Thích Nhất Hạnh
Phần 5
Chuyển pháp luân
Chương 22
Chuyển pháp luân kinh.
Thầy
Anada là một vị sa môn tính tình nhu hòa rất dễ mến. Người thầy rất
đẹp. Thầy có trí nhớ thật diệu kỳ, bất cứ Bụt dạy điều gì, thầy đều
ghi nhớ không sót một mảy. Thầy đã nhắc lại mười một điều mà Bụt nói trong buổi
pháp thoại nghệ thuật chăn trâu, theo thứ tự trước sau. Vị sa
môn trẻ Svastika nghĩ rằng tất cả những gì mà chú vừa thuật cho thầy nghe,
thầy đều đã ghi vào trong ký ức của thầy đầy đủ.
Trong
khi thuật lại giai đoạn Bụt còn ở trong rừng với bọn trẻ, Svastika
thường thỉnh thoảng ngước nhìn ni sư Gotami. Chú thấy hai
mắt bà lóng lánh. Chú biết bà rất ưa được nghe những chuyện này, chú
đã cố gắng thuật lại với thật nhiều chi tiết. Bà rất vui khi
nghe chú kể tới những chuyện mà bọn trẻ đứa nào
cũng ngồi im lặng ăn quít với Bụt ở trong rừng.
Rahula
nghe Svastika kể chuyện cũng rất lấy làm thích thú, còn thầy Assaji nữa.
Thầy là người nghe im lặng nhất, từ cả ngày hôm qua cho
đến ngày hôm nay. Chú biết thầy là một trong năm vị sa
môn từng tu khổ hạnh với Bụt tại Uruvela. Chú rất muốn được thầy
kể lại cuộc gặp gỡ giữa Bụt và năm vị sa môn, sau khi Bụt rời khỏi chú và bọn
trẻ, nhưng chú chưa dám. Vừa lúc ấy thì ni
trưởng Gotami lên tiếng:
-
Chú có muốn đại đức Assaji kể cho chú nghe về những gì đã diễn ra từ
khi Bụt rời khỏi Uruvela không? Đại đức Assaji đã từng thân cận
với Bụt trong suốt mười năm nay, chính ta cũng chưa được nghe ai kể
về những gì đã xảy ta trong mười năm hành đạo của Người. Thưa sa
môn Assaji, chúng tôi có thể thỉnh cầu đại đức kể
lại cho chúng tôi nghe về quãng đường đó của Bụt được không?
Thầy
Assaji chắp tay đáp lễ:
-
Xin ni sư cứ gọi tôi bằng sa môn, vừa đơn
giản vừa thân mật. Vâng, mấy hôm nay chúng ta đã nghe chú
Svastika kể nhiều về thời gian Bụt lên đường tầm đạo, tuy nhiên cũng lại gần
đến giờ thiền tọa buổi tối. Vậy chiều mai xin mời ni
sư, đại đức Ananda và hai chú sang lều xá tôi. Nhớ được gì, tôi sẽ
xin tường thuật lại hết cho quý vị nghe.
Mọi
người chắp tay chào tạm biệt lẫn nhau để về lại nơi trú ngụ của mình. Ai cũng
mong chờ nghe câu chuyện tiếp theo của Bụt sau thời gian mà Người đã giác ngộ.
Hồi
đó, sa môn Assaji vẫn còn tu theo lối khổ
hạnh tại vườn Nai ở Isipatana. Một hôm, sau giờ thiền tọa,
thầy Assaji trông thấy thấp thoáng bóng một vị sa
môn đang từ ngoài xa đi đến. Nhìn kỹ, ông biết đó là Siddhatta. Ông vội
báo cho các bạn cùng biết. Thầy Bhaddiya nói:
-
Siddhatta hồi đó đang tu khổ hạnh với chúng ta thì nửa
chừng bỏ cuộc. Ông ta ăn cơm, uống sữa, vào ra thôn lạc và làm quen với bọn trẻ
trong xóm. Sa môn Siddhatta đã làm cho chúng ta thất vọng.
Vậy nếu ông ấy có tới thăm chúng ta thì chúng ta cũng không
nên đón tiếp nồng hậu làm gì.
Cả
năm người đồng ý là sẽ không ra tận ngõ để đón tiếp mà cũng không
cần đứng dậy khi Siddhatta bước vào.
Nhưng sự
tình lại xảy ra khác hẳn. Khi Siddhatta vừa bước vào tới cổng, không ai
bảo ai, cả năm người đều tức khắc đứng dậy. Sa môn Siddhatta có phong
độ thật uy nghiêm. Người ông như tỏa sáng hào quang. Mỗi bước
chân của ông như nói lên được sức mạnh của trí tuệ giác ngộ và
cái nhìn của ông như lấy đi hết tất cả mọi ý niệm kháng cự ẩn
chứa trong năm người sa môn đã cùng tu chung với ông thuở trước. Sa
môn Kondanna bước tới trước. Ông đỡ lấy bình bát trên tay
Siddhatta. Sa môn Mahanama chạy đi múc nước cho Siddhatta rửa tay và
rửa chân. Sa môn Bhaddiya kê một chiếc ghế mời Siddhatta
ngồi. Sa môn Vappa đi tìm một quạt bằng lá cây thốt nốt để quạt cho
Siddhatta. Assaji thì đứng lặng trân một bên ngắm Siddhatta, chẳng biết phải làm
gì.
Sau
khi Siddhatta đã rửa tay, rửa mặt, rửa chân và ngồi xuống, Assaji mới vội đi
tìm rót một bát nước lạnh đem tới cho Siddhatta giải khát. Rồi năm người bạn cũ
cùng ngồi quanh Siddhatta. Ông đưa mắt nhìn các bạn, rồi nói:
-
Này quý vị, tôi đã tìm ra đạo giải thoát rồi, và tôi sẽ chỉ
dạy lại cho quý vị.
Nghe
nói như thế, sa môn Assaji nửa tin nửa ngờ. Có lẽ bốn người kia cũng
có cảm tưởng như ông. Mọi người im lặng hồi lâu. Bỗng
Kondanna lên tiếng:
- Sa
môn Gotama! Hồi trước trong thời gian tu tập với chúng
tôi, ngài đã nửa chừng bỏ cuộc, ngài đã ăn cơm, uống sữa và giao
thiệp với người lớn và trẻ con trong xóm. Làm sao ngài có thể tìm được
đạo giải thoát? Làm sao bạn có thể chỉ dạy cho chúng tôi về đạo
giải thoát?
Siddhatta
nhìn vào mắt sa môn Kondanna, ông hỏi:
- Sa
môn Kondanna, bạn đã quen biết tôi từ hơn sáu năm
nay. Trong thời gian ấy tôi đã từng nói dối một
lần nào chưa?
Kondanna
giật mình. Ông thẳng thắn nói:
- Sa
môn Gotama nói đúng, Tôi chưa bao giờ từng nghe sa
môn nói một điều không phù hợp với sự thực.
-
Vậy các bạn hãy nghe đây. Tôi đã tìm ra được Đạo lớn và tôi sẽ chỉ
dạy cho các bạn. Các bạn là những vị sa môn đầu tiên trên đời được
nghe giáo pháp mầu nhiệm mà tôi đã tìm ra. Giáo
pháp này không phải là kết quả của suy luận. Giáo pháp này
là hoa trái của thực chứng. Các vị hãy đem hết nhận thức thanh
tịnh mà nghiêm chỉnh lắng nghe.
Giọng
nói của Bụt mang uy lực tâm linh rất lớn khiến năm người đều tự
động đổi thế ngồi, nghiêm chỉnh hướng về Người. Họ chắp
tay lại. Kondanna thành kính nói:
-
Xin sa môn Gotama đem hết lòng xót thương mà dạy
cho chúng tôi.
Bụt nghiêm
trang mở lời:
-
Này các vị sa môn, có hai thái cực mà người tu đạo nên
tránh: một là lao mình vào khoái lạc nhục thể, hai là hành hạ thân
xác cho hao mòn. Cả hai con đường này đều đưa
tới sự phá hủy của thân tâm. Con đường mà tôi
đã tìm ra là con đường trung đạo tránh được hai thái
cực ấy và có thể đem đến trí tuệ, giải thoát và an
lạc. Con đường đó là con đường Bát chánh đạo: nhận
thức chân chính, tư duy chân chính, ngôn ngữ chân
chính, hành động chân chính, sinh kế chân chính, chuyên
cần chân chính, niệm lực chân chính và định
lực chân chính. Tôi đã đi theo con đường bát chánh đó và
đã thực hiện được trí tuệ, giải thoát và an lạc.
