8 thg 1, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần 2 - Chương 9)

Thích Nhất Hạnh

Chương 9

Con đường tâm linh và con đường xã hội.

Hôn lễ của thái tử Siddhatta và công nương Yasodhara được tổ chức vào mùa thu năm ấy. Đây là một niềm vui lớn cho cả vương quốc Sakya, nhất là cho dân chúng kinh kỳ. Khắp nơi thiên hạ treo cờ, treo đèn, kết hoa và tổ chức vũ nhạc. Song mã của Siddhatta và Yasodhara đi đến đâu quần chúng reo hò tới đó. Siddhatta và Yasodhara cho xe ngựa chạy ra phía ngoại thành. Hai người đi đến những xóm làng quen thuộc và mang tặng đủ các thứ quà bánh và vải bô cho những gia đình nghèo túng nhất.

Vua Suddhodana truyền lệnh xây dựng cho thái tử Siddhatta ba nơi trú ngự, một cung cho mùa Đông, một cung cho mùa Hạ và một cung cho mùa Mưa. Cung mùa Hạ được xây dựng trên một cảnh đồi ngoạn mục miền cao nguyên, cung mùa Mưa và cung mùa Đông ở ngay trong thành nội. Cung nào cũng có hồ sen, hồ toàn sen xanh, hồ toàn sen đỏ, hồ toàn sen trắng. Áo mũ, khăn giày của hai người đều được đặt làm từ thành Baranasi, tận vương quốc Kasi miền Tây Nam. Trầm hương đốt hàng ngày cũng được nhập cảng từ vương quốc ấy.

Vua Suddhodana rất yên tâm. Ngài nghĩ rằng Siddhatta đã đi đúng con đường ông luôn mong ước. Vua truyền tuyển chọn các nhạc công và vũ công tài ba trong nước để thường xuyên giúp vui cho đôi uyên ương mới cưới của hoàng gia. Nhưng ý nghĩa hạnh phúc của Siddhatta cũng như của Yasodhara không phải đến từ cuộc sống giàu sang và quyền quý. Hạnh phúc thực sự của họ là được chia sẻ những nỗi niềm và những ước vọng về mặt tâm linh với người mà mình có thể cởi mở tấm lòng.

Họ không thực sự để tâm đến các cao lương mỹ vị hoặc các thứ xiêm y lụa là. Họ vẫn cảm nhận cái đẹp của múa hát, của âm nhạc, nhưng họ không say mê trong việc vui thú ấy. Họ có những khao khát riêng của họ, sự khao khát tìm ra những câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề họ đang ấp ủ: con đường tâm linh và con đường xã hội.

Mùa hạ năm sau, nhân dịp cư trú bốn tháng ở cung điện trên miền cao nguyên. Siddhattaru và Yasodhara đã đi khám phá thêm nhiều nơi về vương quốc Sakya. Người hầu cận Channa vẫn luôn luôn là người đánh xe cho Siddhatta. Họ tìm ra được nhiều phong cảnh sơn thủy rất tú lệ. Họ chuẩn bị để có thể đến cư trú năm bảy ngày ở những nơi ấy. Có khi họ xin ở lại ngủ nhà của thường dân và tìm dịp giúp đỡ các gia đình nghèo. Họ đã thử ăn những món ăn dân dã, ngủ trên những chiếc giường tre thô mộc của người dân, và họ tìm hiểu được rất nhiều về nếp sống và phong tục tập quán từng vùng.

Có khi họ thấy những cảnh nghèo khổ cùng cực. Họ gặp những cặp vợ chồng có tới chín hoặc mười đứa con, đứa nào cũng ốm tong teo, đứa nào cũng bệnh tật, trong khi đó cả vợ lẫn chồng dù làm việc quần quật suốt ngày đêm cũng chỉ đủ sức nuôi nổi hai đứa là cùng. Nghèo khổ và bệnh tật là hai cái gánh nặng đè lên kiếp sống của người dân. Ngoài hai cái gánh nặng ấy, còn có những cái gánh nặng khác: sự áp chế của giới cầm quyền và sự thống trị của các giáo sĩ Bà la môn. Ở miền quê, dân chúng luôn bị giới hương hào áp bức cũng không thể kêu than vào đâu được. Kinh thành xa quá, với lại ở kinh thành họ cũng không quen biết ai.

Siddhatta nhìn những em bé ốm tong teo, hai chân khẳng khiu như những ống sậy và cái bụng phình to vì giun sán. Siddhatta thấy những kẻ tàn tật và bệnh hoạn ăn xin ở các ngã đường. Những cảnh tượng này làm cho thái tử mất hết mọi niềm vui. Chàng thấy con người bị kềm hãm trong một tình thế không có lối thoát. Chàng nghĩ rằng dù chàng có quyền lực của một vị quốc vương, chàng cũng không thể thay đổi thực trạng ấy. Siddhatta biết khá rõ về sự nhiễu nhương trong triều đình. Người quyền quý luôn tìm đủ mọi cách để bảo vệ quyền thế và lợi ích của mình, không đếm xỉa gì đến khổ đau của người khác. Họ lại còn lấn áp nhau, ganh tỵ nhau. Những tranh chấp của họ khiến Siddhatta chán ngán cảnh chính trường.

Quyền lực của phụ vương chàng rất giới hạn và mỏng manh, Siddhatta thấy rất rõ điều ấy. Làm vua như phụ vương thật sự không có tự do. Vua bị ràng buộc đủ thứ, và quyền binh lại chính là ngục tù đang giam hãm nhà vua. Phụ vương chàng biết trong triều đình có những vị đại thần hư hỏng và nhiều tham vọng, nhưng lại phải dựa vào những con người ấy để tạm thời giữ ổn định quốc gia. Chàng nghĩ nếu chàng đứng vào địa vị của cha, có thể chàng cũng phải làm như thế thôi. Chàng nhận ra rằng chỉ khi nào con người chuyển đổi được nội tâm mình, đập tan được những tham vọng và ganh tỵ trong nội tâm thì cuộc sống con người mới có thể thay đổi được. Nghĩ đến đây, niềm ao ước ngày xưa bừng dậy trong chàng: tìm ra được một lối thoát cho tâm linh. 

Yasodhara là một cô gái rất thông minh. Nàng hiểu được tâm trạng chồng. Nàng có đức tin nơi Siddhatta, nàng biết nếu Siddhatta quyết tâm tìm kiếm con đường giải thoát thì chàng sẽ tìm ra. Nhưng nàng cũng là một cô gái rất thực tế, cuộc tìm kiếm này có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, trong khi những khổ đau hiện thực vẫn xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Vì vậy nàng nghĩ phải làm một cái gì ngay trong giờ phút hiện tại. Và nàng bàn với Siddhatta những phương pháp có thể làm vơi bớt nỗi khổ của những người thiếu may mắn nhất trong vương quốc. Công việc này nàng đã bắt đầu từ hơn hai năm nay ở các xóm nghèo. Công việc ấy một mặt có thể thoa dịu bớt khổ đau của một số người, một mặt có thể đem lại chút ít bình an và hạnh phúc cho tự tâm nàng. Yasodhara tin rằng tình yêu của Siddhatta có thể là lưng tựa vững chải và lâu dài cho công việc ấy.

Từ thủ đô Kapilavatthu, các vật dụng cần thiết cho cuộc sống tại Hạ cung vẫn được chuyển tới đều đều. Trong cung số người hầu cận, nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc rất đông. Siddhatta và Yasodhara gửi bớt những người này về thành. Họ chỉ giữ lại một số người đủ để chăm sóc vườn cây, nấu nướng và dọn dẹp. Và cố nhiên là họ giữ lại Channa. Yasodhara tổ chức lại đời sống hàng ngày cho thật đơn giản. Nàng hay vào bếp chỉ dẫn cách thức nấu những món ăn đơn giản mà hạp với khẩu vị của Siddhatta. Nàng ưa tự tay săn sóc ăn uống và phục sức cho chàng.

Nàng luôn tham khảo ý kiến của Siddhatta về những công việc xã hội mà nàng dự định tiếp tục khi trở về thủ đô. Siddhatta hiểu được hành động của nàng và luôn tỏ ý quan tâm đến những dự án này, khiến cho Yasodhara càng lúc càng thêm tin tưởng.

Tuy hiểu được Yasodhara và biết giá trị của công việc nàng làm, Siddhatta vẫn thấy con đuờng của nàng chưa phải là con đường có thể thực sự mang lại an lạc cho thân tâm. Lối thoát mà nàng nghĩ đã tìm ra chỉ là một phương thuốc xoa dịu có tính cách tạm bợ. Con người bị trói buộc không những bởi các điều kiện trong xã hội mà còn bởi những phiền não nội tâm nữa.

Yasodhara hiện có thể làm được một ít công việc giúp người nghèo khó và bị áp bức, nhưng trong xã hội mấy ai có được những điều kiện thuận lợi, thời giờ và vật chất để làm được như nàng, và nếu Yasodhara bị kẹt vào một trong những tâm lý sợ hãi, ganh tỵ, cay đắng hoặc oán thù, liệu nàng có đủ nghị lực để tiếp tục công việc ấy không? Tự thân Siddhatta cũng đã trải qua những giai đoạn nghi ngờ, bất mãn, khổ đau và bực tức khi nhận ra được thực trạng trong triều và ngoài thành nội. Không vượt thoát được những khổ đau của nội tâm, không đạt tới được sự an bình của nội tâm thì hành động xã hội lấy đâu làm căn cứ xuất phát? Chàng nghĩ như thế nhưng chàng không nói với Yasodhara. Chàng không muốn nàng lo âu và nghi ngại trong giai đoạn này.

Khi hai vợ chồng trở về cung vào mùa Đông năm ấy, các anh em và bạn bè tới thăm hỏi thật đông. Tại đây, Yasodhara tiếp đãi khách khứa và bạn bè rất ấm cúng và chu đáo. Những câu chuyện mà nàng nghe Siddhatta nói với các bạn bên lò sưởi thường là câu chuyện tư tưởng triết học và đạo học có liên hệ tới tình trạng chính trị và xã hội. Đi lại trong phòng và hướng dẫn các thị nữ mang trà nước cho khách, nàng không bỏ sót một câu chuyện nào. Nàng để ý quan sát trong số các bạn bè và người thân thích xem có ai là người đồng chí hướng có thể mời tham gia cùng với mình trong công tác cứu tế những người nghèo khổ, nhưng nàng không thấy được mấy ai.

Đa số bạn bè thường ưa ăn to nói lớn, có người thì quá phù phiếm, có người thì chỉ chú trọng đến chuyện tổ chức những cuộc vui. Nhưng Siddhatta phải kiên nhẫn ngồi tiếp hết mọi người. Khách khứa tuy vậy nhưng cũng thưa dần. Yasodhara bắt đầu tổ chức trở lại công việc cứu tế của nàng với sự phụ giúp của mấy người thị nữ hầu cận. Nàng sung sướng lắm, bởi vì ngoài Siddhatta, nàng đã có thêm một người hiểu nàng, thương nàng và yểm trợ công việc của nàng: đó là phu nhân Gotami, tức là hoàng hậu Maha Pajapati. Hoàng hậu rất quan tâm đến hạnh phúc của nàng, bởi bà biết nếu nàng có hạnh phúc thì Siddhatta cũng có hạnh phúc, nhưng không phải chỉ lý do đó mà bà ủng hộ công tác cứu trợ của Yasodhara, bà là người có lòng nhân từ và ngay trong chuyến đi đầu tiên với Yasodhara vào xóm cùng dân, bà đã thấy ngay được giá trị của công việc Yasodhara đang làm, giá trị ấy không phải là những vật dụng mà người cứu trợ đem tới như gạo, bột mì, vải và thuốc men ... Giá trị ấy là cái nhìn cuộc sống, là hai bàn tay và tình thương của người đã chịu thương chịu khó đi tới tiếp xúc với những người kém may mắn hơn mình.

Hoàng hậu không phải là một người đàn bà tầm thường. Bà thường nói với Yasodhara rằng, người đàn bà cũng có đủ trí tuệ và sức khỏe để đảm nhiệm những trách vụ trong xã hội không thua gì người đàn ông. Người đàn bà có khả năng tạo ra khung cảnh ấm áp và hạnh phúc cho gia đình, nhưng không phải vì vậy mà người đàn bà sinh ra là để ở suốt ngày trong bếp núc. Gotami đã tìm thấy nơi người con dâu một người bạn đồng chí, bởi vì Yasodhara vốn là một cô gái có ý chí và có nhận thức độc lập. Không những bà muốn yểm trợ tinh thần cho Yasodhara mà bà còn hứa sẽ làm việc chung với nàng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***