lầm. Nắng đã tắt và gió chiều nhè nhẹ tới mơn trớn trên làn da khô sần của ông. Đã ngồi trọn một ngày trong nắng, bây giờ Siddhatta cảm thấy làn gió thật mát dịu lạ thường, và ông thấy tâm hồn mình sảng khoái hơn nhiều lắm. Ông nhận ra rằng thân và tâm là một thực tại không thể tách rời ra được và sự an lạc của thân có liên hệ tới sự an lạc của tâm, hành hạ xác thân cũng là hành hạ tâm trí.

Ông nhớ đến thời niên thiếu, hồi ông mới lên chín tuổi, lần đầu tiên ông ngồi yên lặng dưới bóng mát cây hồng táo trong ngày lễ cày ruộng đầu năm. Cảm giác hồi ấy là một cảm giác an lạc, làm cho ông tỉnh táo và sáng suốt lạ thường. Ông cũng nhớ lại lúc ông ngồi tập thiền lần đầu tiên trong rừng ngay khi Channa người hầu cận ông vừa từ giã ông, và những ngày đầu khi tập thiền với đạo sư Alara Kalama; những buổi thiền tập ấy nuôi dưỡng thân tâm ông, tạo cho ông dạt dào nghị lực. Ông nhớ tới lời đạo sĩ Alara Kalama, ông được hướng dẫn phải buông bỏ các cảm giác hỷ lạc trong thiền định để đạt tới những trạng thái vô sắc như không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ, luôn phải tìm cách để tách rời tâm ra khỏi thế giới của thọ và tưởng, nghĩa là của cảm giác và tri giác. Ông tự bảo:

- Tại sao ta cứ phải nương theo truyền thống của kinh điển? Tại sao ta lại sợ hãi những an lạc do thiền định mang lại? Những an lạc ấy không dính líu gì tới năm loại dục lạc luôn che lấp tâm trí ta. Trái lại, những an lạc ấy có thể nuôi dưỡng hình hài và tâm hồn ta, để ta có đủ sức mạnh mà đi xa hơn trên con đường giác ngộ".

Sa môn Gotama quyết định sẽ bồi dưỡng lại sức khỏe, và sẽ sử dụng thiền duyệt thực (7) làm thức ăn cho thân tâm. Ông định ngày mai sẽ đi khất thực trở lại, và ông sẽ tự mình làm đạo sư cho mình, không muốn nương tựa vào một ai khác. Nghĩ như thế, ông ngã lưng dựa trên một mô đất, an tâm tìm giấc ngủ. Lúc ấy trăng tròn vừa lên. Trời trong mát không một gợn mây và dòng ngân hà hiện ra rất rõ.

Ông thức dậy sáng hôm sau, khi chim chóc đã bắt đầu ca hát. Sa môn Gotama đứng dậy, và nhớ lại những ý định chiều qua. Ông nhìn lại thân mình. Thân thể dính đầy bụi đất, vì đã lâu ông không hề tắm gội. Chiếc áo cà sa của ông đã rách nát không đủ che thân. Ông chợt nhớ ngày hôm qua, khi tới nghĩa địa để ngồi thiền, ông có thấy thi thể một người chết được quàng tại đó, và trên thi thể ấy người ta đã phủ lên một tấm vải lớn màu gạch non. Ông đưa mắt nhìn. Cái xác vẫn còn đó và tấm vải màu gạch vẫn còn đó. Có thể là hôm nay hoặc ngày mai người ta sẽ đưa xác này ra bờ sông để làm lễ hỏa táng và tấm vải không cần thiết nữa. Sa môn Gotama quyết định tới xin tấm vải ấy dùng làm chiếc cà sa mới. Ông bước tới. Đứng yên mật niệm, quán tưởng về sanh tử, rồi ông đưa tay nhẹ rút tấm vải lên. Thi hài của một cô gái chừng hai mươi tuổi lộ ra, tím bầm.

Cầm tấm vải, Siddhatta đi hướng ra bờ sông. Ông xuống sông tắm gội cho sạch sẽ và đồng thời giặt sạch tấm vải để quàng lên người thay thế cho chiếc cà sa đã rách nát. Nước sông thật mát, Siddhatta cảm thấy rất dễ chịu. Ông chấp nhận cảm giác dễ chịu này, ông đón chào nó với một tâm trạng mới. Ông tắm khá lâu. Rồi ông lấy tấm vải giặt sạch và vắt cho thật khô.

Đến khi ông lội vào bờ thì ông gần như kiệt sức. Bờ sông hơi cao và ông không đủ sức tự mình leo lên. Ông phải đứng yên lặng hồi lâu để thở. Nhìn sang bên trái, ông thấy có một nhánh cây sà xuống, có những đọt lá xòe ra gần đụng mặt nước. Ông lội từng bước về phía ấy, rồi níu lấy cành cây leo lên bờ.

Lên được bờ sông, ông ngồi xuống nghỉ. Nắng đã lên cao. Ông trải tấm vải ra phơi. Nắng bắt đầu gay gắt. Thấy tấm vải đã khô, sa môn Siddhatta choàng nó vào người. Ông đã có áo cà sa mới. Theo con đường đưa vào xóm Uruvela, ông đi tới.

Nhưng đi chưa được nửa đường thì sa môn Gotama kiệt sức. Ông thở hào hển, và cuối cùng ông ngã xuống, bất tỉnh.

Ông nằm bất tỉnh như vậy một hồi lâu thì có một cô bé trong xóm đi tới. Cô bé chừng mười ba tuổi. Sujata được mẹ giao phó mang sữa, bánh và đề hồ vào khu rừng bên sông để cúng cho thần linh. Sujata thấy vị sa môn nằm bất tỉnh trên con đường cạnh bờ sông, bụng còn thoi thóp thở. Nhìn Siddhatta, cô bé đoán biết vị tu khổ hạnh này đã kiệt sức. Cô quỳ xuống đổ sữa vào miệng ông.

Những giọt sữa ngon ngọt thấm được vào lưỡi và cổ họng. Siddhatta đáp ứng ngay. Ông chấp nhận và chầm chậm uống hết bát sữa. Ông bắt đầu tỉnh táo lại và ngồi dậy được. Và ông ra hiệu cho Sujata rót thêm cho ông một bát sữa thứ hai. Những bát sữa phục hồi sức lực cho ông một cách vi diệu. Rồi Siddhatta quyết định bỏ hang động nơi ông tu khổ hạnh và dời về khu rừng êm mát bên bờ sông để hành đạo. Ông ăn uống trở lại bình thường. Có khi Sujata mang thức ăn vào rừng để cúng dường cho ông. Có khi ông cầm bát đi vào làng để khất thực. Mỗi buổi chiều ông đều xuống tắm ở sông Neranjara. Mỗi ngày ông đều đi thiền hành bên bờ sông. Thời giờ còn lại ông dành cho việc thiền tọa.

Tự mình tìm kiếm con đường giải thoát, buông bỏ mọi uy quyền, truyền thống và kinh điển. Siddhatta trở về sử dụng tất cả những kinh nghiệm thành bại của chính mình. Ông không e ngại gì nữa về việc sử dụng thiền định nuôi dưỡng thân tâm. Mức độ an lạc của ông tăng triển hằng ngày. Không tìm cách xa lìa và trốn tránh cảm giác và tri giác, dùng định lực quán chiếu vào cảm giác ấy cùng với những đối tượng của chúng.

Một hơi thở, một tiếng chim kêu, một chiếc lá, một tia nắng mặt trời ... tất cả đều có thể trở thành đối tượng quán chiếu. Rời bỏ ý định thoát ly các hiện tượng, ông trở về để có mặt sâu sắc trong thế giới hiện tượng ấy. Ông tìm cách thấu hiểu chúng. Ông bắt đầu thấy rằng, chìa khóa của sự giải thoát nằm ngay trong từng hơi thở, từng bước chân hoặc từng viên sỏi bên đường. Ông thấy rằng thế giới hiện tượng và thế giới bản thể là một.

Sa môn Gotama đi từ sự quán chiếu cơ thể, qua sự quán chiếu cảm giác, rồi đi từ sự quán chiếu cảm giác sang sự quán chiếu tri giác cùng những hiện tượng sinh diệt khác của tâm ý. Cuối cùng ông tìm thấy tính chất bất nhị nguyên của thân tâm. Thân thể này không phải là một thực thể riêng biệt nữa. Mỗi sợi tóc cũng là tâm, mỗi tế bào trong cơ thể đều chứa đựng trí tuệ của vũ trụ và chỉ cần nhìn sâu vào một hạt bụi, chân tướng của vũ trụ cũng phải hiện nguyên hình trước ánh sáng soi chiếu ấy. Chân tướng của hạt bụi chính là vũ trụ và ngoài hạt bụi ra, vũ trụ không thể nào có mặt.

Sa môn Gotama vượt thoát ý niệm về tự ngã, về Ātman (8), và ông giật mình khi nhận thấy rằng: đã từ bấy lâu nay, ông luôn bị ý niệm về bản ngã của tư tưởng Vệ Đà khống chế. Thực tướng của vạn hữu là vô ngã, là Anatman. Một từ ngữ không phải để chỉ định một vật thể, mà là một lưỡi búa tầm sét đập tan xiềng xích của sự cố chấp. Nắm lấy nguyên tắc vận hành của vô ngã, Siddhatta như vị tướng lĩnh có lưỡi gươm thần trong tay, đi vào trận địa của thiền quán như đi vào chỗ không người. Dưới gốc cây cổ thụ, ngày cũng như đêm, ông đạt tới những cái thấy lóe sáng như sấm sét trên thiên không.

Trong khi ấy, năm người bạn đồng tu đã bỏ ông đi mất. Họ từng thấy ông thọ lãnh thức cúng dường bên bờ sông. Họ đã thấy ông cười nói với một cô bé, ăn cơm và mang bát vào làng khất thực. Kondanna đã nói với các bạn của mình: Siddhatta không còn là kẻ mà ta có thể trông cậy. Siddhatta đã nửa chừng bỏ dỡ công phu tu hành. Siddhatta bây giờ chỉ lo bồi dưỡng xác thân và sống những ngày nhàn hạ. Chúng ta hãy bỏ Siddhatta và tìm tới nơi khác tu tập. Ta cũng không cần tiếp tục tu theo phương pháp mà Siddhatta đã đề nghị mấy năm nay.

Chỉ khi năm người bạn đồng tu đã bỏ đi, sa môn Gotama mới thấy sự vắng mặt của họ. Được khích lệ bởi cái nhìn mới, Siddhatta đã để hết thời gian vào việc tu tập công phu mà chưa có dịp nào giải thích với các bạn. Ông tự nhủ: các bạn đã hiểu lầm ta, nhưng ta không cần lo tới việc ấy. Ta hãy dốc lòng tìm cho ra chánh đạo. Rồi sau đó ta sẽ đi tìm họ và giúp họ. Nghĩ như thế, ông trở về với công phu thiền quán hàng ngày của mình.

Chính trong những ngày mà ông đạt tới những tiến bộ lớn trên con đường tầm đạo, thì cậu bé chăn trâu Svatika tìm tới. Ông đã vui vẻ nhận những nắm cỏ tươi của cậu bé mười một tuổi dâng cúng. Tuy Sujata, Svatika và bạn bè của các em là những đứa bé, Siddhatta cũng đã có thể chia sẻ được một phần nhỏ cái thấy của ông với chúng, và ông mừng rỡ thấy bọn trẻ thôn quê có thể hiểu được và thấy được ánh sáng của chân lý, những điều mà ông đã tìm ra. Ông có linh cảm rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, cánh cửa giác ngộ hoàn toàn sẽ mở rộng, bởi ông đã nắm trong tay chiếc chìa khóa mầu nhiệm của cánh cửa ấy: tự tính của duyên sinh và vô ngã của vạn hữu. 

----------------------

(7) thiền duyệt thực: là cách gọi các trải nghiệm hạnh phúc và an lạc trong thiền định, đó là thức ăn bằng niềm vui thiền định, người vào thiền định, thân tâm an vui tự tại, có công năng trưởng dưỡng nhục thể, giúp ích tuệ mệnh, giống như thực vật có công năng nuôi lớn thể xác, duy trì sự sung mãn tinh thần.

(8) Ātman: thuật ngữ trong kinh Vệ Đà, nghĩa là linh hồn, là bản ngã, khái niệm này xuất hiện trong tôn giáo Vệ Đà và trong các học thuyết triết lý của Ấn Độ cổ đại. Ā có nghĩa là các khởi nguyên tinh thần chủ quan thâm nhập mọi vật, là cái "Tôi" (bản ngã), cái linh hồn của con người.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***