Thích Nhất Hạnh
Chương 21
Hồ sen.
Bọn trẻ đi rồi, Bụt đứng dậy đi thiền hành. Người đi ra
phía bờ sông. Người vén cao chéo áo, lội qua sông. Qua sông, Bụt theo con
đường giữa hai ruộng lúa đi tới cái hồ sen quen thuộc. Người dừng lại
bên hồ. Ngắm những ngó sen, lá sen và hoa sen trong
hồ. Bụt thấy vị trí và hình dáng khác nhau của mỗi thứ. Bụt
biết những củ sen không bao giờ vượt ra khỏi bùn, Bụt biết có những cọng sen
còn đang nằm dưới mặt nước, có những lá sen còn cuốn lại, một nửa
ở dưới nước, một nửa ở trên không. Có những bông sen đã trồi lên khỏi mặt
nước nhưng búp còn ngậm. Có những bông sen đang hé nở. Có những bông sen đã nở
lớn.
Lại có những cái gương sen không còn mang
theo cánh sen nào. Có những bông sen màu trắng, có những bông sen màu
xanh, có những bông sen màu hồng. Quán sát hồ sen, Bụt thấy con
người cũng vậy. Mỗi người có một căn tính khác nhau. Devadatta
không giống Annda, Yasodhara không giống phu nhân Pamita mẹ nàng,
Sujata không giống Bala. Tính tình, đức độ, sự thông
minh và tài trí mỗi người một khác. Con đường giải thoát mà
Bụt đã tìm ra cần được diễn bày nhiều cách để có thể thích
ứng với mọi lớp người. Khi Bụt dạy bọn trẻ con trong xóm, Người đã kể
những câu chuyện với những nhân vật quen thuộc dễ thương khiến bọn trẻ thích
thú, Người tìm được những phương tiện để diễn giải đạo
lý cho chúng dễ hiểu.
Những phương tiện này có thể được gọi là những cánh cửa mở
ra để con người đi vào và hiểu được giáo pháp, có thể gọi
đó là những pháp môn. Vậy pháp môn là kết quả tự
nhiên trong cách tiếp xúc giữa Bụt và quần chúng, chứ không
phải là do sự sắp đặt đơn phương của Bụt khi ngồi dưới cội Bồ
đề. Nghĩ như vậy, Bụt thấy rằng đã đến lúc người cần trở
lại với xã hội con người. Trở lại để khởi động vành xe chánh
pháp trên con đường gieo mầm những hạt giống của
đạo giải thoát. Bốn mươi chín ngày đã đi qua từ khi Bụt tỉnh
thức và đã được chứng đạt. Bụt quyết định trưa mai sẽ
rời tụ lạc Uruvela, tạm biệt khu rừng êm mát bên sông Neranjara, tạm
biệt cây Bồ đề và bọn trẻ.
Bụt sẽ đi tìm hai vị đạo sư của mình là Alara Kalama và
Uddaka Ramaputta. Bụt tin rằng hai vị này nếu được Bụt chỉ bày sẽ có thể
đạt tới quả vị giác ngộ rất mau chóng. Bụt dự
tính sau khi giúp hai người này, Bụt sẽ đi tìm năm người bạn đồng
tu khổ hạnh để giúp họ, và sau đó người mới trở về Vương xá gặp quốc
vương xứ Magadha.
Sáng hôm sau, Bụt mặc áo cà sa mới, ôm bát và đi
vào thôn Uruvela khi trời còn mờ sương. Người tìm tới nhà Svastika. Bụt
báo tin cho chú bé biết là mình sẽ rời khỏi Uruvela sáng nay. Svastika đánh thức
các em dậy. Tất cả đều buồn khi nghe tin Bụt sắp đi. Bụt xoa đầu
từng đứa để từ giã. Svastika và mấy đứa em muốn tiễn Bụt ra khỏi làng, nhưng
Bụt còn muốn từ giã Sujata, cùng với bọn trẻ, người đi vào xóm. Khi
Bụt đến nhà Sujata thì cô bé đã dậy. Nghe tin Bụt sắp đi, Sujata
khóc. Bụt nói:
- Ta phải tạm xa các con, nhưng ta hứa là sẽ trở lại đây
thăm các con mỗi khi có dịp đi qua nơi này. Ta cảm ơn các con. Các con nhớ
sống và làm theo những lời ta dạy, như thế các con sẽ không bao giờ xa
cách ta. Sujata, con hãy cười lên nào.
Sujata lấy chéo áo sari lau nước mắt và gượng cười để Bụt vui
lòng. Bọn trẻ đưa Bụt ra cổng làng.
Tới bờ sông, vừa định chia tay với bọn trẻ thì Bụt trông thấy
một sa môn trẻ từ phía ruộng đi lên. Thấy Bụt, vị sa
môn này chắp tay chào rồi nhìn sững Bụt. Một lúc sau, ông ta mới
nói:
- Sa môn, dáng điệu Ngài trầm
tĩnh lắm. Thần sắc Ngài rạng rỡ. Ngài tên là gì, và ai
là vị đạo sư của Ngài?
Bụt trả lời:
- Tôi tên là Siddhatta Gotama. Tôi đã học với nhiều thầy,
nhưng hiện tại thì không ai làm thầy của tôi cả, còn thầy, thầy tên
gì và đang đi đâu?
Vị sa môn đáp:
- Tôi là sa môn Upaka. Tôi mới từ đạo tràng của đạo
sư Uddaka Ramaputta tới.
- Đạo sư Uddaka vẫn đang mạnh khỏe chứ thầy?
- Đạo sư Uddaka mới viên tịch cách đây mấy hôm.
Nghe nói đạo sư Uddaka đã tịch, Bụt thở dài. Như vậy
là Bụt không có dịp để giúp ông ta. Bụt hỏi thêm:
- Vậy thì thầy đã có dịp thọ giáo với đạo
sư Alara Kalama chưa?
Sa môn Upaka nói:
- Tôi cũng đã từng được học với đạo sư Alara
Kalama. Đạo sư cũng đã tịch rồi.
Như vậy là hai vị thầy mà Bụt từng theo học đã không còn trụ thế.
Bụt hỏi thêm:
- Vậy thầy có biết sa môn Kondanna không?
Upaka đáp ngay:
- Có, tại đạo tràng cũ của đạo sư Uddaka, tôi có nghe nói
rằng sa môn Kondanna, cùng với bốn vị sa môn bạn hữu hiện
đang tu ở Isipatana, trong vườn Nai, gần thành Baranasi. Sa
môn Gotama, xin ngài cho phép tôi từ biệt. Tôi còn phải tiếp tục
đi trọn ngày hôm nay mới tới được nơi tôi muốn tới.
Bụt chắp tay từ giã sa môn Upaka, rồi quay lại
bọn trẻ. Người nói:
- Các con, bây giờ ta sẽ lên đường đi Baranasi. Ta sẽ đi
tìm gặp năm người bạn tu khổ hạnh của ta. Nắng đã lên rồi, các con về
đi.
Nói xong, Bụt chắp tay từ giã. Người đi dọc theo bờ sông
đi về hướng Bắc. Người biết rằng con đường này tuy dài hơn, nhưng dễ
đi hơn. Sông Neranjara đi lên hướng Bắc và sẽ đổ vào sông Hằng.
Gặp sông Hằng, Người sẽ theo bờ sông đi ngược về phương Tây. Chừng sáu
ngày đường Bụt sẽ tới làng Pataligrama. Tại đây Người sẽ vượt qua sông Hằng.
Bên kia sông là kinh đô Baranasi, vương quốc Kasi.
Bọn trẻ chắp tay đứng nhìn Bụt cho đến khi người
đi khuất. Đứa nào cũng buồn hiu. Sujata lại khóc. Svastika cũng muốn khóc,
nhưng cậu bé kìm lại được. Các em mình còn đứng đó. Cuối
cùng Svastika nói:
- Chị Sujata, em chào chị. Em phải về đưa trâu đi ăn. Các em, ta về
nhà đi thôi. Bala, hôm nay em phải tắm cho thằng Rupak. Đưa Bhima đây anh ẳm
cho.
Trên con đường bờ sông, bọn trẻ âm thầm đi về xóm cũ.
----- Hết Phần 4 -----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét