17 thg 1, 2021

ĐƯỜNG XƯA MÂY TRẮNG (Phần 4 - Chương 17)

Thích Nhất Hạnh

Phần 4

Giác ngộ

Chương 17

Chiếc lá Pippala.

Ngồi dưới gốc cây Pippala, sa môn Gotama tập trung hết định lực và quán chiếu vào nội thân. Định lực của ông dạt dào và niệm lực của ông mạnh mẽ. Ông thấy cơ thể mình như một dòng sông đang trôi chảy bất tận và những tế bào trong cơ thể là những giọt nước xô đẩy nhau trên dòng sinh khởi, trưởng thành và biến diệt. Ông không thấy được một cái gì có tính chất đồng nhất và bất biến có thể gọi là tự ngã cả. Xen lẫn trong trong dòng sông cơ thể, ông nhận thấy có một dòng sông khác: đó là dòng sông cảm thọ, trong đó mỗi cảm giác là một giọt nước. Những giọt nước cảm giác này cũng xô đẩy nhau trong quá trình sinh khởi, tồn tại và biến diệt của chúng. Có những cảm giác dễ chịu, có những cảm giác khó chịu, và có những cảm giác không dễ chịu cũng không khó chịu.

Tự thân của những cảm giác cũng vô thường và luôn luôn sinh diệt giống như tự thân của các tế bào trong cơ thể. Với định lực vững chắc, sa môn Gotama khám phá ra thêm dòng sông tri giác đang trôi chảy len lõi giữa các dòng sông cơ thể và dòng sông cảm giác. Những giọt nước trong dòng sông tri giác cũng xô đẩy nhau và ảnh hưởng lẫn nhau trên đà sinh trưởng và hoại diệt của chúng. Thế giới hiện hữu của ta là thế giới của tri giác; tri giác chính xác thì thực tại hiển lộ, tri giác sai lầm thì thực tại lu mờ. Tri giác sai lầm làm phát sinh bao nhiêu cảm giác khổ đau trong dòng sông cảm thọ. Con người sở dĩ lặn hụp trong khổ đau là vì những nhận thức sai lầm của họ: vô thường thì cho là thường, vô ngã thì cho là ngã, không sinh diệt thì cho là có sinh diệt, cùng chung một tự tính mà lại cho là riêng lẻ tách biệt.

Sa môn Gotama quán chiếu những hiện tượng tâm lý thường được xem là nguồn gốc của các cảm thọ khổ đau: những tâm lý sợ hãi, giận dữ, căm thù, kiêu mạn, ganh ghét, tham đắm, ham muốn và u mê. Chánh niệm bừng tỏ nơi ông như một mặt trời. Đem mặt trời chánh niệm ấy soi vào lòng của các hiện tượng tâm lý kia, ông thấy rằng bản chất của chúng đều là sự u mê tăm tối. Tên nó là vô minh. Tên nó là sự thiếu sáng suốt. Chìa khóa của giải thoát chính là đập tan u mê, và thể nhập vào bản chất của thực tại, để có một cái biết sâu sắc và chân thực về thực tại. Cái biết này không phải là cái biết của tri thức lý luận ở thế gian. Cái biết này phải là cái biết trực tiếp từ trải nghiệm tu tập, của thực chứng. Cái biết của sự xuất thế.

Ngày ấy, sa môn Siddhatta đã tìm đủ mọi cách để chế ngự sợ hãi, chế ngự giận dữ, chế ngự tham đắm, chế ngự ham muốn, nhưng những phương cách ấy đều không có hiệu quả, vì chúng chỉ là sự kiểm soát, đè nén và đàn áp thân tâm. Giờ đây, Siddhatta biết được bản chất thực sự của chúng chỉ là u mê: giải tỏa u mê và đi tới sự hiểu biết. Khi thấu hiểu chúng, tức là làm cho chúng tự tan biến, ví như ánh mặt trời ló dạng thì tự khắc bóng tối không còn. Sự hiểu biết này là kết quả của quá trình quán chiếu. Giải thoát không phải là kết quả của sự lẫn tránh thực tại, mà giải thoát chính là sự thấu hiểu được tự thân của thực tại, để đạt tới sự tự do, buông xả tất cả để cắt đứt mọi sợi dây ràng buộc.

Sa môn Gotama mỉm cười. Ông ngửng lên, thấy một chiếc lá Pippala in trên nền trời xanh, đuôi lá hướng xuống đất và phe phẩy như đang gọi ông. Chiếc lá này là một thực tại mầu nhiệm. Nhìn chiếc lá, ông thấy được cả vũ trụ, mặt trời và trăng sao. Nếu không có vũ trụ thì không có mặt trời, nếu không có mặt trời, thì không có ánh sáng và sức nóng, chiếc lá không thể nào có mặt trên đời này. Cái này có mặt vì cái kia có mặt. Ông lại thấy một đám mây bay lửng lơ trong chiếc lá. Nếu không có đám mây kia thì không có những giọt mưa và nếu không có mưa thì đất không có nước, nếu vậy thì làm gì có chiếc lá này tồn tại. Ông thấy đại địa. Ông thấy thời gian. Ông thấy không gian. Ông thấy tâm thức. Tất cả đều đang có mặt trong chiếc lá. Cả vũ trụ đã có mặt trong chiếc lá này. Địa, thủy, hỏa, phong, không, thời, phương, thức, tất cả đều có mặt với chiếc lá trong giờ phút hiện tại này.

Cái này sinh thì cái kia sinh, và ông thấy thực tại của chiếc lá cùng với thực tại của bản thân ông chỉ là một. Chiếc lá ấy dường như chỉ mới có mặt từ đầu mùa xuân năm nay, nhưng thật ra chiếc lá đã có mặt không biết tự bao giờ. Trong ánh nắng đã có sẵn chiếc lá. Trong đám mây đã có sẵn chiếc lá. Trong cây đã có sẵn chiếc lá, và trong Siddhatta, cũng đã có sẵn chiếc lá. Chiếc lá thực ra chưa từng bao giờ sinh, chưa từng bao giờ diệt, chiếc lá chỉ là biểu hiện hình tướng vật chất mà thôi. Sa môn Siddhatta cũng chưa bao giờ từng sinh, cũng chưa từng diệt, sa môn Siddhatta cũng chỉ được hiểu hiện qua hình tướng của một con người. Những ý niệm sinh diệt và còn mất là những ý niệm xuất phát từ nhận thức sai lầm, từ vô minh mà ra. Tự thân của chiếc lá Pippala cũng như tự thân của vị sa môn Gotama chưa từng bao giờ sinh diệt. Sự có mặt của một hiện tượng kéo theo sự có mặt của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ. Một đối tượng là bao hàm cho tất cả, và tất cả được có mặt trong một đối tượng.

Chiếc lá không có cá thể biệt lập, không có một cái ngã thường tại bất biến. Sa môn Gotama cũng vậy, ông không thể có mặt biệt lập với vũ trụ vạn hữu, ông không có một cái ngã thường tại bất biến. Thấy được tính cách trùng trùng duyên khởi của vạn hữu cũng là đồng thời chứng nghiệm được quy luật sâu xa trong tính cách vô ngã của vạn hữu. Và chính vì vậy, chìa khóa mở cánh cửa giải thoát sinh tử và khổ đau của nhân loại là nguyên lý của duyên sinh, nguyên lý của vô ngã.

Một đám mây trắng bay qua, và chiếc lá Pippala giờ đây đang in hình trên nền trắng ấy. Đám mây kia chiều nay có thể sẽ gặp một luồng khí lạnh và sẽ biến thành mưa. Đám mây là một biểu hiện của hiện tượng, mưa là một biểu hiện nước. Tự thân của đám mây không có sinh diệt và còn mất. Nếu đám mây biết điều đó thì khi cần được biến thành mưa, đám mây sẽ ca hát khi rơi xuống thành giọt trên núi rừng, trên ruộng lúa. Sa môn Gotama thấy được rằng trong thực tại, không có gì được sinh ra, không có gì mất đi, không có gì từ không mà trở thành có, không có gì từ có mà trở về không, đó chỉ là sự chuyển hóa của vật chất vạn hữu trong tự nhiên và ông vượt thoát được các ý niệm có không và sinh diệt.

Sa môn Gotama lấy cái ánh sáng chân lý này và soi chiếu lại vào những dòng sông cơ thể, cảm thọ, tri giác, tâm tư và nhận thức của con người. Ông thấy hầu hết những khổ đau của con người đều được phát xuất từ nhận thức sai lầm của con người. Nếu nhân loại thấy được tính cách vô thường, vô ngã của thực tại thì họ sẽ giải thoát được khổ đau. Vô thường và vô ngã là điều kiện tất yếu của sự sống; nếu không có vô thường và vô ngã thì không có biến chuyển sinh diệt, vì vậy không có gì có thể sinh trưởng và phát triển. Hạt lúa nếu không có vô thường và vô ngã thì không thể mọc thành cây lúa. Đám mây nếu không vô thường và vô ngã thì không thể nào biến thành cơn mưa. Em bé nếu không có vô thường và vô ngã thì không thể lớn lên. Vì vậy chấp nhận sự sống tức là chấp nhận vô thường và vô ngã. Khổ đau bắt nguồn từ sự nhận thức vô thường là thường, và vô ngã là ngã. Chứng nhập được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn hữu là thoát ra được vòng khổ đau luân hồi.

Sa môn Gotama thấy rằng một khi đã chứng nhập được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn hữu thì tự tánh không của vạn hữu cũng bắt đầu hiển lộ. Không tức là không sinh cũng không diệt, không có cũng không không, không một cũng không nhiều, không trong cũng không ngoài, không lớn cũng không nhỏ, không nhơ cũng không sạch ... Tất cả những ý niệm về không và có, sinh và diệt, một và nhiều, trong và ngoài, lớn và nhỏ, nhơ và sạch ... đều do những khuôn khổ khái niệm phân biệt hẹp hòi của tri giác tạo nên. Thâm nhập được vào thể tính không của vạn pháp, Siddhatta vượt lên trên của tất cả mọi phạm trù ấy của tri giác.

Đêm này qua đêm khác, sa môn Gotama ngồi thiền định dưới gốc cây Pippala, chiếu rọi ánh sáng vào thân tâm và vào vũ trụ. Năm người bạn đồng tu của ông đã bỏ ông từ lâu. Bạn tu của ông bây giờ cũng là núi rừng, là dòng sông, là chim chóc, là hàng vạn côn trùng dưới đất trên cây. Hoặc bạn tu của ông giờ là cây đại thọ Pippala. Đêm nào ông cũng ngồi thiền định cho tới khuya. Bọn trẻ con trong xóm mỗi khi đem thức ăn cho ông thường chỉ ở lại một lát vào giờ trưa, giờ nóng bức nhất trong ngày.

Trưa hôm ấy, Sujata đem cúng dường ông một bát đề hồ nấu với sữa và mật ong. Svastika cũng đem đến tặng cho ông một mớ cỏ Kusa rất tươi để ông trải làm tọa cụ. Svastika lùa trâu đi rồi, ông biết là nội trong đêm nay, ông sẽ đạt tới được tận cùng của sự thức tỉnh mầu nhiệm.

Chiều hôm ấy, sa môn Gotama đi thiền hành bên bờ sông, lội xuống sông tắm gội, rồi lại lên bờ sông đi thiền hành. Khi nắng bắt đầu tắt bên sông, ông trở lại với gốc cây Pippala quen thuộc. Nhìn gốc cây với thảm cỏ Kusa mới trải, Siddhatta mỉm cười. Ngồi ở nơi đây, ông đã thực hiện được bao nhiêu khám phá quan trọng. Ông biết giờ phút mà ông chờ đợi từ lâu đã sắp đến. Cánh cửa của sự giác ngộ hoàn toàn sắp được mở tung. 

Khoan thai, Siddhatta ngồi xuống và điều chỉnh thế ngồi trong tư thế hoa sen. Ông đưa mắt nhìn xung quanh. Dưới kia dòng sông đang lặng lẽ trôi. Những ngọn gió thật nhẹ đang lướt qua bờ cỏ. Rừng chiều vắng lặng nhưng sống động. Xung quanh ông có tiếng rì rào của muôn loại côn trùng. Ông nhiếp tâm theo hơi thở và khép nhẹ đôi mi. Sao Hôm đã bắt đầu ló dạng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài Quan Tâm

NHỮNG CÂU NÓI Ý NGHĨA TRONG ĐẠO PHẬT

*** Đừng lãng phí cuộc đời mình tại những nơi mà nhất định bạn sẽ hối hận. ***