Này
các vị, sao gọi là chánh đạo? Sở dĩ gọi là chánh đạo, vì con
đường này không phải là con đường trốn tránh đau
khổ mà là con đường đối diện trực tiếp khổ đau để diệt
trừ khổ đau. Con đường bát chánh này là con
đường của sự sống tỉnh thức, vì vậy chánh niệm là khởi
điểm. Có chánh niệm thì sẽ có chánh định, nghĩa là định
lực có tác dụng đưa tới trí tuệ. Nhờ có niệm
lực và định lực chân chính thì nhận thức, tư
duy, ngôn từ, hành động, sinh kế và sự chuyên cần cũng
sẽ đi vào chánh đạo. Trí tuệ từ đó được phát sinh
sẽ giải thoát cho hành giả khỏi tất cả mọi ràng buộc khổ
đau và làm phát sinh nơi người hành giả nguồn an lạc chân chính.
Này
các vị, có bốn sự thật mà con người phải thấu hiểu và công nhận:
sự có mặt của những khổ đau, sự có mặt của những nguyên nhân dẫn đến khổ
đau, sự chấm dứt khổ đau và con đường đi tới sự chấm
dứt khổ đau. Bốn sự thật ấy là bốn sự thật mầu nhiệm,
gọi là Tứ diệu đế.
Này
các vị sa môn, đây là sự thật thứ nhất: sự có mặt của khổ đau
trong cuộc sống như sinh, già, bệnh và chết là khổ; buồn, giận, ghen,
tức, lo lắng, sợ hãi và thất vọng là khổ; sự chia ly
người thân yêu là khổ, chung đụng với người ghét bỏ là khổ, tham đắm
và si mê kẹt vào năm uẩn là khổ.
Này
các vị sa môn, đây là sự thật thứ hai: nguyên nhân dẫn
đến khổ đau. Vì u mê, vì không tỉnh giác, vì không nhận thức đúng thực tại, vì
không biết rõ nguồn gốc sinh khởi của sự vật và không hiểu được sự
thật về bản thân, về cuộc đời, cho nên con
người bị những ngọn lửa của tham lam, mê đắm, giận hờn, ghen tức, sầu
não, lo lắng, sợ hãi và thất vọng ... ngày đêm thiêu
đốt và hành hạ thân tâm.
Này
các vị sa môn, đây là sự thật thứ ba: chấm dứt khổ
đau. Đó là trí tuệ giác ngộ, là nhận thức được thực tại, là
hiểu biết sự thật về bản thân và cuộc đời. Trí tuệ này,
cái thấy này đưa đến sự chấm dứt khổ đau, giải thoát mọi ràng buộc dẫn đến khổ
đau và làm phát sinh niềm an lạc.
Này
các vị sa môn, đây là sự thật thứ tư: con đường diệt
khổ. Đó là con đường Bát chánh mà tôi đã trình bày. Bản
chất của Bát chánh đạo được nuôi dưỡng bằng nếp
sống tỉnh thức hàng ngày, đó tức là chánh niệm. Chánh
niệm đưa tới định và tuệ, có năng lực giải thoát con
người khỏi mọi đau thương và đem lại niềm vui và phúc lạc thực sự. Tôi sẽ
hướng dẫn cho các vị từng bước trên con đường thực hiện này.
Trong
khi Siddhatta giảng giải về bốn sự thật mầu nhiệm, sa
môn Kondanna bỗng thấy tâm mình bừng sáng. Ông lập tức thấy được con
đường giải thoát thật sự mà lâu nay ông tìm kiếm. Nét mặt
ông rạng rỡ. Thấy thế, Bụt chỉ ông và nói lớn:
- Sa
môn Kondanna! Bạn đã hiểu! Bạn đã hiểu!
Kondanna chắp
tay quỳ xuống bên ghế ngồi của Bụt. Ông thành kính nói:
- Sa
môn Gotama, xin thầy hãy nhận Kondanna này làm học trò của thầy. Con biết
rằng dưới sự chỉ dạy của thầy, Kondanna sẽ thành đạt nguyện lớn.
Bốn
vị sa môn kia thấy vậy cũng quỳ xuống cả dưới chân Bụt và chắp
tay cầu xin Bụt nhận họ làm đệ tử. Bụt nâng tay đỡ cả năm người
dậy. Người bảo họ ngồi lên ghế. Người cũng ngồi xuống chỗ cũ của mình. Bụt nói:
-
Này quý vị! Bọn trẻ trong làng Uruvela đã đặt tên cho tôi là Bụt. Có lẽ quý vị
cũng có thể dùng danh từ ấy để gọi tôi.
Kondanna
hỏi lại:
-
Những đứa trẻ gọi sa môn Gotama là Bụt? Bụt có nghĩa là “người tỉnh
thức"?
-
Đúng như vậy, và chúng gọi con đường mà tôi tìm ra là “đạo
tỉnh thức".
-
Người tỉnh thức! Đạo tỉnh thức! Hay lắm! Hay lắm! Danh xưng vừa chính xác,
vừa đơn giản và thân mật. Chúng con xin từ nay gọi thầy là Bụt
và nền đạo lý mà thầy tìm ra là đạo Bụt. Đạo tỉnh
thức. Đúng lắm, bởi vì nếp sống tỉnh thức hàng ngày, như thầy
nói, là căn bản cho sự tu hành.
Năm
người đã tôn kính sa môn Gotama làm thầy, và bây giờ
đều gọi sa môn là Bụt.
Bụt mỉm
cười nhìn họ:
-
Xin các vị tinh tấn tu hành. Con đường chánh đạo đã được
tìm ra. Chỉ cần quý vị thực tập nghiêm túc thì chỉ trong
vòng sáu năm quý vị sẽ đạt tới quả vị giải thoát.
Bụt
ở lại Isipatana một thời gian sau đó để chỉ dạy cho năm vị sa
môn. Họ chấm dứt lối tu khổ hạnh. Mỗi ngày ba vị luân
phiên cầm bát đi khất thực trong xóm. Trưa về, ba người san sẻ thức
ăn cho ba người ở lại, trong đó có Bụt. Bụt ở lại để hướng dẫn sự tu
học cho mọi người. Năm vị tu học rất kiên trì và
người nào cũng đạt được nhiều tiến bộ.
Bụt
dạy cho họ về tự tính vô thường và vô ngã của vạn
vật. Người phân tích cho họ thấy năm uẩn đều như những dòng sông luôn
luôn trôi chảy sinh diệt và biến đổi, trong đó không có một cái gì là
chủ thể, không có cái gì có tính đồng nhất và bất biến. Năm uẩn ấy được
gọi là thân thể (sắc), cảm giác (thọ), tri
giác (tưởng), tâm ý (hành) và nhận thức (thức).
Bụt
dạy họ quán sát sự trôi chảy của năm dòng sông ấy trong tự
thân của mỗi người để có thể thấy được tính vô thường và vô
ngã của chúng, từ đó thấy được bản chất của vạn hữu, và cũng thấy
những liên hệ mật thiết và mầu nhiệm giữa vũ
trụ và bản thân mình.
Nhờ
sự tu học tinh cần, năm vị dần dần đạt được cái
thấy mầu nhiệm ấy. Người đầu tiên chứng ngộ quả vị giải thoát là
Kondanna. Rồi ba tháng sau là đến lượt Vappa và Bhaddhiya. Cuối
cùng Mahanam và Assaji cũng đạt tới quả vị A la hán.
Bụt
rất vui mừng. Người nói:
- Các
ngài đã thành tựu. Giờ đây chúng ta đã có đoàn thể xứng đáng với tên gọi Sangha,
đoàn thể của những người biết sống trong tỉnh thức, rồi đây quý vị sẽ
cùng với tôi mang những hạt giống của đạo tỉnh thức này gieo
mầm ở khắp thế gian.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét