Thích Nhất Hạnh
Phần 2
Cuộc sống chốn hoàng cung
Chương 6
Bóng mát cây Hồng Táo.
Hồi
còn chín tuổi, Siddhatta đã nghe kể lại rằng, ngày có mang Siddhatta, mẹ đã nằm
mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống. Trên không
trung vọng nhạc vang lừng và tiếng ca hát chúc tụng của chư
thiên vang lên không ngớt. Con voi trắng đi xuống càng lúc càng
gần, da của nó trắng như tuyết trên đỉnh núi và vòi của nó quấn một đóa sen
hồng. Con voi bước tới gần, đưa đóa hoa chạm vào người bà. Rồi tan vào bên trong
bà. Tự nhiên bà thấy trong người sảng khoái lạ thường.
Bà
có cảm tưởng rằng từ nay bà sẽ không bao giờ còn lo lắng và phiền
muộn nữa. Bà thức giấc. Chưa bao giờ bà cảm
thấy hạnh phúc như thế. Bà trỗi dậy. Những tiếng hát ca của chư
thiên và nhạc trời êm ái còn như văng vẳng bên tai. Bà đi
tìm vua Suddhodana và kể cho vua nghe về giấc mộng. Vua chia sẻ niềm
vui với bà. Sáng hôm ấy, vua mời đạo sĩ và những thầy Bà la
môn nổi tiếng ở kinh thành vào cung để đoán mộng. Sau khi đã nghe kể
về giấc mộng của hoàng hậu, các vị đều nói:
-
Tâu bệ hạ, hoàng hậu sẽ hạ sinh một hoàng nam. Thái tử sau
này sẽ là một người xuất chúng. Thái tử có thể sẽ là một
vị Chuyển Luân Thánh Vương trị vì cả bốn cõi; thái tử cũng
có thể sẽ đi tu và trở thành vị lãnh đạo tinh thần cho
cả cõi người và cõi trời. Cõi nước của chúng ta, tâu bệ hạ,
đã chờ đợi một người như thái tử từ lâu rồi.
Vua
Suddhodana rất vui mừng. Sau khi hội ý với hoàng hậu, vua cho
lệnh lấy bớt tài vật trong kho ban phát cho những người ốm đau và bệnh tật
trong xứ. Thần dân ở vương quốc Sakya đều được thấm nhuần ơn đức của
vua và hoàng hậu.
Mẹ
của Siddhatta tên là Maha Maya, người nước Koliya. Hoàng hậu Maya là một
người đức hạnh. Bà thương yêu con người, nhưng bà cũng
biết thương yêu các loài cầm thú và cỏ cây. Mùa
xuân năm sau, đúng vào ngày trăng tròn tháng tư, hoàng hậu hạ
sinh thái tử trên đường từ Kapilavatthu về thủ đô Ramagama của vương
quốc Koliya, quê hương của bà. Tục lệ của nước bà là người con gái có chồng
phải về sinh con tại quê nhà cha mẹ. Trên đường đi, bà đã ghé vào nghỉ tại
vườn Lumbini. Trong vườn muôn hoa đang nở rộ, chim chóc đang ca hát vang lừng.
Những con công xòe đuôi rực rỡ trong nắng mai.
Thấy
một cây Vô Ưu hoa nở rực đầy cành, bà bước tới. Khi tới
gần cây này, bà thấy hơi lảo đảo. Bà vội đưa tay nắm chặt một
cành cây Vô Ưu. Một giây sau đó, bà hạ sinh em bé. Thái
tử Siddhatta được các thị nữ nâng lên và bọc lại trong một tấm khăn choàng
bằng lụa màu vàng. Các thị nữ biết rằng, chuyến đi Ramagama không cần
thiết nữa, cho nên dìu hoàng hậu ra xe ngựa trở về Kapilavatthu. Thái
tử được tắm bằng nước ấm rồi được đặt lên giường bên cạnh hoàng hậu.
Được
tin, vua Suddhodana lập tức vào thăm hai mẹ con. Vua vui
mừng khôn xiết. Gương mặt ngài sáng rỡ. Vua đặt tên cho thái
tử là Siddhatta.
Hôm
đó, tất cả quần thần đều được nghe tin, mọi người đều
đến chúc mừng vua và hoàng hậu. Vua Suddhodana truyền mời các ông
thầy tướng giỏi đến coi tướng cho Siddhatta. Ông thầy nào cũng nói rằng
Siddhatta có tướng của một vị Chuyển Luân Thánh Vương, và cũng đều tiên
đoán rằng thái tử sẽ là một vị vua trị vì không phải một
phương mà cả bốn biển.
Một tuần
lễ sau đó, có một ông lão đạo sĩ tên là Asita Kaladevala đến
thăm. Đạo sĩ Asita là một ẩn sĩ trên núi. Vị
đạo sĩ này đã già lắm, lưng ông đã còm. Ông phải chống gậy đi từ trên núi
xuống để mong thấy được mặt Siddhatta.
Khi
được quân hầu báo tin, vua Suddhodana đích thân ra sảnh đường chào ông và đưa
ông vào cung thăm thái tử. Ông nhìn thái tử một hồi mà không nói
năng gì. Bỗng nhiên ông nấc lên khóc. Thân hình ông rung rung trên
chiếc gậy. Vua kinh ngạc, hỏi:
-
Tại sao, tại sao thầy khóc như thế? Có điều gì không hay sẽ xảy ra cho trẫm
hoặc cho thái tử đây không?
Đạo
sĩ Asita lấy tay quệt nước mắt. Ông lắc đầu:
-
Tâu bệ hạ, không có chuyện gì xấu cả. Tôi khóc là khóc cho số phận tôi. Tôi
biết thái tử sau này sẽ thành một bậc vĩ nhân, thấu suốt được mọi
lẽ huyền diệu trong vũ trụ. Thái tử sẽ không làm vua
đâu: thái tử sẽ là một vị tu sĩ lấy trời đất làm quê hương,
lấy muôn loài làm thân báu. Tôi khóc là vì tôi sẽ chết trong nay mai, và chẳng
có diễm phúc được nghe tiếng nói chân như thốt ra từ miệng Người. Bệ
hạ có phúc lớn lắm, nước nhà có phúc lớn lắm mới có được thái tử.
Tâu
xong đạo sĩ Asita lập tức rời bỏ hoàng cung để về
núi, vua Suddhodana tìm đủ mọi cách để níu giữ ông lại, nhưng bất thành.
Cuộc
viếng thăm của đạo sĩ Asita làm vua bâng khuâng. Vua không muốn sau
này Siddhatta sẽ bỏ ngai vàng mà đi tu. Ông chỉ muốn Siddhatta nối
nghiệp ông để làm vua trị vì thiên hạ và mở rộng bờ cõi. Vua
nghĩ rằng vị đạo sĩ Asita chỉ là một đạo sĩ trong hàng trăm
hàng ngàn vị đạo sĩ khác. Có thể là ông nói sai. Và có thể
những vị đạo sĩ khác đã nói đúng. Nghĩ như thế, vua cảm thấy yên
dạ hơn.
Hoàng
hậu Maya sinh thái tử được tám ngày thì mất. Cả nước thương
tiếc bà. Vua Suddhodana tuyển ngay em ruột của bà là bà Maha Pajapati vào
cung và đưa lên ngôi hoàng hậu. Phu nhân Pajapati cũng được
gọi là Gotami. Bà thay thế chị để chăm sóc Siddhatta. Siddhatta là cháu gọi bà
bằng dì, nhưng bà thật sự xem Siddhatta như con ruột của chính bà. Lớn lên,
Siddhatta đã nhiều lần hỏi bà về mẹ. Siddhatta biết rằng dì Gotami thương mẹ
lắm và cũng biết rằng trong trời đất có lẽ ngoài dì Gotami ra, không ai có thể
thương mình bằng mẹ. Được săn sóc và thương yêu,
Siddhatta khôn lớn nhanh như thổi.
Một
hôm, đang ngắm Siddhatta chơi ngoài vườn ngự, bà Gotami nghĩ:
-
Đã đến lúc mình có thể dạy cho con trai đeo vòng và đeo ngọc.
Bà
truyền thị nữ mang đủ các thứ vòng và chuỗi trang sức đến để bà đeo thử cho Siddhatta. Bà
thử hết mọi loại vòng vàng và một loại chuỗi ngọc, nhưng không thứ nào đeo
vào mà có thể làm cho Siddhatta đẹp hơn và dễ thương hơn, Siddhatta
cũng tỏ ý không thích các loại trang sức này. Cuối
cùng Gotami nhận thấy rằng cứ để cho Siddhatta tự
nhiên thì Siddhatta lại đẹp hơn và dễ thương hơn, và bà truyền
lệnh cất hết các thứ vòng vàng và chuỗi ngọc.
Đến
tuổi đi học, Siddhatta được học đọc, học viết, học vẽ, học âm nhạc và
học thể thao. Siddhatta cùng học chung với các vương tử khác trong dòng
họ Sakya. Tất cả đều là con trai. Trong số các bạn học của Siddhatta, có
Devadatta, Kaludayu và Kimbila. Devadatta là em chú bác của Siddhatta. Kaludayi
là con của một vị đại thần trong triều, Kimbila là một người em cô cậu của Siddhatta.
Vì tư chất thông minh, Siddhatta học rất mau chóng. Thầy dạy chữ cho
Siddhatta là giáo sư Visvamitra. Devadatta đã là một đứa trẻ thông
minh đối với ông, nhưng Siddhatta mới là đứa trẻ làm cho ông kinh
ngạc. Ông chưa bao giờ dạy một đứa trẻ thông minh đến như
thế.
Năm
lên chín, Siddhatta cùng các bạn đi dự lễ cày ruộng đầu năm. Bà Gotami đã tự
tay mặc áo và mang giày cho Siddhatta. Các bạn học cùng lớp đều được đi
theo Siddhatta. Chính vua Suddhodana sẽ đứng ra chủ trì buổi
lễ này. Các vị đạo sĩ và tu sĩ Bà la môn ở những
cấp cao đều được mời tới tham dự. Các thầy mặc áo và đội mũ rất sặc
sỡ. Buổi lễ được cử hành ở những thửa ruộng tốt nhất của
vương quốc, không xa vòng ngoài thành là mấy. Đây là mùa xuân. Cờ lọng
treo đầy đường đầy ngõ. Thức ăn, thức uống và rượu được bày la
liệt trên các đài cúng thần. Các đội âm nhạc và ca vũ chia
nhau đi các ngã đường để giúp vui cho ngày hội. Không khí tưng bừng náo nức.
Các
thầy Bà la môn xướng tụng rất uy nghiêm. Phụ vương của Siddhatta
mặc áo hoàng bào và các vị đại thần trong triều phục lớn đều đang đứng xoay mặt
về phía lễ đài. Siddhatta đứng với các bạn phía sau, một bên là Devadatta, một
bên là Kaludayi. Các thị nữ nói rằng sau buổi lễ thì sẽ có ăn cỗ, và
cỗ sẽ được bày ngay trên các bãi cỏ. Siddhatta thích lắm, vì ít
khi Siddhatta có dịp được ngồi trên bãi cỏ mà ăn cơm.
Nhưng
các thầy tụng kinh lâu quá, bọn trẻ nóng ruột chờ không
nổi. Chúng rủ nhau đi chơi. Kaludayi kéo tay Siddhatta. Bọn trẻ kéo nhau về
phía có ca vũ và âm nhạc. Trời đã bắt đầu nắng gắt. Áo quần
các nhạc công đều đã ướt đẫm mồ hôi. Trán các nàng vũ công cũng lấm tấm mồ hôi.
Chạy chơi một hồi lâu, Siddhatta cũng thấy nóng bức. Siddhatta bỏ các bạn
đến núp nắng dưới một cây táo đỏ bên đường. Dưới bóng cây im mát,
Siddhatta cảm thấy dễ chịu. Vừa lúc ấy bà Gotami đi đến. Bà
nhìn Siddhatta:
-
Mẹ đi tìm con từ hồi nãy. Con đi đâu lâu thế? Có lẽ con nên trở
về dự cho xong buổi lễ để cho phụ vương vui lòng.
-
Thưa mẹ, buổi lễ kéo dài quá. Các thầy đọc kinh gì mà lâu
vậy hả mẹ?
-
Họ đọc kinh Vệ Đà, kinh đó nghĩa lý huyền diệu lắm.
Mai này con sẽ được học. Kinh này do chính Thiên chúa Brahma mặc khải cho các
thầy Bà la môn tự không biết bao nhiêu đời rồi.
-
Thế sao phụ vương không đọc kinh mà lại phải mời các thầy ấy đọc,
thưa mẹ?
-
Chỉ những người sinh ra trong dòng họ Bà la môn mới có quyền
xướng tán và đọc tụng kinh này thôi con ạ. Họ thuộc giai
cấp tăng lữ. Vì vậy các nhà chính trị như phụ vương con uy
quyền nhiều như thế mà cũng chỉ có thể nhờ tới họ mà thôi.
Siddhatta suy
nghĩ về những điều mà bà Gotami vừa nói. Cậu lặng yên hồi lâu
rồi chắp tay hai tay lại:
-
Xin mẹ trở lại với phụ vương con. Mẹ xin phép cho con được ở lại đây
chơi. Ngồi dưới cây hồng táo này con thấy vui và khỏe hơn, thưa mẹ.
Chiều
ý con trai, bà Gotami gật đầu. bà lấy bàn tay vuốt lại tóc trên đầu
Siddhatta, mỉm cười rồi trở lại lối cũ.
Các
thầy Bà la môn đã kết thúc việc đọc kinh. Vua
Suddhodana bước xuống ruộng, nắm lấy cán cày, và với sự phụ
tá của hai vị võ quan, khơi luống cày đầu tiên của mùa làm ruộng
mới. Quần chúng hoan hô vang dội. Các nông dân trong
vùng bắt đầu xuống ruộng làm theo vua, cày những luống đầu tiên trên ruộng họ.
Nghe tiếng hò reo, Siddhatta cũng chạy ra đứng ở bờ ruộng quan sát. Cậu thấy
một con trâu đang nặng nhọc kéo cày, theo sau là một
bác nông dân thân hình lực lưỡng, nước da như đồng đen. Tay trái
bác cầm cày, tay phải bác cầm roi quất vào lưng trâu. Trời nắng
gắt và mồ hôi ông ta chảy ra nhễ nhại. Đất lật ngửa rẽ ra thành luống hai
bên lưỡi cày. Có những con giun bị lưỡi cày xắn làm hai khúc, quằn quại trên
luống đất mới cày đó. Có những con chim bay sà xuống thấp, mổ những con
giun và đứng ăn giun trên luống đất mới. Rồi cậu thấy một con chim lớn sà
xuống, cặp một con chim nhỏ bay lên.
Siddhatta
đứng mải mê quan sát một hồi ngoài nắng, và đến lượt cậu, cậu
cũng thấy mồ hôi chảy ướt trong người. Trời nóng quá, Siddhatta chạy về núp ở
dưới cây hồng táo. Những hình ảnh mà cậu vừa chứng
kiến đối với cậu thật là mới lạ. Những hình ảnh ấy luôn bám
lấy cậu. Siddhatta tới dưới tán cây, ngồi xếp bằng và
nhắm mắt lại để chiêm nghiệm về những gì đã thấy. Cậu ngồi rất thẳng,
rất đẹp và khá lâu. Khắp nơi quần chúng đã bắt đầu tụ họp ca hát, đàn
sáo, nhảy múa. Có những người đã bắt đầu dọn cỗ bày trên những bờ ruộng hay
dưới những bóng cây.
Nhưng
Siddhatta vẫn ngồi yên chăm chú vào những hình
ảnh trong nội tâm, không nghe thấy gì. Một lát sau, khi vua và hoàng
hậu tới cây hồng táo để tìm con thì Siddhatta vẫn còn ngồi đó. Hoàng
hậu Gotami cảm động đến muốn khóc khi thấy Siddhatta ngồi đẹp như bức
tượng nhỏ dưới gốc cây, nhưng vua Suddhodana thì khác. Vua cảm
thấy lo ngại, mới chín tuổi mà con mình đã biết ngồi trầm tư như thế thì
lời ông đạo sĩ Asita có thể thành sự thực. Mang trong
lòng nỗi phiền muộn, vua truyền lấy xe ngựa hộ giá về cung trước, không ở lại
dự tiệc trên bãi cỏ với quần thần.
Một
đám trẻ con dân dã đi ngang qua đùa giỡn lớn tiếng. Bà Gotami đưa tay ra hiệu
cho bọn trẻ im lặng. Bà chỉ cho bọn trẻ thấy Siddhatta đang ngồi dưới
gốc hồng táo. Bọn trẻ đứng lại, im lặng, nhìn. Bỗng nhiên
Siddhatta mở mắt. Thấy hoàng hậu, thái tử mỉm cười:
-
Mẹ ơi, đọc kinh cũng không giúp được những con chim và những con
giun, mẹ ạ.
Siddhatta đứng
dậy chạy đến cầm tay bà Gotami. Cậu nhìn bọn trẻ con nhà dân dã
đang đứng yên nhìn mình. Các em bé này cũng trạc tuổi với Siddhatta
nhưng ăn mặc rách rưới, mặt mày lấm láp và tay chân gầy ốm. Nhìn lại
sắc phục của mình, Siddhatta cảm thấy hơi ngượng. Tuy nhiên, cậu cũng
rất ưa thích chơi với các em bé này.
Siddhatta cười và đưa tay vẫy bọn trẻ. Có một đứa con trai trong nhóm cười đáp
lại. Được khuyến khích bằng nụ cười đó, Siddhatta quay lại xin phép mẹ cho bọn
trẻ con được tới tham dự cuộc vui trên bãi cỏ với mình, Bà
Gotami lưỡng lự một chút rồi gật đầu chiều ý thái tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét